Nét đẹp văn hóa trong tà áo dài của phụ nữ Việt

Nét đẹp đặc trưng của những tà áo tứ thân, mớ ba mớ bảy đã thành vẻ đẹp chân quê, thành phong tục và nét đẹp văn hóa của phụ nữ Việt. Vẻ đẹp đó khắc ghi thành tâm thức dân gian và mô thức thẩm mĩ, được ca dao người Việt ghi lại:

Áo tứ thân là áo của tôi
Sao chàng lại để cho người giằng co.
Áo tứ thân, nón quai thao. (Nguồn: Internet)

Có thể nói rằng, trang phục chính là một trong những sắc thái nổi bật nhất của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên bản sắc văn hóa của trang phục biến đổi không ngừng tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể, qua không gian và thời gian văn hóa. Trong quá trình biến đổi đó, trang phục vẫn giữ cái cốt cách, cái nền tảng ban đầu, đó chính là quy luật kết hợp truyền thống và đổi mới của văn hóa, của trang phục. Ta có thể nhận diện mô thức này qua sự biến đổi của chiếc áo dài của phụ nữ Việt trong thế kỷ XX.

Trong thế kỷ XX, tốc độ hiện đại hóa của trang phục trở nên nhanh chóng. Do đó, thời trang (vốn mang đậm tính cá nhân) dần dần trở thành thị hiếu của cả cộng đồng, được cộng đồng chấp nhận, ưa thích, bảo lưu, cải biến theo hướng ngày càng phù hợp, ngày càng hoàn thiện. Như vậy, hiện đại hóa trang phục vừa tuân theo quy luật của cuộc sống xã hội vừa tuân theo quy luật thẩm mỹ của bản thân. Quy luật hiện đại hóa trang phục thể hiện sự đột phá và đổi mới mạnh mẽ, song, dù thế nó không thể thoát ly truyền thống, mà trái lại, phải dựa vững chắc trên cơ sở truyền thống nếu muốn được chấp nhận, định hình trong xã hội một cách vững bền.

Trong suốt thế kỷ XX cho đến nay, trang phục của người Việt trải qua nhiều biến đổi. Tới những năm đầu thế kỉ, nhất là từ những năm 30, trên cơ sở áo dài năm thân, người ta cải tiến thành áo dài tân thời như hiện nay.

Chính sách cai trị của người Pháp cùng với làn sóng văn minh Tây Âu theo chân người Pháp tràn vào Việt Nam đã ảnh hưởng rất nhiều tới thị hiếu ăn mặc của người Việt, nhất là ở các thành phố. Cách ăn mặc của người Việt bị tác động bởi các phong trào “sống mới”, “vui vẻ, trẻ trung”. Do đó nhu cầu đổi mới chiếc áo dài năm thân cổ truyền đã nảy sinh, bởi vì dáng áo rộng thùng thình, cổ áo cao gấu, nẹp tà may to bản quá nặng nề.

Áo dài năm thân của hoàng thái hậu đầu thế kỷ 20. (Nguồn Internet)

Vào năm 1934, họa sĩ Cát Tường đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo dài hai tà truyền thống là áo dài năm thân, biến nó chỉ còn hai vạt trước và sau thành chiếc áo dài mà người ta đã gắn với cái tên Cát Tường, được dịch sang tiếng Pháp thành “Le Mur”. Kiểu áo này đã được các báo Phong hóa – Ngày nay của nhóm Tự lực văn đoàn, nơi họa sĩ này là cộng sự, giới thiệu bộ nữ phục cách tân của ông. Họa sĩ đã lấy ý tưởng từ các loại cổ, ống tay áo của phụ nữ châu Âu đưa vào áo dài như vai bồng, tay măng séc chun hoặc loe hình phễu, cổ áo khoét sâu viền đăng ten, gấu áo hình sóng lượn đáp vải khác màu hoặc ren. Bỏ vạt con gây cộm trên ngực, phần ngực và phần eo may sát hơn, nâng cao phần xẻ tà để tạo dáng mềm mại thể hiện được nét đẹp, đường cong duyên dáng của cơ thể phụ nữ. Vạt trước được họa sĩ nối dài để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi. Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn. Sự thay đổi này đã khắc phục được nhược điểm của chiếc áo năm thân vốn nặng nề và khoe được đường nét cơ thể của người phụ nữ. Cái đẹp giản dị mà thanh nhã được giữ lại những đường nét cơ bản trong bộ áo dài và càng ngày càng có những cải tiến để hoàn thiện hơn.

Áo dài Le Mur (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, áo dài Le Mur có nhiều cải tiến mà nhiều người thời đó cho là “lai căng” thái quá, như áo may ráp vai, ráp tay phồng, cổ bồng hoặc cổ hở. Thêm nữa áo Le Mur mặc cho đúng mốt phải đi quần xa tanh trắng, giày cao, một tay cắp ô và quàng vai thêm chiếc bóp đầm. Do đó, áo tân thời này đã bị một số dư luận khi đó tẩy chay. Lúc này, xu hướng Âu hóa và xu hướng chống Âu hóa xung đột với nhau. Đó là sự xung đột giữa thị hiếu phương Tây hiện đại và thị hiếu phương Đông truyền thống.

Nguyễn Bính – nhà thơ Việt Nam hiện đại xuất sắc thời kỳ Thơ Mới, trong bài thơ Chân quê được coi là tuyên ngôn của thơ thời kỳ đó, đã khắc họa một nỗi buồn và sự tiếc nuối trước cái đẹp chân quê của trang phục dân tộc đang bị thay thế bởi những thay đổi của thời hiện đại:

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Trước tình thế đó, những nhà cách tân văn hóa nghệ thuật gặp phải tình thế thử thách giữa một bên là truyền thống và một bên là hiện đại. Kết quả là những yếu tố vay mượn và bị xem là lai căng của châu Âu của chiếc áo dài Le Mur đã không được đa số phụ nữ Việt Nam chấp nhận. Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách: Ông Cát Tường phải thuyết phục cô Hòa Vân mặc tác phẩm mới của ông. Vì ông biết nếu Hòa Vân thử khoác cái gì lên người, cái ấy sẽ thành thời trang. Luôn có ý tưởng canh tân, cô Hòa Vân nhiệt tình chấp nhận, và quả nhiên áo dài Le Mur được phổ biến nhanh chóng. Rõ ràng ở đây có duyên hội ngộ giữa nhà họa sĩ có tư tưởng canh tân và người con gái có tinh thần canh tân. Danh phận của Hòa Vân được tác giả Trịnh Bách thuật lại như sau: Vũ Thị Hòa Vân là tiểu thư sắc nước hương trời, cháu nội một trong tứ trụ triều Nguyễn: Đông Các Điện đại học sĩ Vũ Quang Nhạ. Nhưng bà không phải là người chịu gò mình trong khuôn phép lễ giáo phong kiến. Ông Trịnh Bách thuật lại: cô tôi không bao giờ cho phép mình bị ràng buộc bởi các cổ lệ của giới trâm anh. Cô không bao giờ nhuộm răng đen và cô uốn tóc từ khi rất trẻ. Quần áo trang sức thì cái gì thời thượng và thẩm mỹ cao là cô chấp nhận ngay. Qua sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, giữa Cát Tường và Hòa Vân ta thấy tính quy luật của mọi canh tân văn hóa và nghệ thuật.

Cùng với Cát Tường, họa sỹ Lê Phổ cũng đã tham gia vào công cuộc cải tiến áo dài cho phụ nữ Việt. Ai trước ai sau ý kiến còn có sự khác nhau. Chỉ biết rằng người ta gọi áo dài tân thời từ thời đó là áo dài Lê Phổ, và xuất phát điểm của ý tưởng cách tân của Lê Phổ khác với Cát Tường là phải kế thừa các giá trị truyền thống, kết hợp các yếu tố từ áo tứ thân, ngũ thân để tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kín, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tư do bay lượn. Ông thu nhỏ cổ, gấu, nẹp tà, thân áo cho gọn và ôm khít vào người, nối vai và tay không phồng lên, cài nút bên phải, tà được xẻ cao hơn để dáng áo thêm phần mềm mại. Sự dung hợp hài hòa giữa cái mới và cái cũ được giới nữ thời đó hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đây áo dài Việt đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó, và cho đến nay dù trải bao thăng trầm, hình dáng chiếc áo dài về cơ bản vẫn giữ nguyên.

Ngày nay, trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường với sự mở cửa và hội nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, trong những làn sóng “mốt” thay đổi đến chóng mặt, bộ áo dài của phụ nữ Việt cũng vẫn thể hiện được bản lĩnh của sắc thái văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nó được giới tạo mẫu, thiết kế thời trang luôn tìm tòi, sáng tạo, cải tiến và bổ sung vào đó những hơi thở của thời đại, khuynh hướng và xu thế thời trang hiện đại. Có thể nói đây là giai đoạn mà áo dài một lần nữa đứng trước một cuộc cách tân hậu hiện đại sâu sắc cả về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, họa tiết trang trí…

Về kiểu dáng: cổ áo lúc cao, lúc thấp, lúc khoét hình vuông, hình thang, hình tròn, bầu dục… Vai áo: lúc bồng, lúc tròn, tay ngắn hoặc không có tay.

Về chất liệu: chiếc áo dài truyền thống xưa và cả chiếc áo dài cách tân được may bằng chất liệu truyền thống thường chỉ có một màu hoặc có hoa văn chìm trong vải được đặt nổi bật trên nền của chiếc quần lụa trắng tạo nên vẻ đẹp nền nã, rất sang trọng. Ngày nay, nó được cải tiến thêu hoa lá, vẽ họa tiết hoa văn cho thêm đẹp, thêm phong phú…

Áo dài ngày nay rất đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu (Nguồn: Internet).

Đứng trước xu hướng đa dạng hóa và hiện đại hóa, các dân tộc đều có nhu cầu bảo tồn và kế thừa các đặc trưng, giá trị và mô thức mỹ thuật của nữ phục. Áo dài tân thời của phụ nữ Việt đang phát triển phù hợp với cuộc sống của xã hội đô thị và công nghiệp theo hướng hiện đại hóa và đa dạng hóa trên nền tảng giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Thành công của chiếc áo dài phụ nữ Việt thế kỷ XX là sự kết hợp giữa tính truyền thống và tính hiện đại; giữa văn hóa cộng đồng và văn hóa cá nhân, giữa cơ tầng Đông Nam Á và yếu tố phương Tây. Đó cũng chính là bài học kinh nghiệm quý giá định hướng cơ bản cho việc kế thừa mẫu hình thị hiếu và hình thức đặc trưng nữ phục các dân tộc Việt Nam trong khuôn khổ của phạm trù mỹ thuật – văn hóa truyền thống.

Lan Phương (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:
- Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế giới, 2013.
- Cung Dương Hằng, Nữ phục truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 2011.
- Trịnh Bách, Áo dài Việt: Từ năm thân tới hai thân.
Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử quốc gia