Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng Thanh Hóa - Nơi lưu giữ các di vật của quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào

Đi suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của hai nước, Việt Nam - Lào có truyền thống hữu nghị đặc biệt lâu đời, mối quan hệ đó là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của mỗi nước và trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Việt Nam - Lào đã kề vai sát cánh bên nhau chống kẻ thù xâm lược chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong hai cuộc kháng chiến ấy, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia quân sự sang giúp cách mạng Lào. Qua những năm tháng khốc liệt nhất, gian khổ nhất của hai cuộc kháng chiến, đã có hàng vạn chiến sỹ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã hy sinh trên đất nước bạn Lào. Theo con số thống kê sơ bộ của Cục Chính sách Bộ Quốc phòng Việt Nam, chúng ta có 3,5 vạn liệt sỹ, theo con số thống kê của bộ chủ quản BLĐTBXH, có 3,7 liệt sỹ hy sinh trong quá trình chiến đấu và làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Lào. Nhưng theo tình hình thực tế của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, giai đoạn này hy sinh rất nhiều nhưng công tác chính sách còn sơ khai, ít có những ghi chép cụ thể. Vậy nên con số này có thể sẽ là trên dưới 4 vạn người.  Trong số hàng vạn chiến sỹ ấy có những người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa. Các thế hệ thanh niên quân tình nguyện và chuyên gia quân sự của Thanh Hóa đã cùng quân đội Lào không quản ngại khó khăn, gian khổ, chiến đấu anh dũng, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó. Những chiến công của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào được Đảng, nhà nước và nhân dân 2 nước ghi nhận trong đó có chiến công của những người con quê hương Thanh Hóa anh hùng.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương lòng của những người dân đất Việt nói chung, Thanh Hóa nói riêng vẫn còn nặng trĩu khi nhiều hài cốt liệt sĩ của quân tình nguyện Việt Nam còn chưa được tìm thấy.

Từ năm 1985, theo chỉ thị của quân ủy trung ương, các quân khu, các tỉnh đội có chung biên giới với nước bạn Lào đã thành lập các đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ trên đất bạn Lào. Phần lớn hài cốt liệt sỹ đã được quy tập, đưa về nước an táng trên các nghĩa trang thuộc các tỉnh có biên giới chung với Lào: Phía Bắc từ Nghĩa trang Tông Khao (Điện Biên), Nghĩa trang Sốp Cộp, Mộc Châu tại Sơn La, Nghĩa trang Bá Thước, Hàm Rồng tại Thanh Hóa, Nghĩa trang Quốc tế Việt – Lào tại Anh Sơn và Nghĩa trang liệt sỹ Đô Lương tại Nghệ An, Nghĩa trang đường 9 tại Quảng Trị và các Nghĩa trang khác trên địa bàn Thừa Thiên Huế tới Nghĩa trang Ngọc Hồi tại Kon Tum.

Trong suốt 30 năm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự trên đất bạn Lào, quân đội ta đã quy tập được số lượng lớn hài cốt liệt sỹ đưa về nước an táng. Song do yếu tố thời gian, địa hình phức tạp, nên hầu hết (tới 98%) danh tính liệt sỹ đã không còn. Hiện nay hầu hết các nghĩa trang liệt sỹ Quân tình nguyện đều có chung một hiện trạng là còn rất ít danh tính liệt sỹ (không quá 2%). Gần 98% liệt sỹ trở thành “CHƯA BIẾT TÊN”.

Di vật của các liệt sĩ đã hy sinh trên cứ điểm Pha – Thí nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa) vào một buổi chiều, sau khi dâng hương, thăm khu mộ các anh, chị được quy tập về đây, tôi được bác quản trang cho tiếp xúc với những di vật đã cùng các anh, chị nằm trong lòng đất mấy chục năm nay trên cứ điểm Pha – Thí đất bạn Lào. Những tủ, hòm ngổn ngang di vật, mỗi di vật tuy không ẩn chứa thông tin về các liệt sĩ, nhưng đều phản ánh lên sự khốc liệt của chiến tranh, sự chiến đấu gan dạ và sự hy sinh cao cả của mỗi chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam. Trong hàng trăm di vật ấy chỉ duy nhất có một nhóm di vật gồm chiếc lược và một chiếc bút có thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, đơn vị khi liệt sĩ hy sinh, tuy nhiên về quê quán lại không có. Nhiều liệt sĩ hy sinh khi cất bốc lên trong hài cốt còn găm 3-4 đầu đạn, có những liệt sĩ bị thương mất phần mông đùi phải đeo mông đùi giả bằng miếng ốp kim loại. Thật đau xót !

Đầu đạn găm trong hài cốt liệt sĩ
Bút viết và lược của liệt sĩ Nguyễn Danh Hào
Đệm mông kim loại được tìm thấy trong hài cốt liệt sĩ

Trần sao âm vậy (!) bên cạnh hài cốt của các anh còn có tăng, dù, bi đông, bát, thìa, dầu, cao, ví, đồng hồ, túi sách, gương, lược, giầy, dép, dao găm…rất nhiều lựu đạn được tìm thấy cùng trong hài cốt của các anh, phải chăng các anh đang trực tiếp chiến đấu và hy sinh (?). Đáng lưu ý trong số di vật đó có sưu tập của một người con gái chắc khi hy sinh chị đang làm nhiệm vụ chữa trị cho thương binh, gồm nồi nhôm, phích nước, ca, panh tiêm, xi lanh thủy tinh, hộp nhựa đựng kim tiêm, áo mút, gương soi, phía sau gương soi ấy được trang trí vẽ hình một anh Hải quân đang đứng trên boong tàu thực thi nhiệm vụ, phía xa xa có chiếc thuyền đang lênh đênh trên biển, bên trên có dòng chữ (nét chữ con trai) “Hải quân Việt Nam”, đây có phải là vật kỷ niệm mà chị được tặng (?). Nếu vậy, chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ !

Sưu tập di vật của nữ liệt sĩ y tá được tìm thấy trong hài cốt
Bát và dĩa tìm thấy trong hài cốt liệt sĩ
Lựu đạn được tìm thấy trong hài cốt liệt sĩ

Tất cả, tất cả không còn một thông tin nào cho biết các anh, chị quê quán ở đâu!

Vải dù dược tìm thấy trong di cốt liệt sĩ
Bình toong được tìm thấy cùng di cốt liệt sĩ

Dù đã ra đi, đã về với cát bụi nhưng các anh, các chị vẫn mãi ở trong tim mỗi con người Việt Nam và bạn bè Quốc tế với lòng tự hào, kính trọng và biết ơn sâu sắc nhất.

Xin mượn lời bài thơ “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh” của nhà thơ Văn Hiền để lột tả tâm trạng chung cũng như lòng biết ơn, kính trọng đến các anh, chị.

Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa
 
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi Anh khôn lớn
Tháng Tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai.
 
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác.
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân.
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh.
Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia
Những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân
 
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
Nỗi đau xanh cùng năm tháng./.
Hoàng Thị Vân (Phòng Sưu tầm)
TLTK: Thông tin cần thiết cho thân nhân liệt sĩ tại Lào. Trang thông tin điện tử Dựng nước – Giữ nước.