Xứng đáng với danh hiệu "Nam Ngạn anh hùng"

Ngày 26 tháng 5 năm 1965 đã đi vào lịch sử chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc của quân và dân Nam Ngạn - Thanh Hóa, thể hiện khí thế đánh giặc, sẵn sàng hy sinh, chủ động phối hợp cùng bộ đội Hải quân chiến đấu. Vừa chi viện, vừa thay thế pháo thủ, thợ máy, tiếp tế, cứu thương trong lúc bom đạn đang dội vào thôn xóm, nhiều nhà bị bốc cháy vẫn bình tĩnh cùng bộ đội bắn máy bay địch...Đã 50 năm trôi qua nhưng chiến thắng ở Hàm Rồng - Nam Ngạn vẫn mãi sáng ngời tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, trí thông minh sáng tạo của quân và dân Thanh Hóa. Phát huy tinh thần ấy, Đảng bộ và nhân dân Nam Ngạn hôm nay đang ra sức cùng nhân dân trong tỉnh xây dựng đất nước, quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh, vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Trong đợt đầu đánh phá Miền Bắc, bị thất bại thảm hại ngay từ các trận đầu tiên khi chúng liều lĩnh đối đầu với quân dân ta. Đế quốc Mỹ càng điên cuồng lồng lộn hơn vì thế chúng phải thay đổi cách đánh phá: Từ tập trung lực lượng đánh ồ ạt, đánh dứt điểm sang đánh nhỏ, đánh lén, mở rộng phạm vi và mục tiêu đánh phá.

Những ngày cuối tháng 5 năm 1965, đế quốc Mỹ đã cho máy bay trinh sát, thăm dò và ném bom oanh tạc một số địa điểm trong tỉnh và cả khu vực từ Lạch Trường đến Hàm Rồng. Phát hiện tàu của Hải quân ta ở Lạch Trường, lập tức chúng cho máy bay đến bắn phá. Quân dân Lạch Trường (Hoằng Hóa) và quân dân Hậu Lộc đã phối hợp với bộ đội Hải quân bắn rơi tại chỗ 2 chiếc AD6 và bắn bị thương nhiều chiếc khác.

Đúng 8h sáng ngày 26 tháng 5 năm 1965, nhiều tốp máy bay địch đã xuất hiện bắn phá ở giữa dòng sông Mã nơi tàu Hải quân ta trú đậu (quãng sông từ Hàm Rồng đến cửa Hới). Súng của Hải quân ta bắn lên, hai bên bờ sông súng của dân quân Hoằng Châu (Hoằng Hóa) cùng phối hợp. Địch mỗi lúc bắn phá càng ác liệt, tàu Hải quân cần có sự hỗ trợ, bảo vệ nên ngược dòng sông Mã lên Hàm Rồng vào tầm hỏa lực của cao xạ. Nước ngược, vừa phải chiến đấu vừa phải xử trí tình huống nên đến gần 12h, tàu Hải quân mới lên được gần quãng sông bờ Bắc (gần Nguyệt Viên) xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa). Pháo cao xạ của ta bắt đầu chi viện, mặc dù các chiến sĩ trên tàu chiến đấu vô cùng dũng cảm nhưng số người có hạn lại có sự thương vong nên gặp rất nhiều khó khăn.

Đến 12h 40 phút, cuộc chiến đấu diễn ra càng ác liệt. Tàu 136 của Hải quân do mất sức cơ động bị đánh trúng. Dân quân Nam Ngạn (Tiểu khu Nam Ngạn, TX. Thanh Hóa) bố trí sát bờ sông phát hiện thấy máy bay địch tấn công tàu dữ dội đã tổ chức lực lượng phối hợp chiến đấu ngăn máy bay địch sà xuống thấp. Máy bay địch vẫn nối đuôi nhau công kích, gầm thét, thả bom, bắn rốc két xuống tàu. Biết bộ đội trên tàu bị thương nhiều, Khu đội trưởng Nguyễn Thị Hằng quyết định để một bộ phận ở lại chiến đấu còn tất cả đều đi tiếp đạn và xuống tàu làm nhiệm vụ thay thế pháo thủ. Tự vệ nhà máy in Ba Đình được lệnh hành quân cấp tốc đến trận địa của dân quân Nam Ngạn phối hợp chiến đấu, thay thế bộ phận chi viện tàu Hải quân. Dân quân Nam Ngạn vừa tiếp đạn, vừa bắn trả địch. cuộc chiến đấu của Hải quân, dân quân tự vệ trên tàu diến ra hết sức gay go, ác liệt. Trong số 14 dân quân Nam Ngạn bơi thuyền ra chi viện chiến đấu trên tàu có 4 người con của cụ Ngô Thọ Lạn là: Ngô Thọ Sắp, Ngô Thọ Xếp, Ngô Thọ Đặt, Ngô Thọ Sáu thay thế pháo thủ tiếp tục đánh trả địch. Anh Sắp bị thương, anh Sáu bị thương đến lần thứ ba vẫn không rời mâm pháo nhưng đến lần thứ tư thì anh hy sinh trong lúc tay đang cầm khẩu 12ly7. Các nữ chiến sỹ: Nguyễn Thị Hằng, Ngô Thị Tuyển, Lê Thị Dung, Lê Thị Nghiên là những tự vệ của tiểu khu Nam Ngạn đã chiến đấu rất dũng cảm. Chị Hằng, Chị Dung đã được Thị đội bồi dưỡng sử dụng pháo và vũ khí thô sơ từ trước lại được các chiến sĩ Hải quân hướng dẫn tại chỗ nên đã thay thế các chiến sĩ Hải quân trên mâm pháo tiếp tục đánh trả địch. Chị Lê Thị Dung sau khi băng bó xong vết thương cho các chiến sĩ pháo thủ liền ngồi vào mâm pháo thay thế, vừa nạp được băng đạn thứ hai thì chị đã bị trúng mảnh rốc két của địch trong khi tay vẫn còn nâng băng đạn để đồng chí Sắp bắn và chị đã anh dũng hy sinh. Đường đạn hiệp đồng của bộ đội với những người con gái, con trai Nam Ngạn đã hạ liên tiếp 02 “Thần sấm, con ma” xác nó phơi xuống dòng sông Lạch Trào.

 

 Túi cứu thương của chị Lê Thị Dung, dân quân Nam Ngạn dùng đựng thuốc và dụng cụ y tế cứu chữa thương binh.
Chị đã hy sinh trong trận ngày 26/5/1965.
Loa của anh Ngô Thọ Sáu, dân quân Nam Ngạn dùng phát thanh khi có máy bay Mỹ đánh phá
 
Đạn trên tàu hết, dân quân Nam Ngạn tiếp tục vác đạn, chở thuyền tiếp tế cho tàu ta đánh địch, một số các đồng chí khác làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm xuống tàu phục vụ các chiến sĩ hải quân, sát cánh cùng các chiến sĩ bắn máy bay Mỹ. Như được tiếp thêm sức mạnh, cùng với khí thế sục sôi căm thù bọn cướp nước, chị Ngô Thị Tuyển một mình đã vác hai hòm đạn nặng 98kg, gấp đôi trọng lượng cơ thể chị mà lúc bình thường tưởng không sức nào mang nổi. Chị vẫn bình tĩnh gan góc chạy băng băng giữa làn mưa bom, bão đạn cùng đồng đội tiếp đạn cho các pháo thủ ta bắn máy bay địch. Các anh Hoàng Cành, Mơi, Thai, Nghĩa, Thục… đã phối hợp chiến đấu chặt chẽ với bộ đội trong suốt trận đánh. Đồng chí Nguyễn Đăng Thai - Bí thư chi bộ đã có mặt ở khắp các trận địa. Các đồng chí Xuân Thông, Châu, Dân, Đỗ, Túc, Duy, Sơn, Kỳ, Đàm…băng qua khắp các trận địa làm nhiệm vụ cứu tải thương, lúc không có người bị thương thì các đồng chí cùng bộ đội, dân quân hợp đồng tác chiến. Đồng chí công an Đỗ Văn Nhượng đã hướng dẫn nhân dân kịp thời sơ tán rồi cùng các lực lượng vũ trang khác trực tiếp tham gia chiến đấu. Đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Hoàng Thị Huê, Phó chủ nhiệm Trần Thị Nhũ đã động viên tất cả các lực lượng trong hợp tác xã tham gia chiến đấu. Thầy giáo Vũ Lượng vừa là người truyền tin chiến thắng vừa làm nhiệm vụ liên lạc giữa các trận địa dưới làn bom rơi đạn nổ của kẻ thù. Người không trực tiếp bắn máy bay thì làm nhiệm vụ cứu thương, tải thương, lo liệu thực phẩm, tất cả mọi người đều xả thân phục vụ chiến đấu, trong đó điển hình là sư cụ Thích Đàm Xuân trụ trì chùa Nam Ngạn cũng đã rời cửa Phật tham gia tiếp tế, phục vụ chiến đấu. Chùa Nam Ngạn cũng trở thành nơi cứu chữa, điều trị thương binh…
Chị Ngô Thị Tuyển, dân quân Nam Nam Ngạn một mình vác hai hòm đạn  nặng 98kg gấp đôi trọng lượng cơ thể

Đến 16h 45phút, trước lưới lửa dày đặc của quân dân Nam Ngạn và khu vực Hàm Rồng, đế quốc Mỹ phải ngừng đợt tấn công. Tự vệ, dân quân Nam Ngạn cùng với tàu Hải quân 136 và lực lượng phòng không bắn rơi 02 máy bay địch bảo vệ được cầu Hàm Rồng, 05 đoàn viên ưu tú của chi đoàn Nam Ngạn đã được Chi bộ Tiểu khu Nam Ngạn kết nạp đảng ngay tại trận.

Ngày 26 tháng 5 năm 1965 đã đi vào lịch sử chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc của quân và dân Nam Ngạn, thể hiện khí thế đánh giặc, sẵn sàng hy sinh, chủ động phối hợp cùng bộ đội Hải quân chiến đấu. Vừa chi viện, vừa thay thế pháo thủ, thợ máy, tiếp tế, cứu thương trong lúc bom đạn đang dội vào thôn xóm, nhiều nhà bị bốc cháy vẫn bình tĩnh cùng bộ đội bắn máy bay địch. Có thể nói: Nếu Yên Vực (Hoằng Long - Hoằng Hóa) bên bờ Bắc là một pháo đài chiến tranh nhân dân kiên cường đánh Mỹ thì Nam Ngạn là biểu hiện rực rỡ của tấm gương toàn dân đánh giặc, toàn dân phục vụ đánh giặc bên bờ Nam sông Mã, sát cánh cùng bộ đội pháo cao xạ Hàm Rồng, cùng Hải quân chiến đấu bảo vệ vững chắc mạch máu giao thông của cả nước.

Sau thắng lợi của trận chiến đấu oanh liệt ngày 3 - 4/4/1965 và nhất là trận chiến đấu kiên cường phối hợp bắn máy bay Mỹ của dân quân Nam Ngạn với bộ đội Hải quân ngày 26/5/1965, Đại đội dân quân Tiểu khu Nam Ngạn được Quốc hội và Nhà nước tặng 02 Huân chương Chiến công Hạng Nhất. Ngày 1/1/1967 Đại đội dân quân Nam Ngạn và chị Ngô Thị Tuyển được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Đã 50 năm trôi qua nhưng chiến thắng ở Hàm Rồng - Nam Ngạn vẫn mãi sáng ngời tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, trí thông minh sáng tạo của quân và dân Thanh Hóa. Phát huy tinh thần ấy, Đảng bộ và nhân dân Nam Ngạn hôm nay đang ra sức cùng nhân dân trong tỉnh xây dựng đất nước, quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh, vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

                                                                                                                                                                                                                                    Lê Thị Hường (Phòng TB-TT)