Bố trí trận địa chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, ngày 3 - 4/4/1965

Hàm Rồng nằm ở vùng hạ lưu sông Mã, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 4 km về phía Bắc. Đây không chỉ là một thắng cảnh nổi tiếng mà còn là nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là địa điểm tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng: Đường sắt, đường bộ và đường sông. Lại là khu công nghiệp của tỉnh: nhà máy điện, máy xay, phân lân…xung quanh nhiều làng mạc đông dân sầm uất như làng Đông Sơn, Nam Ngạn và Yên Vực. Hàm Rồng chiếm vị trí quan trọng, mạch máu giao thông Bắc–Nam, là trọng điểm có ý nghĩa chiến lược trong việc chi viện cho tiền tuyến, một mục tiêu hấp dẫn đánh phá của máy bay Mỹ.

Cầu Hàm Rồng được xây dựng năm 1904, trong kháng chiến chống Pháp, ta đã phá hủy (1947) để thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Hòa bình lập lại, Đảng và Chính phủ chủ trương xây dựng lại cầu Hàm Rồng có trụ giữ vững vàng được khánh thành vào ngày 19/5/1964.

Sau khi “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ tiến hành “chiến tranh cục bộ” đưa hơn 50 vạn quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam, đồng thời leo thang đánh phá miền Bắc. Là một tỉnh có địa bàn chiến lược trọng yếu, Thanh Hóa trở thành trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Hàm Rồng là một trong 94 mục tiêu đầu tiên được Mỹ xác định trong kế hoạch đánh phá miền Bắc.

Thực hiện kế hoạch “Sấm rền”, Mỹ đã mở đợt oanh tạc hỗn hợp gồm Không quân Mỹ và Nam Việt Nam vào cầu Hàm Rồng. Đứng trước tình hình, Quân ủy Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Quân khu Ba và Tỉnh ủy Thanh Hóa đã xác định “Trọng điểm Thanh Hóa là Hàm Rồng”, bảo vệ được cầu Hàm Rồng là bảo vệ được giao thông thông suốt. Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam giao cho Bộ tư lệnh Quân khu Ba phối hợp cùng địa phương chỉ huy và tổ chức chiến đấu tại khu vực Hàm Rồng. Với ưu thế địa hình Hàm Rồng ở vào thế hiểm yếu, có nhiều điểm cao: Bờ Bắc có núi Ngọc, bờ Nam có núi Mắt Rồng, xung quanh cầu có nhiều điểm cao khác rất thuân lợi cho việc bố trí các tầm hỏa lực của ta trên sông và mặt đất. Nhiều đợn vị được điều động tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Đại đội I pháo cao xạ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng

Lực lượng tham gia chiến đấu tại khu vực Hàm Rồng được tổ chức thành các cụm hỏa lực. Mỗi cụm hỏa lực đều có khả năng chiến đấu độc lập trên từng hướng, đồng thời có thể phối hợp với các đơn vị.

- Cụm phía Bắc cầu: Có nhiệm vụ đánh địch từ hướng Đông Bắc, yểm trợ cho hướng Tây Nam và đón đánh địch khi chúng lợi dụng núi Hàm Rồng bổ nhào từ Tây sang.

- Cụm phía Nam cầu: Đánh địch từ phía Nam, khống chế không cho chúng tiếp cận cầu Hàm Rồng, bảo vệ ga và thị xã Thanh Hóa.

- Cụm phía Tây Nam: Đánh địch từ hướng Tây Nam, trực tiếp bảo vệ cầu và nhà máy điện Hàm Rồng.

- Cụm phía hai đầu cầu: Có nhiệm vụ đánh địch ở tầm thấp bảo vệ cầu.

Hai biên đội không quân của ta do Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh chỉ huy có nhiệm vụ đánh địch ở tầm cao, ngoài tầm của cao xạ.

Sở chỉ huy đặt tại núi Cuội, 2 đài quan sát đặt ở cao điểm 134 và núi Mật (104).

Trước khi đánh Hàm Rồng, địch đã đánh cầu Lèn (Hà Trung), Ghép (Quảng Xương), và ga Văn Trai (Tĩnh Gia) nhằm phá giao thông, cô lập Hàm Rồng cả phía Bắc và phía Nam.

Đây là trận do Tổng thống Mỹ Giôn-xơn ra lệnh, với những phương tiện chiến tranh hiện đại và đội ngũ phi công sừng sỏ, dày dạn trận mạc đã được luyện tập kỹ càng trên sa bàn thực thi, tổ chức cuộc tấn công quy mô lớn dồn dập. Trong 2 ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965. địch đã sử dụng 174 lần tốp, 454 lần chiếc máy bay các loại, ném 627 quả bom phá, 58 quả bom nổ chậm. Riêng Hàm Rồng, địch công kích vào mục tiêu cầu 85 lần, cắt 350 quả bom, phóng 149 trái đạn rốc-két, hòng dứt điểm đánh sập ngay lập tức cầu Hàm Rồng, cắt đứt con đường huyết mạch vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam như giới quân sự Mỹ đã xác định: Từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc, trong đó Hàm Rồng được xem như là một “điểm tắc lý tưởng” là “đầu mút của khu vực cán xoong”.

 Ngày 3/4/1965, Trung tá không quân Mỹ James Robinson Risner, chỉ huy trưởng đơn vị 67, liên đội không quân số 18 biệt hiệu “gà chọi”, chỉ huy 79 máy bay cường kích, trong đó có 46 máy bay F-105D, 21 máy bay F-100, hai máy bay RF-101 và 10 máy bay KC-135 tiếp dầu, cất cánh từ sân bay Cò Rạt Thái Lan đem bom đánh phá cầu Hàm Rồng. Các máy bay này được trang bị bom MK-81, MK-82, M-117 và tên lửa không đối đất AGM-12 Bullpup. Với kiểu ném bom “gieo hạt”. Từ nhiều hướng Đông Nam lao tới, từ Tây Bắc bổ nhào gầm rú, lồng lộn ném bom đánh phá trong mấy giờ liền, có tốp bổ nhào thẳng xuống mặt cầu hòng dứt điểm đánh sập cầu. Tổ Trung liên của 3 chiến sĩ: Huấn - Nghị - Liền trên đỉnh núi Ngọc lợi dụng vào ưu thế tuyệt đối của địa hình, chiến đấu anh dũng bắn rơi một máy bay Mỹ, làm chủ được tầm thấp, địch tấn công liên tục, hỏa lực của các trận địa pháo phòng không mặt đất bắn lên, địch vọt lên cao, bị các biên đội máy bay MiG 17 bất ngờ đón đánh. Không quân nhân dân Việt Nam xuất kích trận đầu giành thắng lợi giòn giã, đã bắn rơi hai chiếc máy bay F-8E và F-8U của Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng. (Ngày 3/4/1965, được xác nhận là ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam). Phân đội tàu tuần tiễu 120, 136 Hải quân dọc sông Mã phối hợp nổ súng, dưới đầu cầu phân đội 3 Công an vũ trang đan thêm … cùng các trận địa dân quân tự vệ Nam Ngạn, Yên Vực, Hoằng Long, Hoằng Lý, Đông Tác tạo thành lưới lửa nhiều tầng , nhiều lớp phá vỡ đội hình bay của không quân Mỹ. Tự vệ nhà máy điện Hàm Rồng đưa súng lên nóc nhà tầng để đánh trả máy bay địch bảo vệ mục tiêu. Dân quân Nam Ngạn–Hàm Rồng luôn tiếp đạn, tải thương, chèo thuyền, đưa đạn, chở pháo thủ dự bị ra tàu hải quân. Nhân dân các làng Nam Ngạn, Yên Vực và Đông Sơn luôn sáng đèn, đỏ lửa nấu cơm nước, chặt dừa, đốn lá ngụy trang đưa tới từng trận địa cho bộ đội và dân quân tự vệ. Sư bà Đàm Thị Xuân trụ trì chùa Mật Đa dùng nhà chùa làm nơi cấp cứu, điều trị thương binh.

Bị thua đau, sáng ngày 4 tháng 4 năm 1965 nhiều tốp máy bay địch từ sân bay Cò Rạt (Thái Lan), sân bay Đà Nẵng, các tàu sân bay thuộc hạm đội 7 ngoài khơi kéo đến bắn phá Hàm Rồng. Chúng sử dụng các loại máy bay như hôm trước nhưng tăng thêm hai máy bay F-105D, nâng tổng số lên 81 máy bay trong cuộc không chiến, trong đó có 48 chiếc F-105. Không quân Mỹ một lần nữa với nỗ lực cao nhất phá hủy cầu Hàm Rồng. Từ nhiều hướng máy bay địch thay nhau bổ nhào, dội bom ồ ạt xuống khu vực Hàm Rồng. Tại các trận địa chốt, quân dân Hàm Rồng tăng cường đánh trả địch quyết liệt, pháo cao xạ 57 ly của đoàn Tam Đảo phối hợp chặn đánh địch từ xa. Quân ta đánh địch bằng nhiều tầng, ở mọi hướng, làm cho địch rối loạn đội hình không thể công kích mục tiêu như dự định. Hốt hoảng trước mạng lưới phòng không nhiều tầng, nhiều lớp của ta địch phải vút lên cao. Giữa lúc đó Không quân ta xuất kích đón đánh. Phương án chiến đấu là Biên đội nghi binh cất cánh trước, bay ở độ cao 7.000 đến 8.000 mét ở vùng trời phía tây khu vực chiến đấu. Biên đội tiến công xuất kích sau, bay thẳng theo hướng Đông-Nam đến khu vực chiến đấu sẽ vọt lên chiếm độ cao giành ưu thế chiến thuật. Quân dân Hàm Rồng hiệp đồng chặt chẽ, giáng trả bằng những loạt đạn chính xác, làm cho lũ giặc lái phải hốt hoảng ném bom bừa bãi rồi tháo chạy.

Hai ngày chiến đấu liên tục anh dũng, quân dân ta đã bắn hạ 47 máy bay Mỹ, nhiều giặc lái bị bắt sống. Cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang vắt qua đôi bờ sông Mã.

Chiến thắng 3-4/4/1965 là trận hiệp đồng chiến đấu quân binh chủng phong phú nhất, tiêu biểu nhất: Người người ra trận, cả nhà ra trận, cả làng ra trận. Đây là trận thắng lợi mở đầu cho cuộc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, có ý nghĩa to lớn, thể hiện ý chí quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của lực lượng phòng không nhỏ bé non trẻ của ta chống lại lực lượng không quân Mỹ hiện đại, thiện chiến. Là thắng lợi của công tác chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, nhận định đánh giá địch chính xác của các cấp chỉ đạo và lực lượng vũ trang, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Tạo nên một thế trận chiến tranh nhân dân, hiệp đồng quân binh chủng có một không hai trong lịch sử dân tộc. Thắng lợi này như một mốc son sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm cho bạn bè khắp năm châu, bốn biển ca ngợi và kính phục.

Với thành tích chiến đấu, Bộ Tư lệnh quân khu III trao Cờ thưởng “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Hồ Chủ Tịch cho quân và dân Thanh Hóa. Ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965 trở thành ngày hội truyền thống chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa./.

Nguyễn Thị Thanh Hiền

Tài liệu tham khảo:

- VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ.  Lịch sử kháng chiến chống mỹ cứu nước. NXB Sự thật, 1990.

- BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ THANH HÓA. Thanh Hóa lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975. BCHQS Thanh Hóa, 1994.

- BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ THANH HÓA. 55 năm Lực lượng Vũ trang Thanh Hóa (1947-2002). NXB Thanh Hóa, 2002.

- JOEALLEN. Việt  Nam cuộc chiến thất bại của Mỹ. NXB Công an nhân dân, 2009.