Sách "Trống đồng Thanh Hóa"
Cuốn sách “Trống đồng Thanh Hóa” là một công trình giới thiệu về trống đồng Đông Sơn tương đối đầy đủ, hấp dẫn; cập nhật gần như toàn bộ tư liệu về loại trống này ở Thanh Hoá. Sách do Bà Hoàng Thị Chiến – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa Chủ biên, Nxb: Khoa học xã hội; Khổ sách: 26x36,5cm; Số lượng: 291 tr.; Năm: 2013.
“ Một trong những báu vật Quốc gia mà tiền nhân để lại cho hậu thế là những chiếc trống đồng. Những chiếc trống đồng không những đẹp về mỹ thuật, được đúc với kỹ nghệ cao mà còn là những trang sử sinh động phản ánh cuộc sống sinh hoạt của ông cha chúng ta suốt mấy ngàn năm lịch sử, từ buổi các Vua Hùng dựng nước; trống đồng còn là biểu tượng rực rỡ của nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng thế giới”.
Thanh Hóa vinh dự là nơi đầu tiên phát hiện những di vật đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn đồng thời, là tỉnh có số lượng trống đồng lớn nhất cả nước; đây còn là địa phương đầu tiên tìm thấy trống đồng thông qua khai quật khảo cổ học. Vì thế, nói đến trống đồng Việt Nam, không thể không nói đến trống đồng Thanh Hóa, nhất là trống Đông Sơn.
Cuốn sách “Trống đồng Thanh Hóa” là một công trình giới thiệu về trống đồng Đông Sơn và trống đồng loại II tương đối đầy đủ, hấp dẫn; cập nhật gần như toàn bộ tư liệu về hai loại trống này ở Thanh Hoá. Bên cạnh đó, cuốn sách công bố tư liệu gốc 142 trống đồng của 3 loại, mà Thanh Hóa sở hữu trong tổng số 4 loại trống, theo phân loại của học giả F. Heger và một số chậu trống, trống đặc biệt khác nữa. Cuốn sách cũng giới thiệu về hai di tích đặc biệt thờ thần Đồng Cổ (thần trống đồng) ở làng Đan Nê (xã Yên Thọ, huyện Yên Định) và làng Mỹ Đà (xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa). Cuốn sách cũng tập hợp một số bài viết chuyên khảo của các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành về trống đồng ở Thanh Hóa và công tác trưng bày, phát huy giá trị di sản trống đồng ở Bảo tàng Thanh Hóa. Ấn phẩm là công cụ hữu ích cho các nhà khoa học trong nước cũng như nước ngoài khi tìm hiểu về một báu vật cũng như lịch sử cổ đại của nước ta. Đây cũng là tài liệu quý giá để các nhà nghiên cứu mỹ thuật tham khảo về nền nghệ thuật xưa của cha ông.
Sách do Bà Hoàng Thị Chiến – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa Chủ biên, Nxb: Khoa học xã hội; Khổ sách: 26x36,5cm; Số lượng: 291 tr.; Năm: 2013.
Trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Ngân Dung