`

3101 người đang online

PHÒNG TRƯNG BÀY “THANH HÓA THỜI TIỀN SỬ - SƠ SỬ”

Đăng ngày 28 - 01 - 2016

Trọng tâm phòng trưng bày giới thiệu các giai đoạn phát triển của thời kỳ Tiền sử - sơ sử trên đất Thanh Hóa. Những lớp cư dân nguyên thủy, qua quá trình sinh tồn đã sáng tạo nên những nền văn hóa nổi tiếng, phát triển liên tục từ thời đại đồ đá cũ qua thời đại đồ đá mới, đến thời đại kim khí.

 Phòng trưng bày chia làm hai giai đoạn:

- Thanh Hóa thời Tiền sử: Trình bày quá trình hình thành và phát triển của người nguyên thủy trong suốt thời đại đồ đá cách ngày nay từ 40 - 30 vạn năm đến 5000 - 4000 năm.

- Thanh Hóa thời Sơ sử: Giới thiệu những nền văn hóa thuộc thời đại Kim khí ở lưu vực sông Mã, sông Chu từ Sơ kỳ thời đại đồ đồng đến Sơ kỳ đồ sắt.      

Mở đầu phòng trưng bày giới thiệu những di tích sơ kỳ thời đại đồ đá cũ với những di vật phát hiện ở các di tích khảo cổ học: Núi Đọ (Thiệu Tân, Thiệu Khánh), Núi Nuông (Định Thành, huyện Yện Định), núi Quan Yên (Định Công, huyện Yên Định) như: Công cụ chặt thô sơ, phác vật hình rìu, mảnh tước, hạch đá... Đặc biệt là sưu tập xương răng động vật hóa thạch phát hiện trong hang Làng Tráng (Lâm Sa, Bá Thước) đây là những dấu tích xác thực của người nguyên thủy trên đất Thanh Hóa cách ngày nay từ 40 - 30 vạn năm.

Những di tích Hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, có niên đại khoảng 17.000 - 11.000 năm cách ngày nay. Trên đất Thanh Hóa phát hiện nhiều di tích mang dấu ấn văn hóa Sơn Vi. Chủ nhân văn hóa Sơn Vi sử dụng nguyên liệu đá cuội để chế tác công cụ. Điển hình là di chỉ khảo cổ học Con Moong (bản Mó, xã Thành Yên, Thạch Thành), nơi phát hiện các di vật của ba nền văn hóa tiêu biểu:Văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn. Hang Con Moong là ngôi nhà lớn mà người tiền sử đã cư trú và phát triển liên tục, từ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đá mới, từ săn bắt, hái lượm đến trồng trọt, chăn nuôi.

Tiếp theo là phần trưng bày những di tích thuộc thời đại đồ đá mới, tiêu biểu là văn hóa Hòa Bình, một nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á và thế giới, có niên đại khoảng từ 11.000 - 7.000 năm cách ngày nay. Nơi cư trú của con người ở giai đoạn này chủ yếu trong các hang động, mái đá gần sông suối. Hiện vật gồm rìu ngắn, công cụ chặt, công cụ hình đĩa, công cụ hình hạnh nhân... sự xuất hiện đồ gốm cùng kết quả phân tích bào tử phấn hoa  là những bằng chứng rõ ràng về sự ra đời của nền nông nghiệp trồng trọt sơ khai ở khu vực này.

Giai đoạn trung kỳ đồ đá mới, cách ngày nay khoảng 7000-5000 năm, người nguyên thủy ở các mái đá, hang động phía Tây Thanh Hóa đã làm một cuộc di cư vĩ đại vươn ra chiếm lĩnh đồng bằng, tiến ra biển tạo dựng nên một nền văn hóa nổi tiếng - Văn hóa Đa Bút. Với bước phát triển liên tục qua các di chỉ tiêu biểu được phát hiện, khai quật đó là di chỉ Đa Bút (xã Vĩnh Tân), Bản Thủy (xã Vĩnh Thịnh), Làng Còng (xã Vĩnh Hưng) thuộc huyện Vĩnh Lộc, Cồn cổ ngựa (xã Hà Lĩnh, Hà Trung) đến di chỉ Gò Trũng hậu kỳ đồ đá mới (xã Phú Lộc, Hậu Lộc). Cư dân nguyên thủy thời kỳ này đã đưa kỹ thuật chế tác đá lên đến đỉnh cao của kỹ nghệ chế tác đá của người nguyên thủy. Hiện vật gồm: Sưu tập rìu, bàn mài, chày, bàn nghiền, chì lưới, mảnh gốm, đồ đựng bằng đất nung, hạt chuỗi…. Phòng trưng bày còn giới thiệu ảnh về mộ táng và các đồ tùy táng chôn theo, điều đó cho thấy thời kỳ này xã hội đã bắt đầu có sự phân chia giai cấp.

Tất cả những dấu tích xa xưa nhất của người nguyên thủy cùng với những nền văn hóa tiêu biểu từ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồ đá mới có sự phát triển liên tục, có hệ thống đã tạo tiền đề cơ sở vật chất xã hội quan trọng để Thanh Hóa nói riêng Việt Nam nói chung bước sang thời đại kim khí đồng thau - thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

 Phần tiếp nối, giới thiệu những nền văn hóa thuộc thời đại Kim khí, từ buổi đồ đồng xuất hiện (các giai đoạn Tiền Đông Sơn) đến sơ kỳ đồ sắt (giai đoạn thuộc văn hóa Đông Sơn). Mở đầu giới thiệu những di tích, di vật của các văn hóa trước văn hóa Đông Sơn với ba giai đoạn phát triển kế tiếp nhau: Cồn Chân Tiên - Đông khối - Quỳ Chử. Với các địa điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn được phát hiện và khai quật phân bố khắp các vùng miền trong tỉnh, cho biết cư dân Thanh Hóa trong buổi đầu dựng nước đã có những bước tạo dựng đóng góp chung cho lịch sử. Những di tích được phân bổ dọc theo đôi bờ sông Mã, sông Chu mà địa điểm Cồn Chân Tiên (Thiệu Vận, thành phố Thanh Hóa) là tiêu biểu, và các di tích thuộc nhóm Mỹ Tế (Thường Xuân) với các công cụ nổi bật là những chiếc rìu mài nhẵn, đồ gốm khá dày, miệng loe vai xuôi. Văn hóa Hoa Lộc được phát hiện năm 1973, có niên đại cách ngày nay khoảng 4000 - 3000 năm. Được phân bổ trên những cồn cát ven biển thuộc xã Hoa Lộc, Phú Lộc (Hậu Lộc) ngoài những cuốc đá to bản phù hợp với với việc canh tác đất cát là hàng trăm chì lưới bằng đá hay đất nung, các mảnh gốm cùng với xương các loài cá biển... chứng minh cư dân thuộc văn hóa Hoa lộc là những người làm nông nghiệp và sớm khai thác biển cả.

Người Thanh Hóa bước sang một giai đoạn mới: giai đoạn Đông khối, cách ngày nay khoảng 4000 - 3000 năm mà di chỉ khảo cổ học Đông Khối (xã Đông Cương, thành phố Thanh Hóa) khai quật năm 1960 được coi là điển hình. Cư dân giai đoạn này đã đưa truyền thống chế tác đá của người Cồn Chân Tiên lên đỉnh điểm của thời tiền sử - sơ sử ở Thanh Hóa. Với những sưu tập mảnh tước, phác vật rìu, rìu, bôn tứ giác, đồ trang sức cùng những mảnh gốm, mảnh chạc gốm tìm thấy trong tầng văn hóa ở Đông Khối, Đồng Ngầm, Đồng Vựng - Đông Sơn... chứng tỏ đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với thủ công nghiệp ở giai đoạn này.

 Giai đoạn Quỳ Chử được tiếp nối với nhiều di tích được phát hiện mà di chỉ khảo cổ học Quỳ Chử (Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa) phát hiện năm 1962 là điển hình; cho biết cư dân giai đoạn này đã phát triển nghề luyện kim và chế tác kim loại. Tại di chỉ Thiệu Dương, Quỳ Chử các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những mảnh nồi gốm còn dính nguyên một lớp đồng. Trưng bày sưu tập công cụ, vũ khí đồng đủ kiểu: Rìu lưỡi xéo, mũi tên, giáo, lưỡi câu, dũa... bên cạnh rìu mài nhẵn, cuốc đá to bản, bôn, bàn mài, đồ trang sức bằng đá như khuyên tai, vòng đá cùng sưu tập đồ gốm với hoa văn trang trí độc đáo... chứng tỏ đời sống tinh thần của cư dân giai đoạn này hết sức phong phú, với trình độ thẩm mỹ cao.

Sự phát triển về kinh tế thời kỳ này, đặc biệt là kỹ thuật luyện kim đúc đồng bên cạnh đó là sự phát triển đến tột đỉnh của kỹ thuật chế tác đá. Tất cả là sự chuẩn bị tiền đề cơ sở vật chất, kỹ thuật cho văn hóa Đông Sơn kế tiếp ra đời và phát triển rực rỡ.

 Phần trọng tâm, tập trung giới thiệu văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa, một trong những nền tảng cơ sở vật chất chủ yếu góp phần hình thành của Nhà nước sơ khai đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Văn hóa Đông Sơn (tên một làng cổ Đông Sơn nổi tiếng ven bờ sông Mã, Thanh Hóa được phát hiện năm 1924, trên đất Thanh Hóa đến nay phát hiện được 133 điểm) là một nền văn hóa khảo cổ học không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng thế giới, một đóng góp của người Việt Cổ vào văn minh nhân loại. Phần này được thể hiện sinh động cụ thể,  thông qua những hình ảnh, sưu tập hiện vật phong phú của nền văn hóa Đông Sơn, phát triển rực rỡ (từ thế kỷ VII T.cn đến thế kỷ I S.cn) mang sắc thái của văn hóa xứ Thanh. Đó là sưu tập công cụ sản xuất: Lưỡi cày cánh bướm, chì lưới, lưỡi câu... Sưu tập đồ dùng sinh hoạt: Thạp, thố, bình con tiện, bát... Sưu tập vũ khí: Kiếm ngắn núi Nưa - bảo vật quốc gia, giáo, mũi tên, dao găm, rìu lưỡi xéo, kiếm... Sưu tập đồ trang sức: Trâm, khuyên tai, vòng, gương... Sưu tập đồ sắt: Búa, mũi tên, kiếm. Đặc biệt là sưu tập trống đồng loại I Héger hay còn gọi là trống đồng Đông Sơn (địa danh phát hiện trống đồng Việt Nam thông qua khai quật khảo cổ học) với sự hiện diện của trống Cẩm Giang - Bảo vật quốc gia, trống Mả Nguôi có niên đại sớm, trống Thiệu Thịnh có kích thước lớn. Các phức hợp hiện vật văn hóa Đông Sơn được trưng bày theo hình thái kinh tế giúp người xem cảm nhận được một cách tổng quát nền tảng kinh tế, xã hội của nhà nước Văn Lang thời các Vua Hùng. Ngoài ra phòng trưng bày còn giới thiệu tính độc đáo và giá trị quí hiếm của thạp đồng Xuân Lập với băng hoa văn tuyệt tác hình 4 thuyền mũi cong, thuyền trưởng, người hóa trang cùng với những họa tiết trang trí tuyệt mỹ của nghệ thuật trang trí đồ đồng Đông Sơn đã gây cảm xúc và ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Văn hóa Đông Sơn còn kéo dài mấy thế kỷ sau công nguyên khi đất nước dưới ách thống trị của người Hán. Ở Thanh Hóa, văn hóa Đông Sơn còn bảo lưu, sức sống Đông Sơn còn mãnh liệt, phát triển thành dòng thác giành lại nền độc lập tự chủ. Văn hóa Đông Sơn không bị mai một mà còn bổ sung những tinh hoa văn hóa thế giới, những sưu tập hiện vật phát hiện tại thương cảng Lạch Trường, nơi giao thoa hội nhập giữa người Việt, người Hoa, các tộc người phía Nam...từ nền tâm của văn hóa xứ Thanh. Sưu tập mũi tên đồng ở núi Trịnh, các di tích, hiện vật phản ánh quá trình chống đồng hóa của phương Bắc, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống người Việt cổ được trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa đã chứng minh sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn ở Xứ Thanh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Lê Hồng Sử

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    <

    Tin liên quan

    Hiện vật tiêu biểu