`

1303 người đang online

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT HỆ THỐNG TRƯNG BÀY BẢO TÀNG TỈNH THANH HÓA

Đăng ngày 23 - 11 - 2015

Bảo tàng Thanh Hoá là một quần thể kiến trúc với ba toà nhà kiên cố được xây dựng từ thời thuộc Pháp. Nhà trưng bày lớn ba tầng bề thế vừa cổ kính vừa hiện đại, toạ lạc trên một khuôn viên rộng lớn với nhiều cây cổ thụ, nằm trên đường Trường Thi - một địa danh lịch sử về một thời trường ốc, với nền giáo dục Nho học ở chốn “cửa Khổng sân Trình” triều Nguyễn, hiện còn lưu giữ tấm bia “khuyến học” dựng năm Thành Thái thứ 3 (1892).

Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Thanh Hóa được trưng bày theo trình tự lịch sử, từ khi xuất hiện cuộc sống sơ khai của con người trên đất Thanh Hóa cho đến ngày nay. Tiến trình lịch sử này được thể hiện trong một không gian gồm 4 phòng trưng bày: “Thanh Hoá thời Tiền sử - Sơ sử”; “Thanh Hóa thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ, giai đoạn từ thế kỷ X đến giữa TK XIX”; “Truyền thống yêu nước và Cách mạng Thanh Hoá, giai đoạn 1858-1945”; “Thanh Hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945-1975”

Bên cạnh hệ thống trưng bày chính, Bảo tàng còn có 3 phòng trưng bày chuyên đề giới thiệu một chủ đề lịch sử cụ thể, một sưu tập cổ vật đặc sắc, một đặc trưng văn hóa độc đáo... Đó là các phòng trưng bày: “Trống đồng phát hiện ở Thanh Hoá”; “Đặc trưng văn hoá dân tộc Mường ở Thanh Hoá”; “Đặc trưng văn hoá dân tộc Thái ở Thanh Hoá”Như vậy, hệ thống trưng bày gồm 7 phòng, có diện tích trưng bày trên 1200m2 với hơn 2000 hiện vật, hàng nghìn ảnh, tư liệu khoa học công nghệ phụ trợ.

1. Phòng trưng bày “Thanh Hoá thời Tiền sử - Sơ sử”.

Phòng trưng bày đã phác họa bức tranh sinh hoạt kinh tế của con người trong buổi bình minh lịch sử. Với những sưu tập cổ sinh tìm được ở vùng miền núi Thanh Hoá và những di vật của thời Tiền sử ở núi Đọ, núi Nuông, Mái Đá Điều, hang Con Moong, Đa Bút... đã chứng minh Thanh Hóa là vùng đất tối cổ. Cách đây 40 - 30 vạn năm con người đã có mặt và liên tục phát triển ở vùng đất này.

Thời kỳ dựng nước đầu tiên, giới thiệu các văn hoá Tiền Đông Sơn với ba giai đoạn phát triển kế tiếp nhau: Giai đoạn Cồn Chân Tiên, Đông Khối, Quỳ Chữ. Các sưu tập hiện vật trưng bày tại đây giúp cho người xem thấy được diễn tiến của sự xuất hiện, phát triển của kỹ thuật luyện kim và chế tác kim loại, bên cạnh là sự phát triển đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đá. Đây là tiền đề cơ sở vật chất, kỹ thuật cho văn hoá Đông Sơn kế tiếp ra đời và phát triển rực rỡ.

Trọng tâm của phòng trưng bày giới thiệu Văn hoá Đông Sơn trên đất Thanh Hóa, là nền tảng cơ sở vật chất góp phần tạo dựng Nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Phần này được thể hiện sinh động cụ thể, đầy sức thuyết phục thông qua các sưu tập công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, đồ trang sức... Đặc sắc nhất là sưu tập trống đồng, thạp đồng cùng với  hoạ tiết trang trí tuyệt mỹ của nghệ thuật trang trí đồ đồng Đông Sơn đã gây được ấn tượng sâu sắc đối với khách tham quan, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.   

2. Phòng trưng bày “Thanh Hóa thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ, giai đoạn từ thế kỷ X đến giữa TK XIX”.

Bằng các hiện vật, tài liệu khoa học công nghệ phụ trợ, phòng trưng bày giới thiệu những nội dung, những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong giai đoạn lịch sử từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX theo tiến trình lịch sử.

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, trên nền tảng một quốc gia phong kiến độc lập tự chủ, lịch sử Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển rực rỡ: kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Mở đầu thời kỳ này là các triều Ngô (939 - 968), Đinh (968 - 981), Tiền Lê (981 - 1009), Thanh Hóa đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đến thời Lý - Trần, với những chiến công hiển hách: Chiến thắng quân Tống (thế kỷ XI), ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông (thế kỷ XIII) đã đặt nền móng cho việc xây dựng nền độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc. Cùng với những di sản Phật giáo nổi tiếng, các nghề thủ công truyền thống, nghề làm gốm phát triển thịnh đạt, tiêu biểu là dòng gốm men ngọc và gốm hoa nâu.

Đầu thế kỷ XV, Thanh Hóa là kinh đô của nước Đại Ngu. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng vương triều Hồ (1400-1407) đã để lại một công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ - Thành Nhà Hồ, được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá của nhân loại.

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) do anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo, vương triều Lê thành lập. Dựa trên nền tảng Nho học và lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống, nhà Lê đã đưa quốc gia Đại Việt phát triển đạt đến đỉnh cao. Các ngành nghề thủ công truyền thống tiếp tục phát triển, riêng nghề gốm có  bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là gốm hoa lam.

Thời Lê Sơ (1428-1527), Thanh Hoá tuy không có những công trình nghệ thuật đồ sộ nhưng cũng đã để lại khu Điện miếu Lam Kinh được xây dựng với quy mô lớn. Năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt.

Thời kỳ Lê - Mạc, Thanh Hoá là đất Trung Hưng của nhà Lê và cũng là nơi chịu hậu quả nặng nề của các cuộc nội chiến.

Thời Vua Lê - Chúa Trịnh, Thanh Hoá là“đất căn bản”của vương triều, nhiều công trình nghệ thuật điêu khắc giá trị được xây dựng như: Phủ Trịnh, Nghè Vẹt…

Trong cuộc đại phá quân Thanh, mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Quang Trung, Thanh Hóa là địa bàn tập kết để nghĩa quân Tây Sơn tiến công ra Bắc giải phóng dân tộc.

Thời Nguyễn, Thanh Hóa là “đất quý hương” của nhà Nguyễn, nơi chứng kiến sự ra đời của những công trình kiến trúc nghệ thuật như: Lăng, miếu Triệu Tường, đình Gia Miêu, Thái miếu Nhà Lê... cùng với các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật phong phú với các chất liệu: Đá, đồng, gỗ, gốm - sứ đã phản ánh những nét đặc trưng nhất trong kho tàng văn hoá vật thể xứ Thanh.

3. Phòng trưng bày “Trống đồng phát hiện ở Thanh Hoá”.

Đây là phòng trưng bày duy nhất hiện nay ở Việt Nam giới thiệu về một loại cổ vật đặc sắc, quí hiếm phát hiện trên đất Thanh Hoá - Trống đồng cổ, một trong những hiện vật mang tính biểu tượng cao của nền văn hoá Việt Nam.

Ở vị trí trang trọng nhất, giới thiệu sưu tập trống đồng loại I Heger hay còn gọi là trống Đông Sơn (địa danh phát hiện trống đồng đầu tiên ở Việt Nam thông qua khai quật khảo cổ học) với sự hiện diện của trống Cẩm Giang I – Bảo vật Quốc gia; trống Vĩnh Hùng; trống Mả Nguôi với niên đại sớm; những chiếc trống có kích thước khá lớn như trống Thiệu Thịnh; trống Xuân Châu III... cùng với những hoạ tiết hoa văn trang trí tuyệt mỹ của nghệ thuật trang trí đồ đồng Đông Sơn đã gây xúc cảm và ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Sưu tập trống minh khí (đồ chôn theo người chết) cùng hình ảnh ngôi mộ cổ Đông Sơn có chôn theo trống đồng và những vật dụng khác, đã giúp khách tham quan hiểu rõ hơn giá trị của trống đồng trong đời sống văn hoá tinh thần của cư dân Đông Sơn.

Phần tiếp nối giới thiệu những căn cứ khoa học như thần tích, thư tịch cổ, sắc phong, cùng với sự có mặt của sưu tập trống đồng loại II Heger hay còn gọi là trống Mường đã phản ánh rõ ràng về mối quan hệ Việt Mường, về một hình thức bảo tồn văn hoá Việt, đồng thời giúp người xem cảm nhận một cách có hệ thống về sự diễn tiến, về chủ nhân của trống đồng Việt Nam theo thời gian.

4. Phòng trưng bày “Truyền thống yêu nước và Cách mạng Thanh Hoá, giai đoạn 1858-1945”.

Phản ánh một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam từ lúc thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (1858) đến khi Đảng lãnh đạo, nhân dân ta đã giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng tám năm 1945.

Để duy trì ách thống trị ở Việt Nam, thực dân Pháp áp dụng chính sách chia để trị, thủ đoạn cai trị bằng vũ lực, đàn áp kết hợp với dụ dỗ, mua chuộc, thủ tiêu sức đấu tranh của nhân dân. Để phản ánh những sự kiện lịch sử trên Bảo tàng đã nghiên cứu, sưu tầm nhiều tư liệu, hiện vật có giá trị để trưng bày phần này.

Những chính sách cai trị cũng như âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp đã thổi bùng lên một cao trào đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra sôi nổi và rộng khắp trên cả nước. Thanh Hoá trở thành một trong những trung tâm của cuộc kháng chiến chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương. Đặc biệt cuộc khởi nghĩa Ba Đình và các phong trào yêu nước cách mạng khác... Song do nhiều hạn chế, các phong trào yêu nước chống Pháp lần lượt bị thất bại. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hoá đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh hoàn thành Cách mạng dân tộc dân chủ, đưa lịch sử Thanh Hoá sang một trang mới.

Đặc biệt phòng trưng bày đã giới thiệu nhiều hiện vật phản ánh sự kiện trọng đại trong lịch sử Thanh Hóa đó là việc thành lập Đảng bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa ngày 29-7-1930. Chiếc mâm xà dùng làm bàn in báo “Tiến lên”, hiện vật gắn với quá trình hoạt động của đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh – nguyên Tổng Bí thư Đảng CSVN), đồng chí Tố Hữu về Thanh Hoá chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh. Sưu tập vũ khí của du kích Ngọc Trạo - lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh. Chiếc trống dùng làm hiệu lệnh trong khởi nghĩa ở huyện Hoằng Hoá ngày 24-7-1945, cùng với sưu tập vũ khí thô sơ nhân dân ta đã dùng trong các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng. Kết thúc phòng trưng bày là bức ảnh lịch sử Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày mùng 02/9/1945.

5. Phòng trưng bày “Thanh Hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945-1975”.

Trưng bày giới thiệu khái quát về tinh thần chiến đấu, sự hy sinh anh dũng của quân dân cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với hơn 400 tài liệu, hiện vật trưng bày trong đó có những hiện vật tiêu biểu như: Sưu tập hiện vật về Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên năm 1946; Lá cờ Bác Hồ tặng đoàn dân công xe đạp thồ Thanh Hóa phục vụ chiến dịch Thượng Lào năm 1953; Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc đạt kỷ lục vận chuyển 345,5 kg/chuyến tiếp vận Điện Biên Phủ; Sưu tập vũ khí tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng trong những năm 1965- 1972. Đặc biệt sưu tập Quyết tâm thư viết bằng máu của các chiến sỹ - những người con quê hương Thanh Hóa trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thể hiện ý chí sắt đá và niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, chiến đấu chống lại hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu năm 1954, Hàm Rồng chiến thắng năm 1965 và đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

6. Phòng trưng bày “Đặc trưng văn hoá dân tộc Mường ở Thanh Hoá” 

Với dân số khoảng 37 vạn người, người Mường Thanh Hoá phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi, trong đó tập trung ở các vùng Mường cổ nổi tiếng như Mường ống (Bá Thước); Mường Chẹ (Ngọc Lặc); Mường Phẩm (Cẩm Thuỷ); Mường Đủ (Thạch Thành)…

Người Mường làm ruộng nước trong các thung lũng với trình độ canh tác khá cao cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn bắn, hái lượm. Thủ công nghiệp chưa tách thành một ngành kinh tế độc lập và gắn liền với kinh tế nông nghiệp. Làng, bản của đồng bào định cư ở chân núi, bên sườn đồi, gần các con suối, cư trú trong các ngôi nhà sàn. Tín ngưỡng truyền thống của người Mường là thờ cúng tổ tiên và duy trì tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Chế độ Lang đạo là một tổ chức xã hội truyền thống trước đây, mỗi dòng họ Phạm, Quách, Hà, Lê... đều có luật tục riêng để chi phối bản mường của mình bên cạnh luật pháp của Nhà nước.

Kho tàng văn hóa dân gian của người Mường hết sức phong phú với những trường ca, truyện thơ nổi tiếng như: Đẻ đất, đẻ nước; Nàng Nga-Hai Mối; Xường, Mo... gắn liền với tâm thức của cư dân nông nghiệp. Trong xã hội Mường, cồng chiêng, trống đồng là những báu vật được trao truyền qua nhiều thế hệ, được coi là vật thiêng của dân tộc, hồn của bản, của mường. Người Mường tổ chức nhiều lễ hội trong năm: Hội xuống đồng, hội cầu mưa, hội Pôồn pôông và các lễ cơm mới, làm vía, cầu mát... trong các dịp lễ hội đồng bào Mường thường tổ chức ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo, đánh đu, uống rượu cần...

7. Phòng trưng bày “Đặc trưng văn hoá dân tộc Thái ở Thanh Hoá”.

Với dân số khoảng 23 vạn người, người Thái cư trú ở các huyện miền núi Thanh Hóa nhưng sống tập trung ở các vùng mường cổ như Mường Ca Da (Quan Hóa); Mường Khoòng (Bá Thước); Mường Chiềng Vạn (Thường Xuân);  Mường Đanh (Lang Chánh)... Cư dân Thái có trình độ kỹ thuật trong canh tác trồng lúa nước với những biện pháp dùng cày, bừa thâm canh và hệ thống thủy lợi hợp lý, công cụ sản xuất truyền thống gồm cày, cuốc bướm rẫy cỏ, chóp, gậy chọc lỗ... công cụ săn bắn gồm cạm bẫy, súng kíp, trước đây đi săn tập thể người Thái dùng cồng làm hiệu lệnh và điều khiển chó săn. Nghề thủ công dệt vải, dệt thổ cẩm phát triển. Người Thái ở nhà sàn, mái nhà thường tạo dáng hình mai rùa. Người Thái theo chế độ gia đình phụ hệ, thờ cúng tổ tiên, cúng trời đất, cúng bản mường. Tục tang ma, cưới xin, lễ hội được tổ chức theo nghi thức truyền thống.

Người Thái có chữ viết sớm. Văn học nghệ thuật dân gian Thái với nhiều thể loại như tục ngữ, truyện thơ, đồng giao... đồng bào Thái rất thích ca hát, Lễ hội Kin Chiêng - boọc mạy, Hội chiêng trống, Khua Luống và uống rượu cần là những nét đẹp của người Thái xứ Thanh.

Ngoài 7 phòng trưng bày hiện có, ngoại thất của Bảo tàng còn là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá tiêu biểu thời Lê - Nguyễn cùng với những hiện vật thể khối lớn như súng thần công thời Nguyễn, máy cày DT24 của Bác Hồ tặng hợp tác xã Yên Trường, máy bay Míc 17 của Trung đoàn không quân 921 tham gia chiến đấu ở Hàm Rồng ngày 3- 4/4/1965... theo một logic chặt chẽ tạo cảnh quan khuôn viên Bảo tàng rất sinh động và bề thế.

Bảo tàng Thanh Hoá đã trở thành một địa chỉ tham quan nghiên cứu văn hoá - khoa học lớn của tỉnh. Hàng chục triệu lượt người khắp mọi miền đất nước và hàng trăm lượt khách quốc tế đến từ mọi châu lục như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Bruney, Cam Pu Chia, Thái Lan... đã đến tham quan và nghiên cứu. Bảo tàng cũng được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước... đến thăm và đã ghi lại những tình cảm tốt đẹp đối với đất và người  xứ Thanh trong sổ vàng lưu niệm. 

Trong xu thế hội nhập và mở cửa bằng giải pháp mới trong phương pháp trưng bày, Bảo tàng Thanh Hoá từng bước hiện đại hoá ngay trong hệ thống trưng bày chính và xây dựng những phần trưng bày mới: “Thiên nhiên Thanh Hóa”; “Thanh Hóa thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc từ thế kỷ I đến TK X”; “Thanh Hóa giai đoạn từ 1975 đến nay” cùng các phòng trưng bày chuyên đề “Mỹ thuật Thanh Hóa”; “Danh nhân Thanh Hóa”; “Nghề truyền thống xứ Thanh”; “Đặc trưng văn hóa dân tộc Việt, Dao, Mông, Khơ Mú, Thổ” góp phần làm sinh động thêm bức khảm lung linh sắc màu của sắc thái văn hoá xứ Thanh. Chắc chắn qua các phần trưng bày, những hiện vật, sưu tập hiện vật quí hiếm sẽ lần lượt ra mắt phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan trong nghiên cứu, hưởng thụ những giá trị văn hóa đích thực của một tỉnh giàu tiềm năng của đất nước./.

Lê Hồng Sử

Hiện vật tiêu biểu