`

2304 người đang online

CÔNG TÁC TRƯNG BÀY PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN TRỐNG ĐỒNG Ở BẢO TÀNG THANH HÓA

Đăng ngày 23 - 11 - 2015

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang lưu giữ, bảo quản và giới thiệu trưng bày số lượng di sản văn hoá trống đồng lớn nhất nước, nhiều chiếc trống được đào ngay trong lòng đất, mang giá trị khoa học lớn. Trong số trống đồng các loại, thì nổi bật nhất vẫn là trống đồng loại I Heger. Đây là loại cổ vật tiêu biểu của Văn hóa Đông Sơn, là biểu tượng của nền văn minh Việt cổ và được coi là loại cổ vật độc đáo trên thế giới.

Thanh Hóa tự hào là nơi đầu tiên phát hiện ra nền văn hóa Đông Sơn, tại làng cổ Đông Sơn bên ven bờ sông Mã vào năm 1924 và hiện là địa phương đang dẫn đầu cả nước về số lượng trống đồng đã phát hiện được trong gần một thế kỷ qua. Cho đến nay, nhiều trống đồng Đông Sơn Thanh Hóa đã được giới thiệu trưng bày ở các Bảo tàng Trung ương, nhiều sưu tập tư nhân và các Bảo tàng ở một số nước trên thế giới. Riêng Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, đang giới thiệu trưng bày và bảo quản 136 chiếc trống đồng các loại, trong đó có rất nhiều trống tiêu biểu, đặc sắc, quý hiếm.

Để giới thiệu một cách có hệ thống về trống đồng phát hiện được trên đất Thanh Hóa, một loại cổ vật có giá trị đặc biệt được nhiều người quan tâm, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã cho ra mắt phòng trưng bày: “Trống đồng Thanh Hóa” phục vụ nhu cầu nghiên cứu và thưởng lãm của đông đảo du khách trong nước và Quốc tế.

Phần đầu và cũng là phần trọng tâm của phòng trưng bày, Bảo tàng tập trung giới thiệu trống đồng Đông Sơn, còn gọi là trống đồng loại I (theo cách phân loại của Heger). Đây là loại trống đồng cổ nhất, đặc sắc nhất và phát hiện được nhiều nhất ở Thanh Hóa. Trống loại I có dáng cân đối, hài hòa, chia làm ba phần rõ rệt: tang phình, thân thon, đế choãi, trang trí nhiều loại hoa văn đặc sắc miêu tả cuộc sống đương thời, có tính chất đặc trưng văn hóa cao. Chính vì vậy, trống đồng Đông Sơn được coi là sự kết tinh văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người Việt cổ, là đỉnh cao về kỹ nghệ đúc đồng của ông cha chúng ta từ mấy ngàn năm trước. Trong tâm thức của người Việt cổ, trống đồng là một loại nhạc khí, nhưng cũng là vật thiêng giao hòa giữa trời và đất; giữa đấng thần linh tối cao với cõi trần gian thông qua âm hưởng của trống đồng.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trống đồng loại I được phát hiện nhiều nhất và tập trung nhất ở các huyện đồng bằng như: Đông Sơn, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Yên Định, Nông Cống, Triệu Sơn, Thọ Xuân… thuộc lưu vực của hai con sông lớn là sông Mã và sông Chu. Một số huyện ven biển như: Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Nga Sơn… và các huyện miền núi: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Quan Sơn… cũng đã phát hiện được trống đồng loại I. Cho đến nay, tổng số trống đồng loại I đã tìm thấy trên đất Thanh Hóa là 136 chiếc, cỡ to và vừa, các trống thuộc diện đẹp và có giá trị tiêu biểu là trống Quảng Xương, Làng Cốc (Bá Thước), Vĩnh Hùng, Vĩnh Ninh, Cẩm Giang… Trong đó trống làng Cốc, Quảng Xương, Vĩnh Hùng là những trống thuộc loại quý hiếm, được các nhà khảo cổ học Việt Nam xếp vào nhóm IA. Đây là nhóm trống có niên đại sớm nhất, trang trí hoa văn phong phú, hiện thực như cảnh nhà sàn, giàn chiêng, giàn trống, cảnh múa hát, giã gạo, các thuyền chiến… các hoa văn trang trí được miêu tả rất hiện thực và sinh động cuộc sống của cư dân đương thời.

Để chứng minh và làm rõ nguồn gốc, chủ nhân của trống đồng loại I - đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn, là sản phẩm của tài năng, trí tuệ, tâm hồn và công sức của người Việt cổ; đồng thời là vật gắn bó mật thiết với đời sống của cư dân Đông Sơn và là di vật không thể thiếu cả khi chủ nhân của nó đã sang thế giới bên kia. Tại phòng trưng bày, một số lượng đáng kể trống đồng minh khí (trống thu nhỏ) được giới thiệu, kết hợp với hệ thống tài liệu bổ trợ như: tranh, ảnh, bản vẽ minh họa, bản dập hoa văn… ảnh chụp các ngôi mộ cổ Đông Sơn có chôn theo trống đồng và nhiều vật dụng khác như: rìu, giáo, dao găm… cá biệt có chiếc trống còn được sử dụng như một chiếc quan tài chôn di cốt người (trống Nga Văn, Nga Sơn) đã cho thấy trống đồng là vật rất cần thiết đối với đời sống văn hóa tinh thần của người Đông Sơn. Cũng qua phần trưng bày đã khẳng định nguồn gốc bản địa của trống đồng Đông Sơn và văn hóa Đông Sơn.

Để giới thiệu với người xem tính hiện thực của những hoa văn trang trí trên trống đồng Đông Sơn, giúp họ hiểu rõ đời sống văn hóa tinh thần của người Việt cổ, trên một diện trưng bày lớn, Bảo tàng giới thiệu bức tranh minh họa về lễ hội thời Đông Sơn, phỏng theo hoa văn trang trí trên mặt trống Đông Sơn, cùng nhiều bản vẽ, bản dập các loại hoa văn tiêu biểu như: hình nhà sàn, hình người giã gạo, giàn trống đồng, các thuyền chiến… trang trí trên mặt và thân trống Quảng Xương, trống Làng Cốc, trống Vĩnh Hùng… Đây là những chiếc trống Đông Sơn có hoa văn đẹp và phong phú, có giá trị mỹ thuật cao và là nguồn sử liệu quý về lịch sử văn hóa.

Ở phần trưng bày thứ hai, Bảo tàng giới thiệu sưu tập trống đồng loại II phát hiện ở Thanh Hóa. Tính đến nay số lượng trống loại II phát hiện được trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 102 chiếc, được tìm thấy ở hầu khắp tất cả các huyện miền núi của tỉnh, trong khu vực cư trú của đồng bào Mường, Thái và trong thực tế đồng bào Mường là chủ nhân sử dụng trống loại II, cho nên trống loại II còn được các nhà khoa học gọi là “trống Mường”. Trống loại II ở Thanh Hóa có niên đại trải dài từ đầu Công Nguyên đến thế kỷ XVII. Căn cứ vào kỹ thuật đúc, hình dáng và mô típ trang trí hoa văn độc đáo, đã cho thấy trống đồng loại II Thanh Hóa được kế thừa và có cội nguồn từ trống Đông Sơn. Trống loại II có các đặc trưng cơ bản là: mặt trống chờm ra ngoài thành tang từ 1.5 cm – 3 cm. Chính giữa mặt trống là hình mặt trời có những tia mảnh và nhỏ, ở ven rìa mặt trống thường có các khối tượng cóc, có khi là tượng rùa, tượng voi… Thân trống có hình dáng đơn giản, ít phân chia song vẫn còn dấu vết phân biệt được ba phần: tang, thân, và chân đế. Trống có hai đôi quai nhỏ gắn đối diện nhau ở phần tang. Hoa văn trang trí trên trống loại II rất tỉ mỉ, thường là họa tiết hình học đơn giản, lặp đi lặp lại như trống Tây Đô, Cẩm Quý, Thiệu Giao, Dân Lực… Một số trống được trang trí hình chim, thú, hoa lá như: trống Lang Chánh II, Tú Sơn, Làng Xăm, Chiềng Đông… trong 23 chiếc trống loại II được giới thiệu tại phòng trưng bày, có những chiếc đại diện cho những giai đoạn phát triển từ sớm đến muộn của trống loại II.

Trống Tây Đô, Ngọc Lặc, Bá Thước là những chiếc trống lớn có hoa văn tinh tế, về kiểu dáng vẫn còn giữ lại những nét cơ bản của trống loại I, nên được coi là những bằng chứng về sự kế thừa và phát triển từ trống loại I. Các trống Bản Bơn, Nam Tiến, Thọ Diên… là những trống được trang trí hoa văn hình lá đề, hoa chanh, xương cá, rồng và chim là những đồ án mỹ thuật mang tính chất đặc trưng của thời Lý-Trần, thời Lê; đã cho chúng ta thấy ở thời kỳ Đại Việt, việc đúc và sử dụng trống đồng vẫn là một phong tục quan trọng ở nước ta.

Điều đặc biệt thú vị là, tại huyện miền núi cao Quan Sơn đã tìm thấy trống đồng loại III (còn gọi là trống Shan), loại trống này chủ yếu phân bố ở vùng Đông Bắc Myanma. Đây là tiêu bản quý, thể hiện mối quan hệ giao lưu văn hoá giữa hai quốc gia hiện còn trên đất Thanh Hoá. Để làm phong phú thêm sưu tập “Trống đồng Thanh Hoá”, Bảo tàng Thanh Hoá đã có kế hoạch sớm sưu tầm về để phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày…

Bên cạnh việc trưng bày một cách có hệ thống về những sưu tập trống đồng, để nội dung trưng bày thêm sinh động và hấp dẫn, Bảo tàng còn giới thiệu nhiều tư liệu lịch sử có giá trị và những hình ảnh di tích cụ thể về địa điểm phát hiện trống đồng. Di tích đền Đồng Cổ ở Đan Nê (Yên Định), Hoằng Minh (Hoằng Hóa); cùng nhiều sắc phong của của các triều đại phong kiến phong cho thần Đồng Cổ, là những căn cứ khoa học xác đáng, giúp người xem hiểu rõ trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn coi trống đồng là vật báu, vật thiêng. Vì vậy, trống đồng rất được ông cha chúng ta trân trọng, giữ gìn và tôn thờ.

Có thể nói, phòng trưng bày trống đồng tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là phòng trưng bày chuyên đề về trống đồng duy nhất hiện nay ở nước ta, giới thiệu về các loại trống đồng phát hiện được trên đất Thanh Hóa. Mặc dù không gian trưng bày còn khiêm tốn, nhưng với giải pháp trưng bày sáng tạo, mang tính mỹ thuật cao, phòng trưng bày đã giúp người xem hình dung một cách toàn diện và có hệ thống về các mặt: nguồn gốc, chủ nhân, niên đại và giá trị lịch sử - văn hóa của trống đồng. Góp phần tăng thêm lòng tự hào dân tộc, cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau về một loại cổ vật đặc sắc, quý hiếm có từ lâu đời của tổ tiên chúng ta.

Trống đồng không chỉ là di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam, mà còn là di sản văn hóa quý giá của nhân loại. Phòng trưng bày trống đồng Thanh Hóa luôn đem lại ấn tượng sâu sắc và lý thú trong lòng khách tham quan, các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài./.

Hoàng Thị Chiến

Hiện vật tiêu biểu