Với hơn 300 hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học phụ trợ. Phòng trưng bày đã giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa đặc sắc trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần của dân tộc Thái ở Thanh Hóa. Với dân số khoảng 23 vạn người, chiếm khoảng 1/6 dân số Thái ở Việt Nam. Người Thái ở Thanh Hóa có các họ: Cầm, Lò, Vi, Lương, Lữ... Sự phân biệt Thái trắng, Thái đen rất rõ ở sắc phục, âm điệu giọng nói.
Người Thái cư trú ở các huyện miền núi Thanh Hóa nhưng sống tập trung ở các vùng mường cổ như: Mường Ca Da (Quan Hóa); Mường Khoòng (Bá Thước); Mường Chiềng Vạn (Thường Xuân); Mường Đanh (Lang Chánh)... Đơn vị nhỏ nhất của người Thái là bản, mỗi bản mường thường có khoảng từ 40 - 50 nóc nhà kề bên nhau. Người Thái ở nhà sàn làm bằng gỗ đẹp và chắc, mái nhà thường tạo dáng hình mai rùa với 4 mái, xưa kia có những "Khau cút" trang trí ở hai đầu hồi. Trang trí cửa sổ thường khắc hình mặt trăng, lưỡi liềm hay đầu thuồng luồng. Nhà của người Thái thường có hai bếp, bếp đặt ở nửa gian trong nơi dành cho sinh hoạt nữ giới, bếp ngoài thường dùng cho nam giới và khách. Nhà sàn có hai cửa ra vào mở ở hai gian đầu hồi. Dưới nền gần bậc cầu thang có máng gỗ đựng nước, gáo múc nước để rửa chân tay trước khi lên nhà.
Đồng bào Thái sống ở các thung lũng ven sông, suối có những cánh đồng màu mỡ và gần rừng núi. Người Thái có nhiều kinh nghiệm trong đắp phai, đào mương, dựng cọn.. lấy nước làm ruộng, làm rẫy để trồng lúa nếp, lúa nương, cây hoa màu và nhiều loại cây ăn quả, cây quế... Công cụ sản xuất và phục vụ sản xuất gồm: Cày, bừa gỗ, cuốc bướm rẫy cỏ, gậy để chọc lỗ, vét, chóp, hái, nái. Ngoài ra người Thái còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn bắt, hái lượm. Công cụ đánh bắt cá gồm: Chài, lưới, vó, đó, đơm. Công cụ săn bắn gồm cạm bẫy, nỏ, giáo mác, súng hỏa mai, súng kíp. Trước đây khi đi săn tập thể người Thái dùng cồng làm hiệu lệnh để săn đuổi thú và điều khiển chó săn.
Người Thái có một số nghề thủ công truyền thống như: Trồng bông, dệt vải, nghề mộc, chưng cất dầu, đan lát... hầu hết các gia đình tự làm ra vật dụng thông dụng như: Dần, sàng, gùi, bồ, ấp, ép... Nam giới chế tạo Khung cửi, dụng cụ cán bông, xa quay sợi, guồng cuộn chỉ để nữ giới thực hiện khâu dệt. Người con gái Thái từ lúc còn nhỏ đã được mẹ dậy cách nuôi tằm, bật bông, kéo sợi, kéo tơ để dệt vải một cách thuần thục. Sản phẩm nổi tiếng của nghề dệt truyền thống là dệt vải thổ cẩm, với những màu sắc rực rỡ, bền đẹp. Hiện nay thổ cẩm Thái là mặt hàng xuất khẩu và được khách du lịch ưa chuộng.
Trang phục của người Thái rất phong phú, có sự phân biệt giới tính, lứa tuổi, địa vị xã hội và các nhóm địa phương. Trang phục phụ nữ Thái về cơ bản vẫn bảo lưu các yếu tố truyền thống. Phụ nữ Thái trắng thường mặc áo xẻ ngực, cổ áo thường đơm vòng, nẹp áo đính hai hàng cúc bạc. Phụ nữ Thái đen thường mặc áo khóm xẻ ở bả vai, váy cuộn tròn ở ngang bụng hoa văn ở dưới chân. Cùng với khăn Piêu, trâm cài, khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, dây xà tích bằng bạc và bộ trang phục làm cho người con gái Thái nổi bật lên vẻ đẹp dịu dàng và quyến rũ. Nam giới Thái mặc quần cắt theo kiểu chân què có cạp để thắt lưng, áo cánh xẻ ngực có túi ở hai bên vạt gấu với các màu đen, chàm.
Người Thái có tín ngưỡng tôn giáo sơ khai dưới dạng vật linh bái vật giáo và thờ cúng Tổ tiên, thờ cúng thần nông nghiệp, thần sông núi. Việc thờ cúng gắn liền với các lễ hội trong năm. Tục cưới xin, tang ma được tổ chức chặt chẽ theo nghi thức truyền thống.
Luật bản, lệ mường của dân tộc Thái từ xa xưa đã được định trong sách luật, sách lệ. Người Thái theo chế độ gia đình phụ hệ. Đặc điểm của người Thái là suy tôn người đại diện cho toàn thể cộng đồng, người đó có thể là một vị thần linh "đầu thai xuống trần cai trị thiên hạ" thường được xem là con trời, chúa đất... chịu trách nhiệm trước cộng đồng chủ trì về việc tế trời đất, thần linh để cầu mong bản mường thịnh vượng và các mối quan hệ của bản, của mường. Người Thái thường tiến hành nhiều nghi lễ nông nghiệp nhằm xin thần linh bảo vệ mùa màng. Để khai mùa cày cấy họ tổ chức lễ xuống đồng, lễ cầu mưa, lễ rước hồn lúa, lễ cầu mùa, lễ mừng cơm mới.
Cây hoa Kin Chiêng - boọc mạy là đạo cụ chính được đặt trang trọng giữa phòng trưng bày đã đưa mọi người về với lễ hội đặc sắc của người Thái. Lễ hội Kin Chiêng - boọc mạy là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang yếu tố tâm linh đặc sắc của người Thái ở Thanh Hóa. Nguồn gốc sâu xa của lễ hội này ghi lại một lớp người chuyên dùngcỏ cây, hoa lá làm thuốc kết hợp với ma thuật chữa bệnh của ông Mo, bà Mày với nhiều trò dưới gốc cây hoa.
Cồng chiêng và trống là hai nhạc cụ đặc sắc trong âm nhạc dân gian của dân tộc Thái. Bộ trống chiêng được dùng khi có việc đại sự của bản mường và được coi là vật linh thiêng, là hồn của bản của mường. Trong bất kỳ tình huống nào thì trống chiêng cũng được bảo vệ.
Người Thái có chữ viết riêng từ lâu đời, nhờ có văn tự nên cư dân Thái lưu giữ cho đến nay nhiều sách, truyện ghi trên lá cây, gỗ, giấy gió.. nhiều tác phẩm cổ viết về lịch sử, phong tục, luật tục văn học hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Văn học nghệ thuật dân gian Thái phong phú với nhiều thể loại như thành ngữ, tục ngữ, truyện thơ, đồng dao... những tác phẩm thơ ca nổi tiếng như: Khăm Panh, Xống trụ xon xao, Khua Lú - Nàng Ủa, Trường ca Ú Thêm... đồng bào Thái rất thích ca hát, khặp là một hình thức hát phổ biến nhất. Nhiều điệu múa như múa quạt, múa xòe vòng, múa sạp, phấn chá được trình diễn ở khắp mọi miền. Lễ hội Kin Chiêng - boọc mạy, Hội chiêng trống, Khua Luống và uống rượu cần là những nét đẹp văn hóa nổi tiếng của người Thái Xứ Thanh.