`

1641 người đang online

Phòng trưng bày: "Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa"

Đăng ngày 23 - 11 - 2015

Để bảo lưu, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa quý giá của các dân tộc ở Thanh Hóa, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tàng Thanh Hóa giới thiệu phòng trưng bày: “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường Thanh Hóa”. Với trên 200 tư liệu, hiện vật gốc đặc sắc, tiêu biểu, phản ánh sắc thái văn hóa riêng của vùng Mường xứ Thanh.

Dân tộc Mường Thanh Hoá hiện có trên 37 vạn người, có nhiều dòng, trong đó Mường gốc (còn gọi là Mường trong) có: Mường Ống, Mường Chẹ, Mường Phấm, Mường La Khơn… Mường Ngoài từ tỉnh Hoà Bình di cư vào Thanh Hoá được gọi là Mon (Mon Bi, Mon Pi).

Các dòng họ của người Mường gồm: Phạm, Quách, Bạch, Đinh, Hà, Bùi… Mỗi bản Mường có vài chục nóc nhà sống quây quần thành làng xóm, bên các dòng sông, suối, thung lũng… cuộc sống trù phú, yên vui.

Đời sống kinh tế xã hội của người Mường phong phú, đa dạng được giới thiệu trưng bày một cách sinh động, thông qua các sưu tập tài liệu, hiện vật gốc độc đáo, điển hình mang đậm bản sắc dân tộc.

Về đời sống vật chất của người Mường xứ Thanh, vẫn lấy ngôi nhà sàn là nhà ở truyền thống. Sản xuất nông nghiệp với nền kinh tế tự cấp, tự túc là chính. Công cụ sản xuất truyền thống có cày chìa vôi, bừa bằng gỗ hoặc tre, cọn nước… Trước kia lúa nếp là chủ yếu, ngoài ra còn lúa lốc, các loại rau, đậu, củ, quả. Công cụ săn bắt, đánh cá có: súng hoả mai, súng kíp, nỏ, cạm bẫy, giáo, mác, thanh la, chài, vó, đó, rắc… Người Mường có một số nghề thủ công như: Dệt thổ cẩm, đan lát, nghề mộc… Dệt là nghề đánh giá sự cần mẫn, khéo tay của người con gái; khi họ đã ngồi bên khung cửi: “Úp bàn tay thành hoa, ngửa bàn tay thành lá”. Cạp váy Mường được thêu dệt công phu với nhiều loại hoa văn đẹp, sống động, mô típ long, ly, quy, phượng, chim, hươu và các loại hoa văn hình học, cây cối, hoa lá…

Phong tục sinh hoạt, ăn uống của dân tộc Mường có tôn ty, vị trí ngồi được bố trí theo vai vế của từng người. Các món ăn thường có: món đồ, hấp, nướng, lam, luộc; có canh đắng, canh loóng…

Tôn giáo tín ngưỡng dân tộc Mường đơn giản, họ thờ cúng tổ tiên trong các dịp cúng cơm mới, lễ cầu mát, ngày tết. Người Mường không có tục thờ cúng tổ tiên theo ngày kỵ trong năm.

Trong năm họ có các lễ hội: Hội xuống đồng, hội cầu mưa, hội rửa lá lúa, hội xéc bùa, hội pồn pôông và các lễ cơm mới, làm vía, cầu mát…

Văn hóa nghệ thuật dân gian Mường gồm nhiều loại: Sử thi Đẻ đất đẻ nước, ca dao, tục ngữ, truyện thơ, sắc bùa… Mo đẻ đất đẻ nước là bộ sử thi có giá trị nhất trong hoạt động xã hội của dân tộc.

Trong xã hội Mường, cồng chiêng, trống đồng là những báu vật được lưu truyền cho các thế hệ; nó là hồn của bản, của Mường, hồn của dân tộc. Trong những ngày lễ, tết… đồng bào Mường còn tổ chức các cuộc vui như ném còn, bắn nỏ, chơi đu, đi cà kheo, đánh khăng, uống rượu cần…

Bộ sưu tập hiện vật văn hóa dân tộc Mường trưng bày ở Bảo tàng Thanh Hóa là những di vật lịch sử văn hóa độc đáo, điển hình, là niềm tự hào không chỉ của riêng đồng bào dân tộc Mường mà còn là niềm tự hào chung của nhân dân các dân tộc Thanh Hóa. Vì vậy, việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, dân tộc Mường nói riêng là công việc có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hướng tới giá trị đích thực của Chân - Thiện - Mỹ và giao lưu văn hóa.

Hoàng Thị Chiến

Hiện vật tiêu biểu