`

1625 người đang online

PHÒNG TRƯNG BÀY "THANH HOÁ TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ ĐẤT NƯỚC, GIAI ĐOẠN 1945 - 1975"

Đăng ngày 23 - 11 - 2015

Phòng trưng bày “Thanh Hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945 - 1975” có diện tích gần 120m2, với gần 400 hình ảnh, tài liệu, hiện vật.

Nội dung phòng trưng bày chia làm hai phần:

Phần thứ nhất: Thanh Hoá trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954).

Mở đầu phần trưng bày giới thiệu một số hình ảnh Thanh Hoá trong xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Trong những ngày đầu kháng chiến, Thanh Hoá cũng như cả nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài đe dọa nhưng với truyền thống bất khuất, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá cùng cả nước quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, chuẩn bị mọi điều kiện cho kháng chiến.

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hoá vừa ra sức xây dựng hậu phương vững mạnh, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào , vừa nỗ lực chi viện sức người, sức của cho các chiến trường mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Bằng chứng thuyết phục nhất về tinh thần yêu nước, lòng quả cảm và ý chí tự cường của quân dân Thanh Hoá trong những năm kháng chiến chống Pháp là những hình ảnh, tư liệu giới thiệu về các nhân vật lịch sử như: Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Lợi đánh đắm Thông báo hạm Amiô đanhvin tại vùng biển Sầm Sơn, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo tại Dốc Chuối - Điện Biên Phủ, Ông Đào Văn Hiếu - một trong 5 người xông vào hầm bắt sống tướng Đờ Cáttơri... Bên cạnh đó là những hiện vật như chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc đạt kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến lên Điện Biên Phủ, chiếc xe cút kít được ông Trịnh Đình Bầm chế tạo từ bàn thờ gia tiên dùng tiếp vận lương thực, có thể chở tới 280kg/chuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ…

Ngoài ra khách tham quan còn cảm nhận được khí thế hừng hực, những bước chân dồn dập của dân công xe đạp thồ, dân công gánh bộ… vận chuyển lương thực, hàng hoá vượt hàng trăm km đường gập ghềnh, hiểm trở qua hộp hình mô phỏng Dân công Thanh Hoá tiếp vận chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).

Tại mảng trưng bày trung tâm là tấm ảnh dương bản hoành tráng Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp cho đồng bào Thanh Hóa hát bài “Kết Đoàn” tại Sân vận động tỉnh khi Người về thăm Thanh Hoá lần thứ tư, cũng là lần cuối cùng nhân dân Thanh Hoá được gặp Bác (ngày 12/12/1961).

Phần thứ hai: Thanh Hoá trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975).

Phần trưng bày lựa chọn những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu giới thiệu những nét cơ bản về Thanh Hoá trong thời gian khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế và những thành tựu trong 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954 - 1965).

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hoá là hậu phương lớn vừa làm nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Những tấm gương tiêu biểu như: Phạm Văn Tự - Thuyền trưởng Tàu phóng ngư lôi 336 hải quân, đã hy sinh anh dũng trong trận 2/8/1964. Chị Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng hay Tổ Trung liên núi Ngọc, đơn vị Hải quân, Biên đội Trần Hanh, các cụ Lão quân Hoằng Trường, Dân quân gái Hoa Lộc hay túi cứu thương của chị Lê Thị Dung, ca đựng nước của Nguyễn Thị Hoàn… đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng được trưng bày giới thiệu trang trọng.

Trên bục trưng bày sưu tập vũ khí của quân dân Thanh Hoá sử dụng bắn máy bay Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng được trưng bày đối lập với những mảnh xác máy bay, quần áo, cờ ăn xin của phi công Mỹ bị quân ta bắn rơi và bắt sống trên đất Thanh Hoá… giúp người xem hình dung được Hàm Rồng là nơi đụng độ của hai “khối quyết tâm” một bên là chính nghĩa sáng ngời của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa, hiện thân của văn minh và tiến bộ, tha thiết với độc lập tự do. Một bên là cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ, cuối cùng cũng phải trả giá bằng những thất bại nặng nề.

 Đến đây khách tham quan cũng sẽ cảm nhận được hình ảnh tuyệt đẹp của cuộc chiến tranh nhân dân, đất đối không tại một khu vực, một trận hiệp đồng chiến đấu quân binh chủng phong phú nhất, tiêu biểu nhất và thấy được cách bố trí các cụm hoả lực bảo vệ cầu Hàm Rồng của quân và dân ta được thể hiện qua sa bàn Hàm Rồng chiến thắng, ngày 3-4/4/1965.

Hình ảnh Đồng chí Ngô Thuyền - Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá trao cờ Quyết thắng cho Trung đoàn Lam Sơn chi viện tỉnh Quảng Nam kết nghĩa, cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 4 lên đường vào Nam chiến đấu, “Thanh niên 3 sẵn sàng”,  “Phụ nữ 3 đảm đang”, đoàn thuyền nan, đoàn xe ngựa thồ, dân công hoả tuyến vận tải hàng vào tuyến lửa… tất cả đã hoà thành sức mạnh góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Kết thúc phòng trưng bày là hình ảnh chiếc xe tăng đầu tiến tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975.

Phòng trưng bày “Thanh Hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945 - 1975” góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, noi gương các thế hệ cha anh viết tiếp những trang sử vàng chói lọi. Quyết tâm xây dựng Thanh Hoá thành tỉnh Kiểu mẫu như lúc sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Lê Thị Hường

Hiện vật tiêu biểu