Với diện tích gần 120m2 và hơn 300 tài liệu, hiện vật, phòng trưng bày truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa đã tập trung giới thiệu về tình hình kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của tỉnh Thanh Hóa từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược (1858) cho đến cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Phòng trưng bày chia làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất: Phòng trưng bày thể hiện nội dung về tình hình kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của tỉnh Thanh Hóa từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Một số hiện vật tiêu biểu như: Văn tự bán con; sưu tập thẻ thuế thân; đấu cho vay nặng lãi; sưu tập thẻ vay nặng lãi...
Các hiện vật này đã thể hiện một cách chân thực nhất về đời sống cơ cực bần cùng của nhân dân ta và càng tố cáo về tội ác của bè lũ thực dân, phong kiến.
Dưới sự áp bức bóc lột một cách tàn khốc của bè lũ thực dân và phong kiến tay sai, cùng với cả nước nhân dân Thanh Hóa đã đứng lên và trở thành một trong những tỉnh đứng đầu trong phong trào yêu nước dưới ngọn cờ Cần Vương dưới sự chỉ đạo của một số các văn thân sĩ phu yêu nước của Thanh Hóa như Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Tiến sĩ Tống Duy Tân, Đô đốc Trần Xuân Soạn trên khắp mọi vùng từ đồng bằng đến trung du miền núi.
Hưởng ứng phong trào Cần Vương có rất nhiều cuộc khởi nghĩa nhưng tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa Ba Đình do Phạm Bành và Đinh Công Tráng lãnh đạo.
Về cuộc khởi nghĩa Ba Đình lợi dụng được địa hình chiêm trũng, cùng với lòng yêu nước, ý chí chiên đấu tột cùng của nghĩa quân đã giáng một đòn mạnh vào quân và binh lính Pháp, tiêu diệt được hàng trăm tên địch, gây vang dội trong cả nước khiến chúng một phen lao đao song thực dân Pháp đã tập trung tìm mọi cách tiêu diệt căn cứ Ba Đình.
Cùng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình là cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh cũng đã thất bại bởi phong trào mang tính tự phát và chưa có một sự lãnh đạo đúng đắn và xuyên suốt.
Chuyển sang giai đoạn mới những năm đầu thế kỷ XX trào lưu dân chủ tư sản trên thế giới phát triển mạnh mẽ đã có ảnh hưởng đến cách mạng Việt Nam nói chung và cách mạng Thanh Hóa nói riêng. Rất nhiều các phong trào nổi lên như phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa phục, phong trào Duy Tân và phong trào Kháng thuế Trung kỳ.
Một số các thanh niên ưu tú của tỉnh cũng đã xuất dương ra nước ngoài để tham gia các lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu (Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tháng 6 - 1925) như các đồng chí Đinh Chương Dương, Lê Mạnh Trinh, Lê Hữu Lập, sau đó trở về xây dựng tổ chức tại Thanh Hóa, đưa thanh niên quê nhà đến với con đường vô sản, giải phóng hòa bình.
Nội dung tiếp theo trình bày qúa trình thành lập các chi bộ Đảng và thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 4 năm 1927 tổ chức “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” ra đời.
Cuối năm 1927 tại Thanh Hóa “Tân Việt Cách mạng Đảng ” được thành lập.
Ngày 3-2-1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử Cách mạng Việt Nam.
Được sự ủy nhiệm của sứ ủy Bắc Kỳ đồng chí Nguyễn Doãn Chấp trở về Thanh Hóa vận động thành lập Đảng bộ. Tháng 6 năm 1930 chi bộ Đảng đầu tiên ở Thanh Hóa ra đời tại làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn. Tháng 7 năm 1930 hai chi bộ Phúc Lộc (Thiệu Hóa) và Yên Trường (Thọ Xuân) được thành lập.
Ngày 29 - 7 - 1930 Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa ra đời tại Yên Trường (Thọ Xuân). Từ đây phong trào cách mạng Thanh Hóa đã có một chính đảng lãnh đạo.
Đảng ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vô cùng to lớn lớn lịch sử dân tộc Việt Nam, chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam, từ đây có Đảng tiên phong đưa đường, dẫn lối trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dụng đất nước.
- Giai đoạn thứ hai: Phòng trưng bày thể hiện nội dung về tình hình kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của tỉnh Thanh Hóa từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Sau sự kiện Đảng ra đời đã tập hợp và lãnh đạo nhân dân ta qua các cao trào cách mạng như 1930 - 1931, đỉnh cao là cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, cao trào cách mạng 1936 -1939, vượt qua khó khăn thử thách không ngừng phát triển.
Đặc biệt việc thành lập chiến khu và sự ra đời của đội du kích Ngọc Trạo (1941) - lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh - đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với phong trào Cách mạng. Đồng thời làm cho kẻ địch hoảng sợ trước sức mạnh của phong trào cách mạng Thanh Hoá.
Phòng trưng bày cũng giới thiệu các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh sau khi lệnh tổng khởi nghĩa được ban ra. Riêng huyện Hoằng Hóa là huyện đầu tiên giành được chính quyền trong toàn tỉnh và sớm nhất trong cả nước (24/7/1945).
Tại phòng trưng bày này còn đặt một sa bàn giới thiệu tổng quát về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.
Kết thúc hệ thống trưng bày chính là bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà.
Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
Phạm Thị Mùi