`

1552 người đang online

PHÒNG TRƯNG BÀY “THANH HÓA THỜI KỲ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ QUỐC GIA PHONG KIẾN ĐỘC LẬP TỰ CHỦ (TỪ THẾ KỶ X ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX)”

Đăng ngày 23 - 11 - 2015

Phòng trưng bày được thể hiện theo biên niên sử, mỗi hiện vật, hình ảnh, tài liệu gắn với quá trình hình thành và phát triển của các triều đại phong kiến, với những sự kiện lịch sử quan trọng của xứ Thanh - mảnh đất Việt Nam thu nhỏ.

1. Thanh Hóa thời Ngô - Đinh - Tiền Lê

Thông qua các hình ảnh, tư liệu, tài liệu khoa học phụ nhấn mạnh cuộc khởi nghĩa của Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn - những người con ưu tú của Thanh Hóa đã dấy binh khởi nghiệp, đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc, đặt nền tảng vững chắc, toàn diện cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Trưng bày giới thiệu các sưu tập hiện vật: Bát, đĩa - gốm, bình, hũ - sành, tiền đồng thời Đinh - Lê…nhằm nêu bật tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội Thanh Hoá trong những thập kỷ bản lề của sự nghiệp khôi phục độc lập, thống nhất quốc gia, xây dựng chính quyền quân chủ và đặt nền móng cho một nền văn hóa dân tộc phát triển lên một tầm cao mới trong những thế kỷ tiếp theo.

2. Thanh Hóa thời Lý - Trần

Thời Lý - Trần đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, mở ra một giai đoạn phục hưng văn hoá dân tộc. Dấu ấn về sự phát triển của mọi mặt đời sống xã hội thời kỳ này thể hiện đậm nét qua các tư liệu, hình ảnh giới thiệu về các di tích lịch sử, công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng trên đất Thanh Hóa như: Đền Đồng Cổ, đền thờ Lý Thường Kiệt, Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, chùa Linh Xứng, chùa Hưng Phúc, đền thờ Đào Cam Mộc, đền thờ Trần Nhật Duật…

Đặc biệt điểm nhấn của phần trưng bày giới thiệu các sưu tập hiện vật: Thạp, bát, đĩa, âu… chất liệu gốm men trắng ngà, gốm men ngọc và gốm hoa nâu. Sự phong phú về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu sản phẩm khẳng định Thanh Hoá là một trong những trung tâm sản xuất gốm của nước ta. Các sản phẩm gốm  không chỉ hạn chế trong các đồ gia dụng hàng ngày mà còn được sản xuất phục vụ xây dựng, trang trí kiến trúc như: Sưu tập gạch, ngói lá đề, ngói mũi hài, chim uyên ương…    

3. Thanh Hóa thời Hồ (1400 - 1407)

Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về triều Hồ ở Thanh Hóa khá phong phú. Đặc biệt phải kể tới Thành Tây Đô - nơi định đô của các vua triều Hồ, công trình kiến trúc bằng đá kỳ vĩ, di sản văn hóa của nhân loại và các di tích phụ cận: Đàn Nam Giao, Ly Cung… trong đó nhấn mạnh các sưu tập vật liệu xây dựng - trang trí kiến trúc đất nung: Sưu tập gạch, ngói, chim uyên ương, bi (đạn) đá…

4.  Thanh Hóa thời Lê

Qua những hình ảnh, tư liệu và các sưu tập hiện vật: Gốm hoa lam, men rạn, men nâu, ấm đồng, tiền đồng… được lựa chọn trưng bày nêu bật vai trò của Lê Lợi - người anh hùng dân tộc sinh ra từ vùng đất Lam Sơn, Thanh Hóa lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống quân xâm lược Minh (1417 - 1428) giành lại độc lập dân tộc, đặt tên nước là Đại Việt.

Trong gần 360 năm phát triển, với không ít những thăng trầm, biến động, xứ Thanh - quê hương của dòng dõi vua Lê, chúa Trịnh trong các thế kỷ XVI - XVIII không chỉ trở thành chỗ dựa căn bản, là nơi nhiều tướng sĩ nhà Lê lùi về xây dựng lực lượng, lập căn cứ chuẩn bị cho sự nghiệp Trung Hưng mà còn là chiến trường sôi động nhất, ác liệt nhất trong các cuộc nội chiến.

Phần trưng bày giới thiệu về quần thể di tích Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân), xây dựng năm 1433 - công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc thời Lê Sơ. Đan xen là những sưu tập hiện vật phát hiện ở khu vực Lam Kinh: Vật liệu và trang trí kiến trúc đất nung (gạch lát nền, ngói lưu ly, mảnh đầu rồng…), sưu tập bát, đĩa, âu… gốm hoa lam, cột mốc Lam Kinh… nhấn mạnh sự phát triển của đời sống xã hội, vai trò, vị trí của Lam Kinh trong tâm thức của các vua nhà Hậu Lê.

5. Phong trào Tây Sơn trên đất Thanh Hóa

Trưng bày giới thiệu những hình ảnh, tư liệu, các địa danh lịch sử: phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, làng Thọ Hạc (phường Đông Thọ, TP Thanh Hoá); các sưu tập hiện vật: Sắc phong thời Quang Trung, voi đá… khẳng định vai trò, vị trí quân sự chiến lược của Thanh Hóa, “hậu phương” cung cấp nhân tài, vật lực cuộc khởi nghĩa và những đóng góp tích cực của người dân xứ Thanh đối với phong trào Tây Sơn trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XVIII.

6. Thanh Hóa thời Nguyễn (từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX)

Thời Nguyễn, Thanh Hóa không chỉ là một trấn lớn, có vị trí địa lí quan trọng mà còn là miền đất cội nguồn - quê hương của các vua triều Nguyễn. Những hình ảnh về các di tích lịch sử: Lăng, miếu Triệu Tường (lăng Trường Nguyên); Đình Gia Miêu (làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung); Thái miếu nhà Lê; Bia khuyến học (đường Trường Thi - thành phố Thanh Hóa)…và các sưu tập hiện vật: Sưu tập đồ gốm, đồ đồng, điêu khắc gỗ… thời Nguyễn được lựa chọn trưng bày giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn đầu nhà Nguyễn trị vì.

Dương Mỹ Dung

Hiện vật tiêu biểu