Những ngày này 60 năm về trước, chiến thắng của quân và dân Hàm Rồng, Thanh Hóa đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần viết tiếp bản hùng ca của lịch sử dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Giá trị, ý nghĩa của sự kiện lịch sử này được giới thiệu trưng bày, phát huy hiệu quả thông qua những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Hàm Rồng chiến thắng tại Bảo tàng Thanh Hóa.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá) có vị trí chiến lược quan trọng, là tuyến giao thông huyết mạch chi viện từ miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Giới quân sự Mỹ xác định cầu Hàm Rồng là "điểm tắc lý tưởng", "đầu mút của khu vực cán xoong" và tập trung lực lượng đánh phá.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của trung ương Ðảng và Bác Hồ, giai đoạn 1965 - 1972, khu vực Hàm Rồng đã trở thành "Tọa độ lửa", nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc chiến không cân sức với “không lực Hoa Kỳ”. Đặc biệt, sự kiện ngày mùng 3,4/4/1965 tại trận địa Hàm Rồng đã trở thành mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh. Trong hai ngày 3,4/4/1965 quân và dân Hàm Rồng, Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái. Từ phương Tây xa xôi, đế quốc Mỹ phải thú nhận: "Đó là 2 ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ". 60 năm trôi qua, âm hưởng hào hùng của bản hùng ca Hàm Rồng chiến thắng vẫn còn vang mãi. Chiến thắng Hàm Rồng không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân Thanh Hóa mà còn biểu trưng cho thắng lợi của đường lối chiến tranh Nhân dân, của ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam; Trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp thêm ý chí, sức mạnh để quân, dân cả nước quyết tâm chiến đấu, chiến thắng đế quốc Mỹ và tay sai, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, nội dung về Hàm Rồng chiến thắng rất phong phú, được bố cục trưng bày ở không gian ngoài trời và trong nhà. Không gian ngoài trời giới thiệu sưu tập hiện vật: Máy bay Mig 17, pháo cao xạ 100mm, nòng pháo 37mm, 57mm, những hiện vật này được sử dụng trong chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng những năm 1965 - 1972.

Tại phòng trưng bày "Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945 - 1975", dành một phần trang trọng giới thiệu tới công chúng những hình ảnh, tư liệu, hiện vật phong phú về Hàm Rồng chiến thắng. Đó là hình ảnh: Biên đội không quân nhân dân Việt Nam do Trần Hanh chỉ huy tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, ngày 3,4/4/1965; Đơn vị Hải quân phối hợp chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, ngày 3,4/4/1965; Nữ dân quân Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển vác đạn tiếp vận cho bộ đội ngày 26/5/1965; Đại đội I pháo cao xã chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng…


Đó là những sưu tập hiện vật: Súng trường của tự vệ Hàm Rồng, đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng trong kháng chiến chống Mỹ (1964 - 1972); Súng Trung liên của Tổ trung liên Núi Ngọc sử dụng bắn máy bay Mỹ tại trận địa Núi Ngọc, Hàm Rồng, ngày 3,4/4/1965; Mái chèo của nữ dân quân ngô Thị Tuyển dùng chèo thuyền tiếp đạn cho bộ đội Hải quân trong trận chiến đấu ngày 3,4/4/1965; Nòng pháo 12,7mm của Trung đội dân quân gái Hoa Lộc (huyện Hậu Lộc); Kính ngắm của Trung đội Lão quân Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) sử dụng trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1972); Đầu máy bay không người lái, mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa…
Với bố cục trưng bày logic, khoa học, các không gian trưng bày về Hàm Rồng chiến thắng tại Bảo tàng Thanh Hóa góp một phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phát huy hiệu quả giá trị hiện vật Hàm Rồng chiến thắng. Mỗi hình ảnh, hiện vật không chỉ là bằng chứng lịch sử mà còn ẩn chứa bên trong những câu chuyện xúc động về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng; về lòng quyết tâm, sự hy sinh cao cả và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam nói chung, quân, dân Hàm Rồng, Thanh Hóa nói riêng trong những năm kháng chiến chống Mỹ và trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Những hiện vật, câu chuyện ấy sẽ là những bài học bổ ích, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất của quân và dân ta cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.
Dương Thị Mỹ Dung
(Phòng Trưng bày - tuyên truyền)