`

1963 người đang online

Bảo tàng Thanh Hóa với công tác phát huy giá trị di sản văn hóa cách mạng (Phần 2)

Đăng ngày 22 - 08 - 2024

Thanh Hóa là tỉnh có lịch sử phát triển lâu dài và liên tục. Nhân dân Thanh Hóa có truyền thống kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tài năng sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Ngày 18/02/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước.

Ngày 14/5/1941, Hội nghị TW lần thứ VIII họp, Hội nghị chỉ đạo cách mạng Việt Nam trong cao trào chống phát xít Nhật - Pháp vẫn tiếp tục chiến dịch truy lùng, bắt bớ, tù đày các chiến sỹ cộng sản, nhân dân Thanh Hóa phải đương đầu với một chiến dịch khủng bố chưa từng có trong lịch sử.

Đầu năm 1942, đồng chí Lê Tất Đắc cùng các đồng chí : Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Xung Phong, Hoàng Tiến Trình đã vượt ngục từ Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) về Thanh Hóa bắt liên lạc, chắp nối các cơ sở Đảng tiếp tục hoạt động. Tiếp đó đồng chí Tố Hữu cũng vượt ngục từ Đắc Lây (Buôn Mê Thuột) về Thanh Hóa bổ sung cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng bộ - Thành lập ban liên lạc. Tháng 7/1942, Ban liên lạc mở hội nghị tại Làng Thượng (Nga Sơn) xây dựng, củng cố cơ sở cách mạng, thành lập Tổ chức “Thanh Hóa Ái quốc Hội”, quyết định ra tờ báo “Đuổi giặc nước”, “Gái ra trận” là cơ quan tuyên truyền tập hợp lực lượng cách mạng vận động đấu tranh quần chúng.

Tháng 9/1942, sau khi bắt được liên lạc với cơ sở Việt Minh ở Hà Nội “Thanh Hóa Ái quốc Hội” đổi thành “Tỉnh bộ Việt Minh”.

Đầu năm 1943, Đảng bộ Thanh Hóa chính thức bắt liên lạc và được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương các cơ sở đảng được phục hồi nhanh chóng (Thọ Xuân – Thiệu Hóa – Thạch Thành – Yên Định – Hà Trung) và một số cơ sở mới như Hoằng Hóa – Hậu Lộc – Nga Sơn …

Ngày 20/7/1943 báo “Đuổi giặc nước” được xuất bản số đầu tiên. Đây là tờ báo được xuất bản nhiều nhất, đều nhất trong thời kỳ hoạt động bí mật và xây dựng cơ sở Đảng. Đảng bộ Thanh Hóa phát động một phong trào đấu tranh sôi nổi trên mọi mặt trong toàn tỉnh, tạo tiền đề vững mạnh cho cao trào tổng khởi nghĩa sắp tới.

Năm 1944, trận lụt lớn đã gây ra cho tỉnh ta một thảm họa đau xót, nhân cơ hội đó Nhật – Pháp và bọn tay sai ra sức đầu cơ tích trữ vơ vét thóc gạo phục vụ chiến tranh. Trước tình hình đó Đảng bộ đã ra Chỉ thị “đòi ăn” phát động phong trào đấu tranh chống Pháp – Nhật, phá kho thóc Nhật cứu đói, chống thuế, chống đi phu… Chỉ thị “đòi ăn” đáp ứng yêu cầu của quần chúng nhân dân và chuyển thành một cuộc vận động chính trị lớn tập duyệt cho phong trào cách mạng sau này.

Ngày 9/3/1945, Phát xít Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương, trước tình hình đó ngày 12/3/1945 Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Đấu tháng 4/1945, Thanh Hóa nhận được chỉ thị đó đồng thời với chủ trương “Phá kho thóc Nhật cứu đói” Tỉnh ủy đã kịp thời phát động phong trào quần chúng trong toàn tỉnh tiến tới cao trào tổng khởi nghĩa. Phong trào chống thu thuế, thu thóc, thu bông cùng với công tác phát động xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xúc tiến mạnh thành lập các đội tự vệ chiến đấu, phát động phong trào sắm vũ khí… Các phong trào thời kỳ này đã chuyển từ thấp đến cao, điển hình là cuộc biểu tình chống thu thóc tại nhà Lý Khuyên, thôn Đằng Trung (Hoằng Hóa) và tịch thu thóc của bọn phản động Lý Hào ngoan cố chia cho dân nghèo.

Tháng 7/1945, khí thế cách mạng lên cao, hệ thống chính quyền bù nhìn của Nhật bị lung lay, một số quan lại, binh lính đã đào ngũ quay về với Việt Minh. Trước tình hình đó Nhật đã tập trung đàn áp phong trào cách mạng một số huyện, tập trung mũi nhọn vào Hoằng Hóa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng các lực lượng tự vệ Hoằng Hóa đã đập tan mưu đồ của chúng. Từ cuộc đấu tranh chống khủng bố của địch, Đảng bộ và nhân dân Hoằng Hóa đã chớp thời cơ tiến tới giành chính quyền. Ngày 24/7/1945 chính quyền cách mạng giành thắng lợi, chính quyền được giành về tay nhân dân Hoằng Hóa.

Trống lệnh được sử dụng trong khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hóa, ngày 24/7/1945

Ngày 13/8/1945, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị bàn biện pháp và quyết định chủ trương: Khẩn cấp – Tích cực chuẩn bị sẵn sàng tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Căn cứ vào tinh thần chỉ thị: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” Hội nghị nhận định “Thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến…” và thành lập tiểu ban khởi nghĩa.

Đến 18 rạng ngày 19/8/1945 lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa phát ra. Trong ngày 19/8, các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Thọ Xuân giành được chính quyền về tay nhân dân. Đến ngày 21/8/1945 thị xã Thanh Hóa, các huyện đồng bằng và hai huyện miền núi đã giành được chính quyền.

Ngày 23/8/1945, trong không khí chiến thắng chính quyền cách mạng về tay nhân dân Ủy ban cách mạng lâm thời từ Thiệu Hóa về ra mắt đồng bào. Trong buổi lễ trọng thể đó mọi người đều hướng về chính quyền cách mạng, đồng chí Chủ tịch Lê Tất Đắc – Chủ tịch lâm thời nêu quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được.

Với 34 tranh, ảnh, sa bàn và 32 tư liệu, sưu tập hiện vật được trưng bày đã nêu bật lên được giá trị của cao trào kháng Nhật cứu nước, khởi nghĩa Hoằng Hóa và tiến lên giành chính quyền trong toàn tỉnh. Các hiện vật bao gồm: Báo “Đuổi giặc nước”, lệnh bắt Nguyễn Kim Thanh (Tố Hữu), Quyết định số 197 của Khâm sứ Trung Kỳ về việc đày 54 tù nhân Thanh Hóa đi trại Li Huy, Ô của đồng chí Tố Hữu, Trống lệnh Hoằng Hóa, tài liệu “Chương trình Việt Minh”, tài liệu lịch sử Việt Minh Hoằng Hóa, Tù và bằng ốc biển của nhân dân xã Hoằng Châu, thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc kêu gọi quốc dân đồng bào tháng 8 năm 1945, mệnh lệnh khởi nghĩa của ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng 12 tháng 8 năm 1945, tráp cắt tóc của ông Vũ Văn Sồ con mẹ Tơm, sưu tập truyền đơn cách mạng…

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc - Kỷ nguyên Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Cách mạng tháng Tám 1945 là kết thúc tất yếu, không tránh khỏi, một bên là chính sách thực dân Pháp, một chính sách cướp bóc, đàn áp và ngu dân; một bên là hàng loạt các cuộc nổi dậy dân tộc hầu như không hề gián đoạn, đánh dấu 80 năm thống trị của nước ngoài. Người ta có thể khẳng định rằng: Nếu như từ 1862 đến 1884 chủ nghĩa thực dân Pháp đã dễ dàng chiến thắng bằng vũ khí nền quân chủ ruỗng nát đang cầm quyền lúc xảy ra cuộc chinh phục thì nó lại chưa bao giờ thành công trong việc làm cho toàn thể nhân dân Việt Nam thừa nhận nó cả; nếu như cuộc thất bại năm 1884 là một thất bại của chế độ phong kiến bất lực và lạc hậu thì Cách mạng tháng Tám năm 1945 quả là một chiến thắng vẻ vang của nhân dân gắn liền với độc lập và dân chủ".

Để khai thác tiềm năng và phát huy giá trị các tư liệu hiện vật cách mạng trên hệ thống trưng bày tại bảo tàng và các nhà truyền thống, di tích cách mạng trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của các tư liệu, hiện vật.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới độ ẩm cao rất ảnh hưởng đến việc lưu giữ và bảo quản hiện vật, đặc biệt là các hiện vật chất liệu hữu cơ (gỗ, giấy, vải..), để bảo quản, các tư liệu hiện vật đang lưu giữ và trưng bày tại các di tích, bảo tàng, nhà truyền thống… nhà nước nên cấp kinh phí để thực hiện công tác này.

Tiếp tục tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp với các trường từ tiểu học, trung học cơ sở cho đến các trường đại học trên địa bàn tỉnh, các Trung tâm, Công ty du lịch, lữ hành tổ chức các hoạt động về nguồn bằng việc tham quan Bảo tàng và các di tích lịch sử cách mạng, xem đây là địa chỉ đỏ, điểm du lịch lý tưởng thu hút khách tham quan, qua đó, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Một số hình ảnh khách tham quan tại Bảo tàng:
 
 
 
TLTK : Lịch sử Đảng Bộ tỉnh Thanh Hóa
             Đề cương trưng bày phòng Truyền thống cách mạng Thanh Hóa giai đoạn 1858 – 1945.
Hoàng Vân

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Bảo tàng Thanh Hóa với công tác phát huy giá trị di sản văn hóa cách mạng (Phần 2)(22/08/2024 2:44 CH)

    Bảo tàng Thanh Hóa với công tác phát huy giá trị di sản văn hóa cách mạng (Phần 1)(14/08/2024 7:49 SA)

    Chỉnh lý trưng bày: Mâu thuẫn và Thách thức(10/10/2019 9:08 SA)

    Vài nét tìm hiểu về đặc trưng và sự phát huy giá trị các sưu tập hiện vật lịch sử, văn hóa của...(24/04/2019 8:35 SA)

    Tổ chức bài học lịch sử tại bảo tàng địa phương cho học sinh phổ thông (qua thực tiễn sư phạm ở...(24/04/2019 8:32 SA)

    <

    Tin liên quan

    Bảo tàng Thanh Hóa với công tác phát huy giá trị di sản văn hóa cách mạng (Phần 1)(14/08/2024 7:49 SA)

    Chỉnh lý trưng bày: Mâu thuẫn và Thách thức(10/10/2019 9:08 SA)

    Vài nét tìm hiểu về đặc trưng và sự phát huy giá trị các sưu tập hiện vật lịch sử, văn hóa của...(24/04/2019 8:35 SA)

    Tổ chức bài học lịch sử tại bảo tàng địa phương cho học sinh phổ thông (qua thực tiễn sư phạm ở...(24/04/2019 8:32 SA)

    Phấn khởi tự hào chặng đường đã qua, vững bước đi lên trong thời gian tới(24/04/2019 8:28 SA)

    Hiện vật tiêu biểu