Trong những ngày đầu tháng Tám lịch sử của 60 năm trước đã diễn ra một sự kiện mang tính lịch sử, một mốc son chói lọi sống mãi với thời gian, đó là Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 của quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn đầu tiên của hải quân và không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam.
Để gỡ thế bí sau những thất bại liên tiếp và nặng nề ở miền Nam, đế quốc Mỹ ra sức điều quân khiển tướng cố đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam, ráo riết hoạt động khiêu khích phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân.
Ngày 2/8/1964, chúng cho tàu khu trục Maddox xâm phạm vùng biển Hòn Mê (Thanh Hóa). Ba tàu hải quân Việt Nam 333, 336, 339 thuộc phân đội 3 của tiểu đoàn phóng lôi 135 được lệnh xuất kích tiếp cận mục tiêu tổ chức chiến đấu. Giữa trùng khơi, tàu hải quân của ta đánh trả quyết liệt… Tàu 336 tiếp cận tàu Maddox và phóng lôi, tàu địch thả bom chìm chặn lôi cùng máy bay phóng tên lửa làm thuyền trưởng Phạm Văn Tự và một thủy thủ trên tàu hy sinh. Trong trận đánh này Hải quân ta đã bắn rơi một máy bay Mỹ, bắn cháy một chiếc khác, phóng ngư lôi và bắn vào đài chỉ huy tàu Maddox buộc chúng phải tháo chạy khỏi Thanh Hóa.
Bị đánh đuổi, đế quốc Mỹ lấy cớ bị hải quân Bắc Việt Nam cố tình tấn công tàu chiến của chúng ở vùng biển quốc tế và dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” ra lệnh cho không quân và hải quân đánh trả đũa mở màn cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn chống phá miền Bắc Việt Nam.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị chỉ thị cho các cấp bộ Đảng và chính quyền tăng cường công tác phòng không nhân dân, coi đó là một nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Được chuẩn bị chu đáo cả về tinh thần, lực lượng và thế trận, quân và dân miền Bắc sẵn sàng, chủ động bước vào cuộc chiến đấu với không quân và hải quân Mỹ.
Ngày 5/8/1964, Mỹ huy động 64 lần chiếc máy bay hiện đại bất ngờ công kích, ném bom bắn phá vào các tàu hải quân của ta suốt dải ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh).
Dọc tuyến Hòn Nẹ - Lạch Trường (Thanh Hóa) chúng sử dụng 12 máy bay phản lực ồ ạt ném bom. Dân quân tự vệ các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc, Hòa Lộc (Hậu Lộc); xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa); tự vệ đánh cá Lạch Trường; Đại đội 19 bộ đội Phòng không bảo vệ trạm ra đa; đồn Công an vũ trang 74... dùng súng bộ binh, súng máy 14,5mm, súng trường, cao xạ phối hợp với các chiến sỹ hải quân trên tàu quyết liệt bắn trả máy bay địch. Những cụ ông cao niên đến những cô gái tuổi mười tám đôi mươi bất chấp bom Mỹ liên tục tiếp đạn cho các tàu hải quân và khẩn trương cứu chữa thương binh… tất cả tạo nên một hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân cùng đánh và thắng giặc. Kết thúc trận đánh, quân dân toàn miền Bắc bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn bị thương 3 chiếc, bắt sống 1 giặc lái, trong đó quân dân Lạch Trường góp phần bắn rơi 2 chiếc và bắn cháy 2 chiếc. Chiến thắng Lạch Trường góp phần đánh bại cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của không quân Hoa Kỳ. Chiến thắng ngày 2 và 5/8/1964 đã góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ở miền Bắc và đồng bào miền Nam thi đua đánh giặc lập công, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng “Chiến thắng trận đầu” vẫn luôn là mốc son chói lọi, mang giá trị to lớn trong quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Trong chiến thắng vang dội đó, quân và dân Thanh Hóa đã góp phần viết nên trang sử hào hùng “toàn dân đánh giặc”. Những cảm xúc thấm đẫm, sự trân trọng và lòng biết ơn vô hạn đối thế hệ cha anh đi trước sẽ được các thế hệ hôm nay và mai sau muôn đời nhắc nhớ./.
Một số hình ảnh, tài liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa.
Đồng chí Phạm Văn Tự - Thuyền trưởng tàu 336 Hải quân, đã hy sinh anh dũng ngày 2/8/1964.
Dân quân tự vệ Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa phối hợp chiến đấu ngày 5/8/1964.
Dân quân Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa vớt xác máy bay Mỹ bị ta bắn rơi ngày 5/8/1964.
Huy hiệu Quyết thắng 5/8 của ông Nguyễn Văn Khôn – Trung đội trưởng tiểu khu Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa tham gia trận đánh ngày 5/8/1964. | Huy hiệu Quyết thắng 5/8 của ông Ngô Xuân Hồng (thôn Tâm Luân, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) – nguyên chiến sỹ C3E28 tham gia chiến đấu tại trận địa Đồng Đá bảo vệ cầu Hàm Rồng, năm 1964-1965. |
Lê Thị Hường
(Phòng Trưng bày – Tuyên truyền)