`

1333 người đang online

Đa dạng hoạt động phát huy giá trị Di sản văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Thanh Hóa

Đăng ngày 14 - 08 - 2024

Năm 2024, kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn – nền văn hóa được đặt tên theo làng Đông Sơn, nay thuộc phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, địa điểm phát hiện những di vật đồ đồng đầu tiên (năm 1924). Trải qua 100 năm phát hiện và nghiên cứu, những giá trị di sản văn hóa Đông Sơn được Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa phát huy hiệu quả thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Từ những hiện vật đồ đồng đầu tiên được ông Nguyễn Văn Nắm, người làng Đông Sơn (Tiểu khu Hàm Rồng, nay thuộc phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa) tình cờ phát hiện tại khu vực ven bờ sông Mã năm 1924, qua các cuộc khai quật di tích Đông Sơn của trường Viễn Đông Bác cổ và nhiều công trình nghiên cứu của các học giả, đến năm 1934 thuật ngữ “Văn hóa Đông Sơn” được thừa nhận và sử dụng rộng rãi. Văn hóa Đông Sơn được xác định là nền văn hóa khảo cổ học thời đại kim khí ở Việt Nam, tồn tại khoảng thế kỷ VII trước công nguyên đến thế kỷ I - II sau công nguyên.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa thành lập năm 1983, là nơi lưu giữ và trưng bày hơn 30.000 đơn vị hiện vật có niên đại từ thời kỳ Tiền sử - sơ sử cho đến ngày nay, trong đó, hiện vật về văn hóa Đông Sơn chiếm số lượng hơn 3.000 hiện vật. Những hiện vật, sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn đa dạng về loại hình, kiểu dáng, có tính thẩm mỹ cao, được tạo nên từ nhiều chất liệu như: Đồng, sắt, gốm, đá, thủy tinh... Theo chức năng sử dụng, hiện vật thời kỳ này được phân chia thành nhiều loại hình khác nhau như: Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, nhạc khí, vũ khí, đồ trang sức và đồ minh khí.

Với số lượng hiện vật văn hóa Đông Sơn “đồ sộ”, phong phú, trong những năm qua Bảo tàng Thanh Hóa luôn chú trọng, nghiên cứu, đa dạng hóa các hình thức, hoạt động trưng bày, tuyên truyền, quảng bá nhằm phát huy hiệu quả giá trị của bộ sưu tập hiện vật quý hiếm này.

1. Hoạt động trưng bày

1.1 Tại hệ thống trưng bày cố định

Phần trưng bày về văn hóa Đông Sơn là một điểm nhấn quan trọng ở vị trí trung tâm trong không gian phòng trưng bày “Thanh Hóa thời Tiền sử - sơ sử”. Với diện tích gần 200m2, trưng bày hơn 200 hiện vật từ thời kỳ Tiền Đông Sơn đến văn hóa Đông Sơn, phần trưng bày luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Nhằm tạo sức hấp dẫn đối với người xem, Bảo tàng nghiên cứu, ứng dụng giải pháp trưng bày khoa học, hiện đại kết hợp giữa hiện vật với các loại tài liệu khoa học bổ trợ như: Hình ảnh, sơ đồ, bản vẽ, bản text… phản ánh khá đầy đủ ý nghĩa, nội dung, công năng cũng như giá trị lịch sử ẩn chứa bên trong mỗi hiện vật. Hệ thống chiếu sáng, tủ, bục, khung ảnh dù chưa được hiện đại nhưng đảm bảo tính hài hòa, thống nhất, ngay ngắn trong trưng bày. 

Các sưu tập hiện vật giai đoạn Tiền Đông Sơn: Tiêu biểu là sưu tập công cụ sản xuất (gồm các loại rìu: Rìu lưỡi xéo, rìu xòe cân, rìu chữ nhật…), sưu tập đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, các khối tượng, chất liệu gốm, đá được trưng bày kết hợp với nhiều hình ảnh, tài liệu bổ trợ (bản vẽ, bản dập) là bằng chứng thuyết phục về nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn, khẳng định văn hóa Đông Sơn được hình thành từ các giai đoạn văn hóa Tiền Đông Sơn trên các lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả.

Các sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn gồm:

- Sưu tập công cụ lao động với các loại hình hiện vật: Lưỡi cày cánh bướm, cuốc, thuổng, rìu, liềm, lắt lúa… phản ánh đời sống kinh tế, phương thức sản xuất của cư dân Đông Sơn. Trong đó, lưỡi cày cánh bướm là loại hình hiện vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn khu vực sông Mã.

- Sưu tập đồ dùng sinh hoạt: Thạp, thố, bình, vò, ấm, âu, bát, muôi… khá phong phú về loại hình, kiểu dáng, chất liệu đồng, gốm. Sự đa dạng những đồ án hoa văn trang trí trên hiện vật là minh chứng sống động, chân thực về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Đông Sơn.

- Sưu tập đồ trang sức: Vòng tay, chuỗi hạt, khuyên tai, trâm, móc khóa, bao tay…chất liệu đá, đồng được coi là một bộ phận không thể thiếu trong bộ trang phục của cư dân Việt cổ. Người đương thời đeo đồ trang sức không chỉ để làm đẹp mà còn khẳng định vị trí xã hội, quyền uy và sự giàu sang.

- Sưu tập vũ khí tại Bảo tàng chiếm số lượng lớn, đa dạng về loại hình, công năng sử dụng như: Vũ khí đánh xa (Lao, giáo mũi tên, lẫy nỏ…), vũ khí đánh gần (qua, dao găm, kiếm…), vũ khí phòng hộ (tấm che ngực). Độc đáo và quý hiếm trong bộ sưu tập này là Kiếm ngắn Núi Nưa (phát hiện tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn) trang trí hình tượng người phụ nữ quyền uy trên chuôi kiếm - một trong số 03 hiện vật của Bảo tàng Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Bảo vật quốc gia năm 2013.

- Sưu tập nhạc khí với sự phong phú của chuông, lục lạc…, đặc biệt là trống đồng, không chỉ minh chứng cho đời sống tinh thần phong phú mà còn khẳng định tài năng, trí tuệ, kỹ thuật đúc đồng đạt đến trình độ tuyệt mỹ của những nghệ nhân Đông Sơn xưa. Bảo tàng Thanh Hóa là nơi lưu giữ số lượng lớn trống đồng Đông Sơn (hơn 50 chiếc). Hoa văn trên mỗi chiếc trồng đồng để lại cho hậu thế kho tàng di sản văn hóa phong phú. Tiêu biểu là Trống đồng Cẩm Giang I, niên đại văn hóa Đông Sơn (phát hiện tại xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy) được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2013.

- Sưu tập đồ minh khí: Trong văn hóa Đông Sơn, việc chia của cho người chết là một tập tục thể hiện sự gắn kết mật thiết giữa cuộc sống của con người ở hai thế giới, giữa thế giới hiện thực và thế giới tâm linh. Sưu tập Trống, thạp, rìu, bình, nồi, mũi tên… minh khí không chỉ minh chứng cho phong tục mai táng mà còn góp phần khẳng định xã hội Đông Sơn đã có sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc.

Ngài Sandeep Arya - Đại sứ quán Ấn Độ tham quan Bảo tàng Thanh Hóa, nghe giới thiệu về các Bảo vật quốc gia
Kiếm ngắn núi Nưa và Trống đồng Cẩm Giang I, niên đại văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.500 – 2.000 năm.
 
 
Khách tham quan phần trưng bày về văn hóa Đông Sơn và các Bảo vật quốc gia
Kiếm ngắn núi Nưa và Trống đồng Cẩm Giang I.

1.2. Trưng bày lưu động

Không chỉ ở hệ thống trưng bày cố định, phần trưng bày, giới thiệu về văn hóa Đông Sơn và các sưu tập hiện vật được Bảo tàng thường xuyên tổ chức thông qua các cuộc trưng bày lưu động. Mỗi năm, Bảo tàng tổ chức từ 2 - 4 cuộc trưng bày lưu động giới thiệu về “Truyền thống lịch sử văn hóa Thanh Hóa” tại thành phố Thanh Hóa và các địa phương, điểm trường trên địa bàn tỉnh. Phối hợp trưng bày hiện vật văn hóa Đông Sơn phục vụ các sự kiện: Hội nghị Thông báo khảo cổ học, Tuần văn hóa TP. Thanh Hóa - TP. Hội An… Các cuộc trưng bày đã đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng lãm của công chúng cũng như phát huy hiệu quả giá trị hiện vật.

Trưng bày lưu động “Truyền thống lịch sử văn hóa Thanh Hóa” tại trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc.

2. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giáo dục

2.1 Hoạt động tuyên truyền, quảng bá

Được xác định là phần trưng bày quan trọng của Bảo tàng Thanh Hóa, do đó công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu văn hóa Đông Sơn luôn được Bảo tàng chú trọng. Bảo tàng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn trên website, các phương tiện thông tin đại chúng…; Phối hợp với các báo, đài xây dựng các chương trình tuyên truyền về hoạt động của bảo tàng nói chung, văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa nói riêng.

Đáp ứng xu thế phát triển của hệ thống Bảo tàng hiện nay, Bảo tàng Thanh Hóa đã từng bước triển khai ứng dụng công nghệ trong hoạt động trưng bày. Hiện nay, Bảo tàng đã số hóa được hơn 200 hiện vật, giai đoạn văn hóa Tiền Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn. Trong đó, sản phẩm số hóa 3 Bảo vật Quốc gia (trong đó có hai hiện vật văn hóa Đông Sơn là: Kiếm ngắn Núi Nưa và Trống đồng Cẩm Giang I) giúp khách tham quan dễ dàng nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về các hiện vật, Bảo vật thông qua việc quét mã QR. Đặc biệt, công chúng có cơ hội được trải nghiệm, tiếp cận, nhìn ngắm hai bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa và Trống đồng Cẩm Giang I trong không gian 3D thông qua hoạt động trải nghiệm kính thực tế ảo.

Khách tham quan trải nghiệm tương tác kính thực tế ảo với các Bảo vật quốc gia

Trong những năm gần đây, Bảo tàng thường xuyên tổ chức nghiên cứu, in ấn, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về các sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn tiêu biểu của Bảo tàng như: Sưu tập cổ vật tiêu biểu văn hóa Đông Sơn, Văn vật xứ Thanh, Trống đồng phát hiện tại Thanh Hóa … Đây là kênh tuyên truyền, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa Đông Sơn đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

2.2 Hoạt động giáo dục

Bảo tàng cũng nghiên cứu, xây dựng một số chương trình giáo dục: Bảo vật quốc gia Việt Nam phát hiện ở Thanh Hóa, Văn hóa Đông Sơn – 100 năm phát hiện và nghiên cứu, Văn hóa Đông Sơn và câu chuyện trống đồng… tổ chức cho học sinh tại đơn vị và các điểm trường trên địa bàn tỉnh. Các chương trình đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh. Với mỗi bài giảng sẽ là bộ học liệu quan trọng, cung cấp những thông tin bổ ích, bổ trợ cho chương trình giáo dục lịch sử địa phương của các trường, là kênh tuyên truyền hiệu quả, đưa di sản văn hóa đến với học đường.

Lồng ghép trong các buổi hoạt động ngoại khóa của học sinh, Bảo tàng tổ chức một số trò chơi: Tô hoa văn trên mặt trống đồng, xâu hạt chuỗi…, đây cũng là cách làm hiệu quả giúp các em học sinh tiếp cận gần hơn và có những trải nghiệm thú vị khi tìm hiểu về văn hóa Đông Sơn.

 
Chương trình giáo dục “Bảo vật quốc gia Việt Nam phát hiện ở Thanh Hóa”, "Văn hóa Đông Sơn
và câu chuyện trống đồng” tổ chức tại trường THCS xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc và tại Bảo tàng.

Trải qua 100 năm phát hiện và nghiên cứu, Thanh Hóa là địa phương phát hiện nhiều nhất các điểm di tích văn hóa Đông Sơn (khoảng 120 địa điểm); rất nhiều cuộc thám sát, khai quật khảo cổ học và hàng nghìn hiện vật đã được phát hiện. Trong thời gian tới, để công tác phát huy giá trị di sản văn hóa Đông Sơn được hiệu quả hơn, Bảo tàng Thanh Hóa cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động trưng bày, tuyên truyền nhằm khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của nền văn hóa này trong diễn trình lịch sử của Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung. Tạo cơ hội để công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về đời sống kinh tế, văn hóa vật chất, tinh thần của cư dân Việt cổ buổi đầu thời kỳ dựng nước; từ đó góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống, lịch sử - văn hóa của quê hương, đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển./.

Dương Thị Mỹ Dung
(Phòng Trưng bày – Tuyên truyền)

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Đa dạng hoạt động phát huy giá trị Di sản văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Thanh Hóa(14/08/2024 7:56 SA)

    Chiến thắng Lạch Trường góp phần đánh bại cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của không quân Hoa Kỳ(02/08/2024 8:34 SA)

    Bảo tàng Thanh Hóa hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”(16/05/2024 3:27 CH)

    Phát huy giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ qua tài liệu, hiện vật bảo...(22/04/2024 7:43 SA)

    Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa và câu chuyên gợi nhớ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh(04/03/2024 2:40 CH)

    <

    Tin liên quan

    Chiến thắng Lạch Trường góp phần đánh bại cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của không quân Hoa Kỳ(02/08/2024 8:34 SA)

    Bảo tàng Thanh Hóa hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”(16/05/2024 3:27 CH)

    Phát huy giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ qua tài liệu, hiện vật bảo...(22/04/2024 7:43 SA)

    Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa và câu chuyên gợi nhớ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh(04/03/2024 2:40 CH)

    Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá, góp phần phát...(27/12/2023 3:27 CH)

    Hiện vật tiêu biểu