Hưởng ứng chủ đề của ngày quốc tế Bảo tàng (18/5) năm nay “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”, Bảo tàng Thanh Hóa hướng tới mục tiêu đa dạng hóa, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục phục vụ nhu cầu của đông đảo công chúng.
Bảo tàng “là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của nhân dân” (Theo Luật Di sản Văn hóa Việt Nam). Tại kỳ họp Đại hội đồng thứ 22 tại Vienna, Hiệp hội Bảo tàng thế giới (ICOM) đưa ra định nghĩa: “Bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động thường xuyên phục vụ công chúng tham quan, phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, giao tiếp và trưng bày các di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại cùng với môi trường sống của con người cho các mục đích giáo dục, nghiên cứu và thưởng thức”. Từ những định nghĩa trên cho thấy hoạt động giáo dục, phục vụ công chúng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng.
Kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) năm nay, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) khuyến khích các bảo tàng hướng hoạt động tới chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu” (Museums for Education and Research). Ngày 15/03/2024, Cục Di sản văn hóa có công văn số 216/DSVH-QLBT&DSTL gửi các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam về việc định hướng hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo tàng (18/5). Trong đó, định hướng hoạt động của các bảo tàng ở Việt Nam như sau:
- Chủ động nghiên cứu chủ đề của ICOM năm 2024 để triển khai các hoạt động trưng bày, giáo dục di sản văn hóa và truyền thông của bảo tàng.
- Tăng cường công tác nghiên cứu chuyên môn, đổi mới hoạt động xây dựng nội dung trưng bày bảo tàng theo xu hướng tiếp cận nghiên cứu liên ngành, đa ngành; xây dựng các sưu tập hiện vật có giá trị, tăng cường nghiên cứu, bổ sung thông tin cho các sưu tập phục vụ việc phát huy giá trị.
- Tăng cường các hoạt động giáo dục, khuyến khích xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa có chất lượng, hướng tới các nhóm khách tham quan chuyên sâu, mong muốn tìm hiểu, nghiên cứu về di sản văn hóa, lịch sử dân tộc. Khuyến khích các bảo tàng có kinh nghiệm trong việc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về các chương trình giáo dục di sản văn hóa cơ bản, dễ thực hiện và chia sẻ với các bảo tàng, trường học khác.
- Tăng cường công tác chuyển đổi số trong các hoạt động của bảo tàng, từ nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày, giáo dục di sản văn hóa và truyền thông quảng bá. Nghiên cứu ứng dụng đa dạng các loại hình công nghệ có thể ứng dụng trong trưng bày giới thiệu di sản văn hóa, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ trong thời gian tới.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao Bảo tàng luôn bám sát các văn bản, hướng dẫn của cấp trên, tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động, trong đó có hoạt động giáo dục. Hưởng ứng chủ đề của ngày quốc tế Bảo tàng (18/5) năm nay, Bảo tàng Thanh Hóa hướng tới mục tiêu đa dạng hóa, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục phục vụ nhu cầu của đối tượng công chúng, đặc biệt là hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh các cấp học tại Bảo tàng và bên ngoài bảo tàng.
- Đối với hoạt động giáo dục tại Bảo tàng: Ngoài việc tham quan hệ thống trưng bày cố định, nghe hướng dẫn về truyền thống lịch sử, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa công chúng có cơ hội được tham gia các hoạt bổ trợ khác như: Tương tác thực tế ảo với ba Bảo vật quốc gia (Kiếm ngắn Núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang I, Vạc đồng), trải nghiệm trong các không gian trưng bày…
Đối với học sinh các cấp học, hoạt động giáo dục đa dạng hơn (tùy theo độ tuổi, cấp học và nhu cầu) sau khi tham quan các em được tham gia các trò chơi, chương trình giáo dục bổ ích, lý thú. Hoạt động giáo dục được cán bộ bảo tàng xây dựng trên cơ sở khảo sát, nắm bắt và phối hợp với các nhà trường nhằm cung cấp cho các em một trải nghiệm giáo dục mới, hấp dẫn.
- Đối với hoạt động giáo dục bên ngoài bảo tàng:
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo về Tổ chức tham quan, học tập ngoại khóa cho học sinh, sinh viên tại Bảo tàng tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 5/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Xây dựng các bộ sưu tập hiện vật, số hóa hiện vật và tổ chức hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2025, từ năm 2022 đến nay mỗi năm Bảo tàng xây dựng 3 chương trình giáo dục gắn với các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh kết hợp tuyên truyền, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa của tỉnh thông qua những hình ảnh, tư liệu, hiện vật bảo tàng. Các chương trình sau khi hoàn thiện được tổ chức tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các điểm trường vùng sâu, vùng xa khó khăn, các em học sinh chưa có điều kiện đến với bảo tàng. Tại các điểm trường, chương trình giáo dục được giáo viên và học sinh hồ hởi đón nhận. Bộ học liệu của chương trình được các cán bộ giáo dục bảo tàng nghiên cứu, biên soạn công phu, giúp các em học sinh dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ và đặc biệt giúp các em có “cảm hứng” đối với việc học bộ môn lịch sử.
Bên cạnh đó, mỗi năm Bảo tàng tổ chức từ 2 - 4 cuộc trưng bày lưu động giới thiệu “Truyền thống lịch sử, văn hóa Thanh Hóa” phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu tham quan, học tập của nhân dân.
Hoạt động giáo dục bên ngoài Bảo tàng góp phần phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, là dịp để công chúng biết nhiều hơn đến bảo tàng và đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng. Mặt khác, thông qua các hoạt động giáo dục, là dịp để Bảo tàng tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị trường học, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Hưởng ứng chủ đề của Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2024 và những năm tiếp theo, Bảo tàng Thanh Hóa tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hoạt động trong đó tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hoạt động giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các chương trình giáo dục có chất lượng, hướng tới các đối tượng khách tham quan chuyên sâu. Tăng cường phối hợp với các cấp, ngành tuyên truyền, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, đưa di sản đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân.
Dương Thị Mỹ Dung (Phòng Trưng bày – tuyên truyền)