Trong chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng, cung cấp lớn nhất nhân tài, vật lực cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương lòng của mỗi người dân đất Việt đang dần lắng xuống, chiến trường khốc liệt năm xưa nay đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, vững vàng nơi biên cương Tổ quốc. Những kỷ vật thời chiến tranh được bảo tàng sưu tầm, lưu giữ, trưng bày giới thiệu để khách tham quan hiểu thấu hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc như một cách tri ân sâu sắc đối với những cống hiến to lớn của các thế hệ tiền nhân và để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, qua đó nhắc nhở họ luôn khắc ghi về một giai đoạn lịch sử vô cùng khốc liệt nhưng cũng đầy kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam.
Bảo tàng Thanh Hóa - nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu những tài liệu, hiện vật từ thời Tiền - Sơ sử, qua các thời kỳ lịch sử đến năm 1975. Trong đó chủ đề Thanh Hóa với chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những điểm nhấn quan trọng của phòng “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước” giai đoạn 1945 - 1975. Bằng những hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu bảo tàng giới thiệu tới công chúng về sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, kịp thời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và những đóng góp quan trọng về sức người, sức của của hậu phương Thanh Hóa đối với chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đối với thế hệ trẻ, được sinh ra và lớn lên trong thời bình, những mất mát đau thương, những hy sinh cống hiến của biết bao thế hệ cha ông có lẽ họ chỉ được nghe qua lời kể của ông bà và được học trên sách giáo khoa trong các tiết học lịch sử do thầy cô giáo truyền đạt nên những cảm nhận về chiến tranh có thể chưa được sâu sắc. Nhưng khi đến bảo tàng, những câu chuyện được nghe, được học đã được tái hiện một cách sinh động qua những thước phim tài liệu, hình ảnh, đặc biệt là những kỷ vật đã vào sinh ra tử cùng các chiến sỹ nơi sa trường như: Chiếc ba lô, cây đàn ghi ta, chiếc khăn mùi xoa, tấm áo trấn thủ đã bạc màu vì khói lửa chiến tranh, chiếc bi đông, chiếc lược, con dao, hoặc có khi chỉ là đôi dép cao su đã mòn vẹt vì hằn dấu trên những cung đường hành quân hay trên những dốc đèo cheo leo khi kéo pháo… tất cả là những vật chứng của lịch sử, của lớp lớp các thế hệ cha ông trong đó có những thanh niên tuổi vừa mười tám, đôi mươi đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dự định của bản thân để lên đường đi chiến đấu. Trong số họ, đã có nhiều người hy sinh, để lại cho thế hệ sau sự cảm phục và suy ngẫm về sự kiên cường, anh dũng. Họ đã không tiếc máu xương, tuổi trẻ góp phần cùng dân tộc Việt Nam tô thắm lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” trong ngày giải phóng Điện Biên.
Được tận mắt xem hiện vật trưng bày và được nghe thuyết minh, thế hệ trẻ mới thấm thía cái giá của độc lập, tự do ngày hôm nay phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của lớp lớp cha ông trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Suốt 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”, dưới làn mưa bom bão đạn các chiến sỹ trên mặt trận vẫn kiên cường “chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù”. Ở hậu phương Thanh Hóa, nhân dân phải ăn ngô non, khoai non cùng nhau ra đồng tuốt từng dẻ lúa đang chín dở để xay giã kịp thời cung cấp ra tiền tuyến. Từ miền Tây Thanh Hóa, từng đoàn dân công xe đạp thồ, dân công gánh bộ với đôi bung, đòn gánh, chiếc gùi kẽo kẹt trên vai, họ nối chân nhau lấy đêm làm ngày, xuyên rừng, vượt núi, lội suối, trèo đèo, băng qua những hố bom, bão mìn với cung đường dài hơn 500 km an toàn và bí mật vận chuyển lương thực, thực phẩm vượt qua suối Rút - Mộc Châu - Cò Nòi - Sơn La lên mặt trận Điện Biên Phủ.
“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh”.
Những chiếc xe đạp thồ đã đi vào huyền thoại như “vua vận tải” của chiến trường. Trong số 20.991 xe đạp thồ huy động được trên cả nước thì tỉnh Thanh Hóa đóng góp 3.500 chiếc, trung bình mỗi chiếc có thể vận chuyển được từ 100kg đến 150kg lương thực. Đặc biệt chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, dân công thị xã Thanh Hóa đạt kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến tiếp vận chiến dịch. Khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ, thán phục, họ đặt ra biết bao câu hỏi. Sức mạnh nào để một đất nước đói nghèo và lạc hậu sau hơn 80 năm làm nô lệ cho thực dân Pháp lại có thể đánh bại được một ý chí xâm lược với nỗ lực cao nhất của chính phủ Pháp và sự viện trợ lớn nhất của Mỹ, với số quân đông nhất, khối lượng cơ động mạnh nhất và số phương tiện chiến tranh nhiều nhất. Trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ”. NXB. Giu-li-a, Pari 1964, cựu Đại tá không quân Pháp Gi-Uyn Roa đã nói lên tất cả “… Tướng Nava bị thua chính là bởi những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng từ 200 đến 320kg, được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh nilon trải đất”.
Một trong những loại phương tiện thô sơ nhất phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ là những chiếc xe Cút Kít. Ông Trịnh Đình Bầm (xã Định Liên, huyện Yên Định) đã cùng chiếc xe tự chế của mình vượt qua bao khó khăn gian khổ trên đoạn đường dài 20 km từ Sánh Lược đi lên Phố Cống tới Trạm Luồng. Trong quá trình vận chuyển, ông đã nâng tải trọng xe của mình từ 200 đến 280kg/chuyến. Chỉ trong 4 tháng ông đã vận chuyển được 12.000kg lương thực phục vụ chiến dịch. Nhưng điều đặc biệt của chiếc xe không dừng lại ở đó. Trong quá trình làm bánh xe, vì thiếu gỗ, tự tay ông đã dỡ bàn thờ tổ tiên của gia đình làm một phần bánh xe (1/3 bánh xe có sơn son thiếp vàng được làm từ gỗ của bàn thờ gia tiên nhà ông Trịnh Đình Bầm). Chúng ta đều biết, trong tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, bàn thờ tổ tiên là nơi quan trọng nhất, linh thiêng nhất, có thể nói là nơi “bất khả xâm phạm” vậy mà ông đã hy sinh cả bàn thờ tổ tiên vì độc lập tự do của Tổ quốc. Sau ngày Điện Biên Phủ toàn thắng, chiếc xe Cút Kít của ông Trịnh Đình Bầm được sưu tầm và trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong một lần tham quan, sau khi nghe thuyết minh về chiếc xe, một đoàn khách nước ngoài không khỏi ngạc nhiên và thán phục: “Một dân tộc dám hy sinh cả tín ngưỡng của mình để giành lấy độc lập tự do, thì dân tộc ấy tất sẽ giành thắng lợi”.
Trong 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến trường Điện Biên Phủ đã chứng kiến lòng quả cảm, tinh thần hy sinh xả thân vì nước của biết bao chiến sỹ. Những người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa đã phát huy truyền thống cha ông dũng cảm, kiên cường, thông minh sáng tạo trong chiến đâu và phục vụ chiến đấu, lập nên những chiến công hiển hách. Tiêu biểu là đồng chí Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo; nữ dân công Hà Thị Miên hy sinh trên đường vận tải từ Nà Nhạn vào trận địa Mường Phăng; ông Đào Văn Hiếu, xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn là một trong 5 chiến sỹ xông vào hầm bắt sống tưởng Đờ Cát Tơ Ri… Cùng với cả nước hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, dân công Thanh Hóa được Chính phủ và Bác Hồ tuyên dương khen thưởng sau khi kết thúc chiến dịch. Khẳng định vai trò to lớn của hậu phương Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhất là trong chiến dịch Điện Biên phủ, trong lần về thăm Thanh Hóa lần thứ hai năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Chiến thắng Điện Biên phủ là thắng lợi chung của toàn dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí một lòng, quyết chiến quyết thắng giặc Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào vì các thế hệ cha ông đã đóng góp một phần xương máu, tuổi trẻ của mình cho một Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Cùng với các hoạt động hướng về lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tập trung chỉnh lý, bổ sung tư liệu, hiện vật, xây dựng chương trình giáo dục “Hậu phương Thanh Hóa với chiến dịch Điện Biên phủ” phục vụ học sinh tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh. Góp phần nâng cao công tác giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, kiên cường của quân và dân ta cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trong cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng./.
Một số hình ảnh trưng bày và khách tham quan
Đoàn dân công xe đạp thồ Thanh Hóa phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ
Xe Cút Kít của ông Trịnh Đình Bầm chở 280kg/chuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bồ nan của nữ dân công Hà Thị Dón phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ
Kỷ vật của chiến sỹ Thanh Hóa sử dụng tại mặt trận Điện Biên Phủ
Học sinh, sinh viên chăm chú nghe thuyết minh về chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc
đạt kỷ lục 345,5kg/chuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Học sinh tham quan và chụp ảnh lưu niệm bên chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, trưng bày tại
Trung tâm Hội chợ Quảng cáo nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Lê Thị Hường
(Phòng Trưng bày – Tuyên truyền)