`

1413 người đang online

Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa và câu chuyên gợi nhớ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh

Đăng ngày 04 - 03 - 2024

Trong số hơn ba mươi nghìn hiện vật đang được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa có rất nhiều hiện vật tiêu biểu, đặc sắc, gắn với các câu chuyện kể,sự kiện, nhân vật, thời kỳ lịch sử. Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa cũng là một trong số những hiện vật như vậy.

Kiếm ngắn núi Nưa sưu tầm được dưới chân Núi Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá) năm 1961. Kiếm có hình dáng tương đôi nguyên vẹn (sứt nhỏ ở mũi), thuộc niên đại Văn hoá Đông Sơn muộn, cách ngày nay khoảng 2000 năm. Kiếm có kiểu chuôi và lưỡi hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã. Nét độc đáo thể hiện ở phần cán Kiếm với một khối tượng tròn thể hiện hình tượng người phụ nữ được đúc liền với lưỡi kiếm. Người phụ nữ có khuôn mặt trái xoan, tư thế đứng nhìn thẳng, hai tay khuỳnh chống nạnh đầy uy quyền, đầu vấn khăn hình chóp giống hình búp hoa sen, đeo đồ trang sức, mặc trang phục áo, váy trang trí hoa văn hình học mang đặc trưng của Văn hoá Đông Sơn (vạch ngắn song song, vòng tròn đồng tâm…). Nhìn tổng thể, hình dáng, trang phục của tượng người phụ nữ trên cán Kiếm ngắn Núi Nưa cho thấy: đây là tượng người phụ nữ có hình thể đẹp, vẻ đẹp quyền quý, phong thái đầy quyền uy và bản lĩnh.

Kiếm ngắn núi Nưa hội tụ đầy đủ các tiêu chí của một bảo vật quốc gia:

- Là hiện vật gốc độc bản, thuộc thời kỳ Văn hoá Đông Sơn, cho đến thời điểm hiện tại ở nước ta chưa phát hiện được chiếc kiếm ngắn nào đẹp và hoàn hảo như kiếm ngắn Núi Nưa.

- Là hiện vật có hình thức độc đáo, bởi theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu Kiếm ngắn Núi Nưa là kiếm ngắn đẹp nhất trong các kiếm ngắn có khối tượng người ở Việt Nam.

- Kiếm ngắn núi Nưa có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc nói chung và Thanh Hoá nói riêng những năm đầu thế kỷ III SCN, bởi hiện vật được phát hiện dưới chân Núi Nưa, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn - nơi từng là căn cứ cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

Triệu Thị Trinh (Bà Triệu, Triệu Trinh Nương, Triệu Ẩu) sinh ngày 02 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) tại miền núi Quan Yên (Quân Yên), quận Cửu Chân (nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Theo sử sách, Triệu Thị Trinh là một phụ nữ xinh đẹp, giỏi võ, có tướng mạo kỳ lạ, chí khí hơn người, bà nổi tiếng với câu nói: Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Vì căm thù giặc Ngô tàn bạo, Bà đã cùng anh là Triệu Quốc Đạt - một huyện lệnh có thế lực ở miền núi Quan Yên, thuộc quận Cửu Chân đứng lên tập hợp nghĩa sỹ, luyện tập võ nghệ, chuẩn bị khởi nghĩa đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn. Từ miền đất Quan Yên, Bà cùng nghĩa quân vượt sông Chu tiến về khu vực núi Nưa lập căn cứ, sau đó vượt sông Mã tiến ra Bồ Điền (nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc). Từ căn cứ Phú Điền - nghĩa quân nhanh chóng thu phục được các thành, ấp ở quận Cửu Chân và một số vùng của quận Giao Chỉ.

Cảm phục tinh thần yêu nước, khí phách của người nữ anh hùng, Nhân dân Cửu Chân (Thanh Hoá) nô nức gia nhập nghĩa quân. Cuộc khởi nghĩa do Bà Triệu/Triệu Thị Trinh lãnh đạo lan rộng, làm “Chấn động Giao Châu” lúc bấy giờ. Hoảng sợ trước thanh thế và sức mạnh của cuộc khởi nghĩa, quân Ngô phái tướng Lục Dận mang theo hơn tám nghìn quân tinh nhuệ kéo sang nước ta. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch và âm mưu kế hèn hạ của quân giặc, trong một trận quyết chiến, Bà Triệu đã tuẫn tiết ở núi Tùng, xã Phú Điền, huyện Hậu Lộc vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (năm 248). Mặc dù cuộc khởi nghĩa chưa giành thắng lợi nhưng tên tuổi của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh mãi mãi không phai mờ trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam.

Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa hiện đang được trưng bày trang trọng trên hệ thống trưng bày của Bảo tàng Thanh Hóa. Phải chăng, hình tượng Bà Triệu đã được người đương thời thể hiện thành hình tượng người phụ nữ trên Kiếm ngắn Núi Nưa? Phải chăng Kiếm ngắn Núi Nưa là chiếc kiếm lệnh mỗi khi Bà Triệu ra trận? Là hai trong số rất nhiều câu hỏi của khách tham quan, các nhà nghiên cứu khi chiêm ngưỡng, nghe giới thiệu về hiện vật. Những câu hỏi, câu trả lời dù chỉ là giả thuyết nhưng hình tượng người phụ nữ quyền uy trên cán Kiếm Núi Nưa luôn gợi cho hậu thế nhớ về Triệu Thị Trinh - một nữ anh hùng trong lịch sử dân tộc.

 
 
Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa và một số hình ảnh khách tham quan trưng bày,
nghe thuyết minh, giới thiệu về hiện vật.
Dương Thị Mỹ Dung (TP. Trưng bày – Tuyên truyền)

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Đa dạng hoạt động phát huy giá trị Di sản văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Thanh Hóa(14/08/2024 7:56 SA)

    Chiến thắng Lạch Trường góp phần đánh bại cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của không quân Hoa Kỳ(02/08/2024 8:34 SA)

    Bảo tàng Thanh Hóa hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”(16/05/2024 3:27 CH)

    Phát huy giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ qua tài liệu, hiện vật bảo...(22/04/2024 7:43 SA)

    Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa và câu chuyên gợi nhớ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh(04/03/2024 2:40 CH)

    <

    Tin liên quan

    Đa dạng hoạt động phát huy giá trị Di sản văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Thanh Hóa(14/08/2024 7:56 SA)

    Chiến thắng Lạch Trường góp phần đánh bại cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của không quân Hoa Kỳ(02/08/2024 8:34 SA)

    Bảo tàng Thanh Hóa hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”(16/05/2024 3:27 CH)

    Phát huy giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ qua tài liệu, hiện vật bảo...(22/04/2024 7:43 SA)

    Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá, góp phần phát...(27/12/2023 3:27 CH)

    Hiện vật tiêu biểu