Năm 1428, cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh kết thúc thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt mở ra một giai đoạn phát triển mới của chế độ quân chủ tập quyền trong lịch sử Việt Nam với vương triều Lê sơ (1428 - 1527).
Dưới thời Lê sơ, công cuộc canh tân đất nước được tiến hành mạnh mẽ, vua Lê Thái tổ tổ chức kiện toàn bộ máy, xây dựng hệ thống quan chế, cải cách pháp luật, khôi phục phát triển kinh tế, đặc biệt quan tâm mở rộng chế độ giáo dục khoa cử...
Thời Lê sơ luôn đề cao tư tưởng trọng nông, chú trọng khai hoang phục hóa, cải tạo sông ngòi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển với nhiều làng nghề nổi tiếng như: gốm Bát Tràng, (Hà Nội), gốm Chu Đậu (Hải Dương)... Những sản phẩn gốm thời Lê sơ, tiêu biểu là dòng gốm hoa lam được sản xuất nhiều với đa dạng kiểu dáng, loại hình, hoa văn phong phú, đặc sắc. Đặc biệt, việc phát hiện và khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đã phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu và cho chúng ta thấy bức tranh rực rỡ về xuất khẩu, giao thương với nước ngoài của Việt Nam thế kỷ XV.
Sau khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, vùng đất Lam Sơn được gọi là Tây Kinh (Lam Kinh). Lam Kinh trở thành một vùng đất rất quan trọng, quê hương thứ hai của triều Lê. Năm 1433, vua Lê Thái Tổ băng hà được đưa về Lam Sơn, an táng tại Vĩnh Lăng. Từ đây các điện miếu bắt đầu được xây dựng, điện Lam Kinh được mở rộng trở thành một công trình kiến trúc, điêu khắc kỳ vĩ, khu "sơn lăng cấm địa", nơi an táng các vị vua và hoàng hậu nhà Lê. Trải qua thời gian, các công trình điện miếu ở Lam Kinh dù bị phá hủy nhiều nhưng đã dần được trùng tu, tôn tạo. Lam Kinh ngày nay không chỉ minh chứng cho một giai đoạn phát triển của thời Hậu Lê mà còn là nơi lưu giữ những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu như: lễ hội Lam Kinh, trò diễn Xuân Phả...
Tại hệ thống trưng bày của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, số lượng hiện vật thời Lê sơ được trưng bày rất phong phú và đa dạng. Đặc biệt là sưu tập hiện vật gốm hoa lam với chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt: Âu, ang, ấm, bình, hũ, bát, đĩa, chân đèn, tượng người... trang trí các đồ án hoa văn: hình rồng, chim phượng, hoa, lá...
Đĩa, bát, tước, ấm kendy, bình, tượng người gốm hoa lam, thời Lê sơ, thế kỷ XV. Sưu tầm tại Thanh Hóa, hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đồ gốm, Bảo tàng lựa chọn trưng bày các hiện vật, sưu tập hiện vật tiêu biểu như: Sưu tập vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, đầu rồng bậc thềm, tượng voi, ngựa, tê giác, nghê đá sưu tầm và khai quật tại di tích Lam Kinh, sưu tập vũ khí, nhạc khí ...
Gạch trang trí, gạch lát nền, đất nung, thời Lê Sơ, thế kỷ XV. Khai quật tại Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh,
thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, năm 2000.
Tượng voi, tê giác, đá. Sưu tầm tại Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân.
Cùng với trưng bày tại chỗ, Bảo tàng tổ chức trưng bày lưu động “Một số hình ảnh Anh hùng dân tộc Lê Lợi với khởi nghĩa Lam Sơn”, chương trình giáo dục lịch sử “Âm vang hào khí Lam Sơn” cho học sinh các trường trong tỉnh.
Khách tham quan phần trưng bày hiện vật thời Lê sơ tại phòng “Thanh Hóa từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”.
Trưng bày “Một số hình ảnh Anh hùng dân tộc Lê Lợi với khởi nghĩa Lam Sơn”
và chương trình giáo dục lịch sử “Âm vang hào khí Lam Sơn” tổ chức tại Bảo tàng và huyện Ngọc Lặc.
Thông qua những tài liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày, công chúng có cơ hội được tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, về những thành tựu rực rỡ của quốc gia Đại Việt thời Lê sơ. Việc phát huy hiệu quả những giá trị ẩn chứa bên trong mỗi hiện vật thời Lê sơ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
(Dương Thị Mỹ Dung, Phòng Trưng bày – tuyên truyền)