Sau Hội nghị Đại biểu phản đế cứu quốc toàn tỉnh tại Xá Lễ (Thiệu Hóa - nay thuộc Thọ Xuân), đầu tháng 6/1941 Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã chọn Ngọc Trạo của huyện Thạch Thành làm điểm xây dựng chiến khu cách mạng. Đêm 19/9/1941 tại Hang Treo, dưới ánh đuốc bập bùng và lá cờ Đảng trang nghiêm, đội du kích Ngọc Trạo - tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Thanh Hóa chính thức thành lập gồm 21 đội viên. Toàn đội đã thề dưới cờ Đảng “nguyện chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”.
Sự ra đời của Đội du kích Ngọc Trạo đánh dấu bước phát triển của lực lượng vũ trang Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thời gian đầu khi mới thành lập, đội du kích đóng ở Hang Treo. Về sau khi lực lượng phát triển đông, ban lãnh đạo quyết định chuyển về Ma Màu (cách Ngọc Trạo 3 km). Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, đội du kích lại chuyển về làng Ngọc Trạo để tránh sự dò la của địch và nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng, tăng cường luyện tập quân sự và phổ biến, học tập chính trị cho các chiến sĩ.
Sau một thời gian lùng sục, “đánh hơi” biết chính xác địa điểm đóng quân của đội du kích, địch huy động khẩn cấp một lực lượng lớn mật thám, lính khố xanh và lính Âu Phi đến bủa vây Ngọc Trạo và các vùng lân cận. Ngày 7/10/1941, quân địch bí mật bao vây căn cứ Đa Ngọc (Yên Định) nơi tập kết hơn 100 chiến sĩ tự vệ của ta từ các huyện Yên Định, Thọ xuân, Thiệu Hóa về bổ sung cho Chiến khu. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đức Tẻo, lực lượng vũ trang quyết liệt đánh trả địch. Đồng chí Nguyễn Đức Tẻo đã anh dũng hy sinh. Đêm 18, rạng sáng ngày 19/10/1941, quân địch tập trung 500 lính và hàng ngàn tuần đinh mở chiến dịch bao vây, càn quét, hòng xóa sổ chiến khu Ngọc Trạo. Cuộc chiến đấu giáp lá cà diễn ra quyết liệt. Các chiến sĩ du kích luôn bám sát trận địa, chọc thẳng vòng vây quân thù, dũng cảm chống trả nhiều đợt tấn công của địch. Trong trận đánh ngày 19/10/1941, 3 đồng chí chiến sỹ: Phạm Văn Hinh, Đỗ Văn Tước, Hoàng Văn Môn đã anh dũng hy sinh. Để bảo toàn lực lượng, ban chỉ huy đã quyết định toàn đội du kích bí mật tập kết tại đình làng Cẩm Bào- Xuân Áng (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) trong sự đùm bọc, chở che của Nhân dân.
Đêm 25/10/1941, Ban chỉ huy chiến khu quyết định phân tán lực lượng về các địa phương dựa vào Nhân dân tiếp tục đấu tranh.
Mặc dù đội du kích Ngọc Trạo ra đời và hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng đó là tiếng súng báo trước một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân tất yếu sẽ diễn ra trên địa bàn Thanh Hóa; Để lại những bài học thành công cũng như hạn chế trong việc xây dựng chiến khu, về xây dựng lực lượng vũ trang tập trung chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng 8 năm 1945.
Phát huy giá trị lịch sử Chiến khu Ngọc Trạo, tại phòng trưng bày “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa, giai đoạn 1858 - 1945”, Bảo tàng tỉnh giới thiệu những hiện vật, hình ảnh lịch sử gắn liền với những con người làm nên lịch sử ở Chiến khu Ngọc Trạo. Không gian trưng bày đã gây xúc động mạnh mẽ tới đông đảo công chúng. Tôi vẫn nhớ lần hướng dẫn đoàn “Người có công” của huyện Thạch Thành, khi giới thiệu đến phần trưng bày về Chiến khu Ngọc Trạo, về những hiện vật đã từng gắn bó với các chiến sĩ ở chiến khu năm xưa: chiếc la bàn, tù và, nồi đồng, cuốn sổ tay ghi chép, sưu tập vũ khí chiến đấu thô sơ…, đặc biệt hình ảnh Đình làng Ngọc Trạo còn hằn vết đạn quân thù, hình ảnh đồng chí Phạm Văn Hinh bị thực dân Pháp khai quật mộ sau ba ngày chôn cất… cả đoàn khách gương mặt ai nấy đều chùng xuống lặng yên, rồi tôi nghe những tiếng nấc bật lên, hòa chung cảm xúc đó, nước mắt tôi bỗng trào ra nghẹn ngào xúc động… Có lẽ chỉ có tình yêu quê hương, đất nước, sự biết ơn vô hạn đối với sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ cách mạng, khi ấy con người ta mới có được những cảm xúc mạnh mẽ đến như thế.
Đã 80 năm trôi qua nhưng dấu ấn của Chiến khu Ngọc Trạo - Căn cứ địa cách mạng của tỉnh Thanh Hóa thời kỳ tiền khởi nghĩa vẫn còn đọng sâu trong trí nhớ người già và in đậm trên trang sách các em thơ. Những hiện vật trưng bày về Chiến khu Ngọc Trạo tuy đơn sơ nhưng đó là những vật chứng cụ thể nhất, xác thực nhất, minh chứng hùng hồn nhất cho cả một quá trình từ thành lập chiến khu đến hoạt động chiến đấu của Đội quân du kích; Là giáo cụ trực quan sinh động, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.
Nhà ông Trương Hữu Luyện (thôn Phúc Tỉnh, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định) - nơi Tỉnh Ủy Thanh Hóa tổ chức
Hội nghị mở rộng bàn phương án chuẩn bị thành lập chiến khu Ngọc Trạo, tháng 6/1941.
Đình làng Ngọc Trạo (xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành) - nơi diễn ra trận chiến đấu quyết liệt
giữa Đội du lích Ngọc Trạo với thực dân Pháp, đêm 18 rạng sáng ngày 19/10/1941.
Kiếm của đồng chí Nguyễn Đức Tẻo, thôn An Lạc, xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân dùng chỉ huy Đội tự vệ thôn Đa Ngọc tấn công sở chỉ huy địch, ngày 7/10/1941.
Sưu tập vũ khí tự tạo của Đội du kích Ngọc Trạo, năm 1941
Hồi ký về Chiến khu Ngọc Trạo của chiến sĩ du kích Đường Văn Tuân (làng Đắc Thắng, xã Hà Lâm, huyện Hà Trung).
Đoàn khách “Người có công” và các em học sinh tham quan phần trưng bày Chiến khu Ngọc Trạo.
Lê Thị Hường
(Phòng Trưng bày – Tuyên truyền)