Thanh Hóa không những là miền đất cổ mà còn là quý hương của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, đồng thời cũng là một miền quê sản sinh ra nhiều bậc anh hùng dân tộc kiệt xuất trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây là điều kiện khách quan cơ bản tạo thuận lợi cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa có được nhiều sưu tập hiện vật có giá trị, minh chứng hùng hồn cho những trang sử vàng son chói lọi trong suốt quá trình lịch sử văn hóa lâu đời của đất nước Việt Nam nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Từ khi ra đời và quá trình phát triển đến nay nhà Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa phải trải qua một chặng đường gặp nhiều thăng trầm biến cố.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ, sự chỉ đạo sát sao về chuyên môn của Bộ Văn hóa thông tin; Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã sớm được thành lập và phát triển vững chắc đúng hướng. Nhiều lớp cán bộ chuyên môn công tác tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đều được đào tạo theo chuyên ngành, họ đã chuyên tâm nỗ lực phấn đấu thực hiện những nhiệm vụ cụ thể được quy định trong chức năng.
Đến nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã trở thành một bảo tàng có tầm cỡ trong hệ thống 120 bảo tàng toàn quốc. Những quy chuẩn cơ bản cần thiết đối với bảo tàng công lập do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đều đạt quy chuẩn ở mức cao. Trong đó bao gồm: đội ngũ cán bộ nghiệp vụ chuyên môn, diện tích không gian kho lưu trữ bảo quản, số lượng hiện vật và hồ sơ lưu trữ bảo quản hiện vật, phương tiện trang thiết bị bảo quản hiện vật, diện tích trưng bày giới thiệu phục vụ tham quan v.v...
Điểm phong phú nhất nổi trội nhất và hấp dẫn nhất đó là số lượng hiện vật vừa phong phú nhiều chủng loại lại vừa có giá trị quý hiếm. Nhiều sưu tập hiện vật thời tiền sử và sơ sử có sức cuốn hút mạnh mẽ gây được cảm xúc thật sự đối với người xem. Hàng loạt rìu đá và mảnh tước khai quật được trong di chỉ khảo cổ núi Đọ (nay thuộc thành phố Thanh Hóa và huyện Thiệu Hóa) và núi Quan Yên thuộc huyện Yên Định gây được cảm hứng mạnh mẽ, thỏa mãn những nhu cầu ham hiểu biết của đông đảo khách tham quan.
Số hiện vật thuộc thời đại đồ đá giữa ở Thanh Hóa cũng rất phong phú, hấp dẫn như loại rìu bằng đá cuội, công cụ được ghè đẽo rộng lên cả mặt viên cuội, một mặt giữ nguyên cả vỏ cuội giúp người xem thích thú hiểu biết được sự tiến bộ của người tối cổ trong quá trình tiến hóa.
Sưu tập rìu đá đã được mài nhẵn và gốm đất nung khai quật ở hai di chỉ khảo cổ thuộc thời đại đồ đá mới là di chỉ Cồn Hến Đa Bút thuộc huyện Vĩnh Lộc và Cồn Cổ Ngựa thuộc huyện Hà Trung. Đây là những hiện vật đặc trưng tiêu biểu của thời đồ đá mới ở Việt Nam, nhất là hiện vật gốm Đa Bút, các nhà nghiên cứu khảo cổ học trong cả nước đã thống nhất nhận định Đa Bút là một trong những trung tâm sản xuất gốm thời đại đá mới ở Việt Nam (sơ kỳ đá mới).
Tiến tới thời đại Kim khí, thời đại Văn hóa Đông Sơn thống nhất ở vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ qua hàng loạt những sưu tập hiện vật khai quật được ở nhiều di chỉ khảo cổ như: Cồn Chân Tiên thuộc huyện Thiệu Hóa, Hoa Lộc thuộc huyện Hậu Lộc, Bái Man thuộc huyện Đông Sơn, Quỳ Chử thuộc huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn thuộc thành phố Thanh Hóa... Những sưu tập hiện vật tiêu biểu gồm: cuốc, vòng, giáo, dao, rìu xòe cân, gốm, cục gỉ đồng, trống đồng v.v...
Qua hàng loạt những sưu tập hiện vật quý hiếm trên, đã cung cấp cho người xem nhiều lượng thông tin đáng tin cậy, phản ánh khá đầy đủ về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời đại văn hoá Đông Sơn.
Những cục xỉ đồng khai quật được ở di chỉ Hoa Lộc và di chỉ Cồn Chân Tiên cho thấy cư dân vùng châu thổ sông Mã đã biết kỹ thuật luyện kim (hợp kim đồng thau). Kỹ thuật chế tác công cụ, vũ khí và đồ trang sức bằng đồng đã phát triển đến trình độ cao.
Một điều rất thú vị là di chỉ khảo cổ Đông Sơn bên bờ sông Mã đã được nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học thế giới và trong nước tiến hành nghiên cứu và đã đạt được những thành tựu đáng kể về mặt khoa học. Từ năm 1924 trường Viễn Đông Bác Cổ đã cho tiến hành nhiều đợt khai quật gây sự chú ý mạnh mẽ đến giới nghiên cứu khảo cổ học trên thế giới. Khoảng 10 năm sau đó nhà nhân học người Áo là Rvontleine-Geldem đã đề xuất tên gọi văn hóa Đông Sơn sớm để chỉ một nền văn hóa thuộc giai đoạn phát triển của thời đại Đồng thau ở khu vực Đông Nam Á.
Như vậy, địa danh Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã trở thành một thuật ngữ khoa học tiêu biểu cho cả một nền văn hóa phát triển của thời đại đồng thau, trên một vùng rộng lớn khắp khu vực Đông Nam Á.
Phần trưng bày Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa thể hiện được phong cách sinh động gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với phần lớn khách tham quan.
Hàng nghìn hiện vật thời đại Kim Khí ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, trong đó bao gồm: lưỡi cày cánh bướm, rìu lưỡi xéo, thạp, thố, kiếm, dao găm, mũi tên, chì lưới, lưỡi câu, trống đồng... đều có giá trị quý hiếm, thể hiện tính nghệ thuật chế tác và trang trí sinh động, độc đáo của cư dân thời đại các Vua Hùng dựng nước.
Điều đặc biệt mà các Bảo tàng địa phương khác không thể có được, đó là những sưu tập trống đồng Đông Sơn. Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá đã có được 131 chiếc Trống Đồng. Theo sự phân loại thì Trống Đồng loại I Heger chiếm một tỷ lệ khá lớn. Phòng trưng bày thời đại kim khí chỉ trưng bày những hiện vật tiêu biểu điển hình nhưng đã khái quát được nền tảng kinh tế, văn hoá, xã hội của nhà nước Văn Lang, thời các Vua Hùng dựng nước và giữ nước. Phần lớn khách tham quan đều thể hiện niềm vui phấn khởi và biểu lộ tình cảm sâu sắc đối với Bảo tàng Thanh Hoá.
Thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ thứ XIX. Thanh Hoá là một miền đất cổ, có hình thế núi sông hùng vỹ, đồng bằng phì nhiêu. Trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc kiệt xuất, nhiều sự kiện lịch sử lớn của cả dân tộc phát sinh từ địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Từ năm 248 SCN, Bà Triệu đã dấy binh khởi nghĩa đánh quân xâm lược nhà Ngô, thanh thế nghĩa quân vang dội. Đây là đỉnh cao của phong trào đấu tranh giải phóng ở thế kỷ II.
Năm 931, Dương Đình Nghệ người làng Giàng, Thanh Hoá tự xưng là Tiết Độ Sứ cai quản đất nước Việt Nam. Ông đã nuôi 3.000 nghĩa sĩ chuẩn bị lực lượng đánh quân xâm lược nhà Hán.
Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, người làng Trung Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, sau khi dẹp quân Tống xâm lược ở phương Bắc và bình định quân Chiêm Thành ở phía Nam, năm 980 lên ngôi Vua, xây dựng đất nước trở nên hùng mạnh lúc bấy giờ.
Anh hùng dân tộc Lê Lợi, người làng Cham, thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá đã tổ chức và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hiển hách chiến công đánh tan quân xâm lược nhà Minh, giành lại độc lập dân tộc. Năm 1428, lên ngôi Hoàng Đế, sáng lập ra Vương triều Lê Sơ.
Còn hàng loạt các sự kiện lịch sử lớn lao phát sinh như sự ra đời của Vương triều Lê Trịnh (Lê Trung Hưng); Vương triều nhà Nguyễn... đều từ tỉnh Thanh Hoá. Do nhiều sự kiện lịch sử lớn lao của đất nước và những nhân tài lần lượt xuất hiện trên đất Thanh Hoá đã để lại nhiều tài liệu, hiện vật lịch sử, văn hoá. Chính vì vậy mà Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm được một số lượng lớn những sưu tập hiện vật quý hiếm, phong phú, đa dạng, hàm chứa những tinh hoa văn hoá Việt, phản ánh một cách đầy đủ truyền thống hào hùng, rực rỡ của tổ tiên đã đổ bao xương máu chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang. Xây dựng một nhà nước độc lập, tự chủ, có tổ chức nhà nước chặt chẽ, một cộng đồng dân tộc cố kết bền chặt, có sức sống mãnh liệt.
Đặc trưng của nhiều bộ sưu tập hiện vật thời kỳ này của Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá là số lượng nhiều và đủ của các chủng loại, phản ánh mọi mặt hoạt động về kinh tế, văn hoá, xã hội ở từng thời kỳ lịch sử. Hiện vật, tài liệu gắn liền với những sự kiện lịch sử và đời sống xã hội; kiểu dáng, kích cỡ và kỹ thuật chế tác mang tính thẩm mỹ cao, giúp người xem có ấn tượng sâu sắc. Nhiều hiện vật điển hình tiêu biểu phán ánh rõ nội dung sự kiện gây được cảm hứng thích thú cho người xem. Giai đoạn từ 1945 đến nay là thời kỳ cách mạng yêu nước, đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng đất nước.
Thời kỳ này, tỉnh Thanh Hoá luôn phát huy được truyền thống cách mạng, yêu nước, có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân trong cả nước. Trong cuộc khánh chiến chống Pháp, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hoá đã dốc toàn lực sức người, sức của cho hậu phương và tiền tuyến, lập nên chiến công đại thắng cho cả nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Thanh Hoá đã toàn tâm, toàn ý lập được những chiến công vang dội, đỉnh cao là chiến thắng Hàm Rồng lịch sử. Chỉ trong hai ngày, 3 và 4/4/1965, Mỹ đã huy động 454 lượt máy bay ném hàng nghìn tấn bom xuống khu vực Hàm Rồng, ngay ngày đầu tiên quân dân Hàm Rồng, Thanh Hoá đã bắn rơi 17 máy bay hiện đại của Mỹ. Đến ngày thứ 2, bắn rơi tiếp 30 máy bay, tổng cộng trong hai ngày 03 và 04/4/1965 quân dân Hàm Rồng, Thanh Hoá đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ. Cây cầu trên con đường huyết mạch Bắc Nam vẫn ngạo nghễ hiên ngang. Chiến thắng Hàm Rồng đã làm chấn động cả thế giới, làm nhụt ý chí ném bom phá hoại miền bắc Việt Nam của đế quốc Mỹ. Những hiện vật và tài liệu trong thời kỳ này sưu tầm được của Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá có thể nói là vô cùng phong phú, phòng trưng bày giới thiệu có sức hút mạnh mẽ đối với người xem.
Với kho tàng hiện vật lịch sử, văn hoá của Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá có thể tái hiện được một cách sinh động nội dung lịch sử của tỉnh Thanh Hoá kể từ thời tiền sử đến đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước. Vì vậy, Bảo tàng nên trưng bày thành bốn phòng lớn theo trình tự lịch sử từ khi xuất hiện con người tối cổ trên đất Thanh Hoá đến đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước theo thứ tự sau:
1. Phòng trưng bày thời đại đồ đá trên đất Thanh Hoá;
2. Thời đại kim khí văn hoá Đông Sơn trên đất Thanh Hoá;
3. Phòng trưng bày thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ thứ XIX trên đất Thanh Hoá;
4. Phòng trưng bày giai đoạn từ 1945 đến đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước trên đất Thanh Hoá.
Ngoài ra, còn để 01 phòng trưng bày chuyên đề để đáp ứng nhu cầu cần thiết.
Để phát huy tác dụng của những giá trị giáo dục, học tập, nghiên cứu và thoả mãn những nhu cầu của khách tham quan, Bảo tàng cần chủ động giao tiếp rộng rãi với nhiều cơ quan, đoàn thể và trường học để tuyên truyền giới thiệu về nội dung khoa học, ý nghĩa thiết thực của tinh hoa, di sản văn hoá, gây được sự yêu thích tham quan, học tập tại Bảo tàng đối với đông đảo quần chúng nhân dân. Với tầm cỡ của Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá hiện nay, có đội ngũ cán bộ chuyên môn được đào tạo chuyên sâu và đã trải qua công tác thực tế nhiều năm; có một số lượng lớn trên 28.000 đơn vị hiện vật có giá trị; có diện tích không gian trưng bày, giới thiệu; có được sự quan tâm của Đảng và chính quyền cấp tỉnh, và sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sự chỉ đạo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, chắc chắn Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá trên cơ sở vốn có lâu nay sẽ vươn lên một bước lớn, trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo khách tham quan trong tỉnh, trong cả nước và bạn bè quốc tế.
Trịnh Ngữ - Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa (1983 – 1994)