Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp văn hóa thuộc loại hình bảo tàng tổng hợp (khảo cứu địa phương), có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày giới thiệu các tư liệu hình ảnh và hiện vật, các sưu tập hiện vật về lịch sử tự nhiên, xã hội, văn hóa của con người xứ Thanh qua các thời kỳ lịch sử tới quần chúng nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
Các nhà bảo tàng học thế giới cũng như giới bảo tàng Việt Nam quan niệm: trưng bày bảo tàng cơ bản bao gồm trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động…
Thực hiện chức năng trưng bày tuyên truyền, từ khi thành lập Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày cố định, trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động nhằm thu hút ngày càng nhiều khách đến tham quan bảo tàng. Chỉ tính riêng trưng bày chuyên đề, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các bảo tàng như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với chủ đề “Văn hóa Đông Sơn - rực rỡ một nền văn minh Việt cổ”, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề “Thanh Hóa với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam với chủ đề “Những giá trị đặc trưng văn hoá Thanh Hoá - Quảng Nam”… trưng bày, giới thiệu những tài liệu, hiện vật tiêu biểu, độc đáo, quý hiếm gắn liền với sự hình thành và phát triển của đất và người xứ Thanh tới đông đảo người xem. Qua mỗi cuộc trưng bày đã thu hút được hàng vạn lượt khách đến tham quan và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Cũng từ nhiều năm nay, tại Bảo tàng các cuộc trưng bày chuyên đề lần lượt được ra đời như: “Bác Hồ với Thanh Hoá - Thanh Hoá làm theo lời Bác” năm 1997; “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường” năm 2000; “Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái” năm 2001; “Trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa” năm 2003; “Văn hóa Đông Sơn và cổ vật Thanh Hóa” năm 2004; “Sưu tập Ấm của nhà sưu tầm Lê Hạc” năm 2007; “Đông Sơn tiếng vọng ngàn đời” năm 2009; “Cổ vật kỷ nguyên Đại Việt trên đất Thanh Hoá” năm 2010… Các phòng trưng bày ra đời không ngoài mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn và phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu các giá trị di sản văn hóa của công chúng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy thực trạng về công tác trưng bày chuyên đề ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa còn tồn tại nhiều bất cập.
Thứ nhất, tên các cuộc trưng bày bị khô cứng kém hấp dẫn;
Thứ hai, nội dung các phòng trưng bày đang dàn dựng theo lối trưng bày cổ điển, hiện vật trưng bày mang tính sắp đặt nhiều hơn là trưng bày mang tính nghệ thuật, chưa có giải pháp hữu hiệu tôn những hiện vật gốc tiêu biểu, quý hiếm (trong đó có Bảo vật Quốc gia);
Thứ ba, thiếu hình tượng nghệ thuật bổ trợ cho nội dung trưng bày cần phản ánh.
Ngoài ra, chủ đề trưng bày ít có sự thay đổi, thời gian tồn tại cho một chuyên đề trưng bày quá dài (có những chuyên đề duy trì gần 20 năm), bảo tàng cũng chưa có sự đầu tư thay đổi toàn diện cả về nội dung và hình thức mà đơn thuần chỉ thay đổi về địa điểm trưng bày… điều đó làm giảm sự hứng thú và dễ khiến khách tham quan cảm thấy nhàm chán mỗi khi đến bảo tàng.
Hiện nay, việc tạo ra các sản phẩm có ngôn ngữ riêng, độc đáo, khác biệt so với những sản phẩm văn hóa khác, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách tham quan luôn là vấn đề quan tâm trăn trở của ban lãnh đạo, các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Chúng ta đều biết, đổi mới hoạt động trưng bày tuyên truyền, trong đó thường xuyên đổi mới về chuyên đề chính là làm mới nội dung hoạt động của bảo tàng, đem đến cho công chúng những hiểu biết, khám phá mới như những món ăn tinh thần hấp dẫn. Đây cũng là một tất yếu khách quan khi mà các hoạt động về kinh tế, xã hội nói chung đã bước sang một giai đoạn phát triển vượt bậc. Đổi mới hoạt động trưng bày tuyên truyền cũng có nghĩa là đổi mới từng bước các khâu công tác bảo tàng từ nghiên cứu, sưu tầm đến thể hiện nội dung trưng bày nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan. Mặt khác, đổi mới hoạt động trong trưng bày tuyên truyền cũng đặt ra yêu cầu phải nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ bảo tàng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trên cơ sở thực trạng công tác trưng bày chuyên đề của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, vấn đề đặt ra cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc về nội dung chi tiết và tư tưởng chủ đạo của từng chuyên đề; kết hợp giải pháp mỹ, kỹ thuật phù hợp với từng chủ đề trưng bày; xây dựng hình tượng nghệ thuật bổ trợ cho nội dung trưng bày; đặc biệt có sự đầu tư về tủ bục, ánh sáng; thể hiện dàn dựng tài liệu hiện vật một cách khoa học, khéo léo, công phu, tạo điểm nhấn và tôn những hiện vật độc đáo, quý hiếm có giá trị cao để trưng bày chuyên đề thu hút được sự quan tâm, cổ vũ của công chúng.
Sự phối kết hợp giữa công tác kiểm kê rà soát hiện vật tại kho cơ sở và công tác nghiên cứu sưu tầm bổ sung tài liệu hiện vật là khâu hết sức quan trọng. Công tác này cần phải tiến hành thường xuyên nhằm xây dựng các sưu tập hiện vật đa dạng về loại hình, đầy đủ về chất liệu (cổ vật qua các thời kỳ); các sưu tập về danh nhân, danh sĩ Thanh Hóa; sưu tập báo chí tuyên truyền cách mạng; sưu tập Huân huy chương, huy hiệu, sưu tập kỷ vật của các anh hùng, liệt sĩ trong chiến đấu và lao động; sưu tập tài liệu hiện vật Bác Hồ với Thanh Hóa… làm tốt công tác này chúng ta mới dễ dàng chọn đề tài, sử dụng hiện vật phục vụ trưng bày chuyên đề và từ đó trưng bày chuyên đề mới đem lại hiệu quả thiết thực.
Một vấn đề nữa mà chúng ta không thể không đề cập đến đó là cần phải đa dạng hóa, mở rộng quy mô hoạt động của bảo tàng; mở rộng sự giao lưu, liên kết; tổ chức trưng bày lưu động; phối hợp giữa các bảo tàng nhằm khai thác thế mạnh, tạo sự hấp dẫn đối với người xem. Và cuối cùng, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, vì đây chính là khâu cuối cùng - đầu ra của bảo tàng. Muốn làm tốt được công việc này thì đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chuyên môn nghiệp vụ phải có tay nghề, năng lực và tâm huyết, tự giác nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo tích lũy kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới.
Để góp phần đưa sự nghiệp bảo tàng ngày càng phát triển, ngoài việc làm tốt công tác trưng bày tuyên truyền nói chung thì Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá phải thường xuyên đổi mới trưng bày chuyên đề, vì trưng bày chuyên đề đóng một vai trò hết sức quan trọng, đây sẽ là một giải pháp hiệu quả thu hút ngày càng đông khách tham quan đến với bảo tàng.
Lê Thị Hường
(Phòng Trưng bày - Tuyên truyền)
Nguồn:
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.