`

1423 người đang online

Sưu tập ấm gốm lưu giữ và trưng bày phát huy giá trị tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Đăng ngày 23 - 03 - 2020

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang lưu giữ khoảng 10.000 hiện vật chất liệu gốm gồm các loại hình: vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, đồ gia dụng... trong đó có 37 ấm gốm thuộc loại hình đồ gia dụng với nhiều kiểu dáng phong phú, đa dạng.

Theo Từ điển tiếng Việt, ấm là đồ dùng bằng đất nung hoặc kim loại, có vòi, dùng để đựng nước uống hoặc để đun nước, sắc thuốc. Trước hết nói về công dụng và giá trị của ấm, có thể nói trong các loại đồ dùng sinh hoạt, ấm là đồ gia dụng ra đời sớm, gắn bó mật thiết, phục vụ nhu cầu hàng ngày của con người. Tuy nhiên, với một số kiểu dáng ấm còn thể hiện địa vị xã hội của người sử dụng. Nhiều vương triều phong kiến xưa sử dụng những chiếc ấm tương xứng với triều đại, địa vị của gia tộc mình. Những chiếc ấm cổ có giá trị được các bảo tàng sưu tầm lưu giữ, các nhà sưu tập cổ vật trong và ngoài nước ưa chuộng thu thập. Hầu hết, ấm và các sản phẩm đồ gốm được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ làm gốm qua nhiều thế hệ. Việc chế tạo một chiếc ấm trải qua thời gian đã được thử thách, tích lũy kinh nghiệm, kế thừa kỹ thuật từ luyện đất đến xây lò, nung đất. Chúng ta nhận thấy, sản phẩm gốm nói chung, ấm gốm nói riêng ngày càng mới mẻ về hình dáng lẫn chất liệu.

Về kỹ thuật chế tác, đồ gốm buổi đầu được nặn bằng tay khá thô hoặc làm bằng tay theo kiểu giải cuộn. Trải qua thời gian, đến hậu kỳ thời đại đá mới, cách ngày nay khoảng 6000 - 5000 năm, người thợ gốm mới biết đến sản xuất gốm bằng phương pháp bàn xoay. Người thợ gốm không những sử dụng bàn xoay trong khâu tạo hình, mà còn sử dụng trong khâu tu sửa phôi gốm và khắc vạch hoa văn, nhất là các đường chỉ chìm huyền văn, hoặc phân chia các vành hoa văn. Những chiếc ấm có men chứng tỏ sự sáng tạo sử dụng công nghệ sản xuất gốm men, vừa khắc phục được các nhược điểm của đồ gốm là tính thấm nước và tạp chất bẩn, vừa thay đổi hình thức của những chiếc ấm, đề cao được giá trị thực dụng của đồ gốm. Đây là một bước tiến có tính nhảy vọt trong công nghệ sản xuất gốm của con người, tạo tiền đề cho sự phát minh ra đồ sứ.

Về kích thước, hình dáng ấm qua các giai đoạn lịch sử có sự thay đổi muôn hình vạn trạng. Hầu như trong lĩnh vực tạo hình, ấm gốm đã được chế tạo đa dạng hơn hẳn các loại đồ gia dụng khác. Những đời sau, thay vì phá cách, người nghệ nhân chỉ thêm các hoa văn, chữ viết hay điêu khắc cho lạ kiểu. Đến giai đoạn gần đây, hình dáng của ấm lại càng đa dạng. Về kích thước ấm, có ấm rất bé dùng để trang trí, thờ cúng và cũng có loại ấm có kích thước lớn tùy vào công năng sử dụng (đựng nước, rót rượu, pha trà...).

Cách thức trang trí và điêu khắc trên thân ấm, nắp ấm, tay cầm cũng là cách để gửi gắm ước vọng, trình độ của người nghệ nhân. Người nghệ nhân xưa tự tay mình đề thơ hay vẽ hình trước khi cho vào lò nung. Còn ngày nay, ấm được sản xuất với số lượng lớn, dường như chỉ những ấm nặn tay hay điêu khắc, chữ viết, nhìn vào thư pháp hay nội dung có thể đánh giá phần nào trình độ và phong thái của người nghệ nhân làm ấm.

Sưu tập ấm gốm tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được sưu tầm về từ nhiều nguồn, trong nhiều năm, do các nhà sưu tầm tư nhân nhượng lại, được hiến tặng và được mua từ kinh phí Đề án “Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2010 - 2020”. Niên đại của ấm trong bộ sưu tập trải dài từ thời kỳ Văn hóa Đông Sơn đến thời kỳ Bắc thuộc, thời Lý - Trần, thời Lê, Nguyễn và thời kỳ hiện đại theo bảng thống kê sau:

 

 
Đến thời kỳ Bắc thuộc, những người thợ làm gốm đã biết tiếp thu những tinh hoa văn hóa kết hợp với văn hóa truyền thống, kỹ thuật làm gốm cũng đã có sự tiến bộ. Về chất liệu, ngoài gốm đất nung có truyền thống từ trước nhưng được trang trí đơn giản hơn, đã có sản phẩm gốm được nung ở nhiệt độ cao thành sành nâu, hoa văn chủ yếu là văn khắc vạch, văn chải, ô trám... xuất hiện trên cả ấm gốm. Thời kỳ này, trên những chiếc ấm gốm đã có sự trang trí, đặc biệt vượt qua cả công năng sử dụng, những chiếc ấm gốm còn mang tính nghệ thuật như những chiếc ấm cao chân (S: 2623, S: 3460) vòi trang trí hình đầu gà, đầu voi, có cán cầm thể hiện tính thẩm mỹ cao, đó là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa mới và văn hóa bản địa.Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cho chúng ta thấy, để sản xuất những chiếc ấm cũng như sản phẩm đồ gốm phải trải qua một giai đoạn quá độ từ chưa nung hoặc nung với nhiệt độ từ 750 đến gần 10000C thì sản phẩm mới không ngấm nước. Thời Tiền sơ sử, chất liệu gốm đất nung thường thô, có pha lẫn cát hoặc bã động vật, phần lớn được nặn bằng tay. Phòng trưng bày “Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử” hiện đang giới thiệu 1 chiếc ấm gốm thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay 2500 - 2000 năm. Đó là chiếc ấm hình con vịt (S: 126), vòi có lỗ thủng, đáy lõm, xung quanh thành có các lỗ châm kim, từ chất liệu đến kỹ thuật còn thô sơ nhưng đã thể hiện được phần nào tính nghệ thuật trong đồ gốm của cư dân Văn hóa Đông Sơn thời bấy giờ.Thời Lê nổi tiếng với sản phẩm gốm hoa lam và đặc biệt là dòng gốm Chu Đậu (Hải Dương) với những mặt hàng gốm sứ cao cấp và đa dạng được trang trí nhiều loại men như men trắng trong, men ngọc, men hoa lam. Hoa văn chủ đạo là sen, cúc, hình dáng là chim, cá, người... Ấm gốm thời này tuy không nhiều, nhưng có hiện vật mang ký hiệu S: 3765 là sản phẩm của lò gốm Chu Đậu nổi tiếng của thời kỳ này. Ấm có gờ miệng tròn, thành cổ ngắn, thẳng, vai và thân phình hình cầu. Bên vai ấm gắn vòi ngắn và nhỏ, đối xứng vòi là núm quai nhỏ hình dải mây. Bên ngoài thân phủ men rạn màu trắng ngà vẽ hoa lam, dưới miệng là băng hoa văn hình cánh sen, giữa thân là băng hoa văn hình hoa lá dây cách điệu, bên dưới là vân mây, đế để mộc.

Thế kỷ 10 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, là thời kỳ phục hồi độc lập tự chủ sau hơn mười thế kỷ đô hộ của phong kiến phương Bắc, mở ra một giai đoạn phục hưng văn hóa dân tộc. Thời Lý - Trần (TK 11-14), đồ gốm đạt được những thành tựu rực rỡ thể hiện qua các loại hình đồ gia dụng, trong đó có ấm gốm.

Về tạo dáng gốm Lý - Trần thường có những hình mẫu trong thiên nhiên như hoa, quả, hoạ tiết trang trí chính là hoa lá, chim, thú, với cách miêu tả giản dị, mộc mạc rất gần gũi với thiên nhiên và con người Việt Nam. Chính vì thế mà thời kỳ này có những chiếc ấm gốm tạo hình múi bưởi (S: 71; S: 1572; S: 3771), hình quả dưa (S: 1401; S: 1573), một số ấm vai trang trí đắp nổi băng cánh sen đơn, cánh sen kép, núm quai đắp nổi hình con thạch sùng (S: 1513)... Số lượng ấm thời kỳ Lý - Trần chiếm đến một nửa trong sưu tập ấm đang lưu giữ tại Bảo tàng (19/37 chiếc) với màu men đa dạng như: men ngà, men ngọc, men nâu...; kiểu dáng trau chuốt và cầu kỳ thể hiện trang trí đắp nổi ở những chi tiết nhỏ như nắp ấm, vòi và quai. Ngoài tạo dáng hình hoa, quả ấm thời kỳ này còn có dáng tròn, vòi và quai ngắn, riêng có chiếc ấm men nâu số kí hiệu S: 4558 là chiếc ấm cổ cao, vòi cong dài, quai hình dấu hỏi, vai loe cắt khấc mũi cánh sen, thân chia 8 múi trang trí cánh sen tô nâu.

Ấm thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, số lượng không nhiều và đa dạng như các thời kỳ trước, hiện Bảo tàng đang trưng bày 02 ấm hoa lam có nắp thời Lê Trung Hưng (S: 3766) với quai xách bằng đồng, thân trang trí hoa lam sẫm mang phong cách thời Lê, và chiếc ấm sứ hoa lam (S: 200) thời Nguyễn.

Thế kỷ 19, đất nước ta bị xâm lược, đồ gốm sứ châu Âu và gốm sứ nhà Thanh (Trung Quốc) tràn vào cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến phong cách gốm Việt thời Nguyễn.

Thời kỳ cận hiện đại, bên cạnh những dáng ấm cũ có thêm dáng ấm hình trụ tròn, cao (ấm tích), đáy bằng, men trắng, trang trí vẽ lam, vai có gắn 2 tai quai hình chữ nhật, mỗi bên có 02 lỗ để xâu quai (quai được làm bằng dây nhôm, đồng uốn cong hình chữ U hoặc chữ C) và được sử dụng thông dụng trong mọi gia đình thời bấy giờ. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa sưu tầm được chiếc ấm loại hình này, ký hiệu S: 778 là chiếc ấm tích vẽ lam đã bị sứt vòi, mất nắp của nhà sư Đàm Thị Xuân, trụ trì chùa Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa, hiện vật này mang ý nghĩa lịch sử to lớn, nó gắn liền với sự kiện nhà sư đã sử dụng chiếc ấm ra trận địa tiếp nước cho các chiến sỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng trong trận đánh ngày 3 - 4/4/1965.

Những chiếc ấm gốm gắn liền với cuộc sống của người Việt như một nhân chứng, phát triển theo dòng chảy lịch sử dân tộc. Nghề làm gốm là một trong những nghề có truyền thống lâu đời nhất tại Việt Nam, qua mỗi giai đoạn phát triển lại có những bước đánh dấu sự tiến bộ về kỹ thuật, chất liệu cũng như hoa văn trang trí. Sưu tập ấm gốm tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện được phần nào sự phát triển của nghệ thuật gốm sứ Việt Nam qua các thời kỳ cũng như những bước thăng trầm trong lịch sử, mang trong mình những giá trị văn hóa cần tiếp tục được giữ gìn và phát huy./.

Ths.Trương Thị Phương Thảo
(Phòng Kiểm kê - Bảo quản)
Nguồn: 
Trích: Bảo tàng tỉnh, 2018, "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983-2018)", Nxb Thanh Hóa.

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Đa dạng hoạt động phát huy giá trị Di sản văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Thanh Hóa(14/08/2024 7:56 SA)

    Chiến thắng Lạch Trường góp phần đánh bại cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của không quân Hoa Kỳ(02/08/2024 8:34 SA)

    Bảo tàng Thanh Hóa hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”(16/05/2024 3:27 CH)

    Phát huy giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ qua tài liệu, hiện vật bảo...(22/04/2024 7:43 SA)

    Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa và câu chuyên gợi nhớ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh(04/03/2024 2:40 CH)

    <

    Tin liên quan

    Đa dạng hoạt động phát huy giá trị Di sản văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Thanh Hóa(14/08/2024 7:56 SA)

    Chiến thắng Lạch Trường góp phần đánh bại cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của không quân Hoa Kỳ(02/08/2024 8:34 SA)

    Bảo tàng Thanh Hóa hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”(16/05/2024 3:27 CH)

    Phát huy giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ qua tài liệu, hiện vật bảo...(22/04/2024 7:43 SA)

    Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa và câu chuyên gợi nhớ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh(04/03/2024 2:40 CH)

    Hiện vật tiêu biểu