`

1465 người đang online

Sách "Văn vật Xứ Thanh"

Đăng ngày 28 - 01 - 2019

Trên con đường tìm về nguồn gốc loài người và cội nguồn lịch sử – văn hóa dân tộc, Thanh Hóa – Xứ Thanh là miền đất hứa với những dấu mốc vô cùng ấn tượng mà ở đó, chứa đựng những bản sắc riêng, hòa quyện trong bản sắc chung của văn hóa nhân loại, văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Núi Đọ – Sơ kỳ thời đại Đá cũ – một trong những cái nôi của loài người. Đa Bút - Trung kỳ thời đại Đá mới – mang sắc thái văn hóa vùng cửa sông. Hoa Lộc – Hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ Kim khí, mặn mòi văn hóa vùng duyên hải, nhưng có quan hệ mật thiết với văn hóa đồng bằng Bắc và Trung bộ… Thế rồi, trải qua nhiều chặng mốc của giai đoạn tiền Kim khí, con người nơi đây đã tiến đến văn minh, tạo dựng nên một nền văn hóa nổi tiếng: Văn hóa Đông Sơn, bên dòng sông Mã, để cùng với sông Hồng, sông Cả xây đắp nên nhà nước Văn Lang – Âu Lạc – một nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Thời kỳ 10 thế kỷ đầu Công nguyên, Thanh Hóa cũng như cả nước, chịu sức ép đồng hóa của phong kiến phương Bắc. Trung tâm sản xuất Tam Thọ là một điểm sáng hiếm hoi chứng minh được sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống, trước sức mạnh bành trướng của văn hóa ngoại lai. Đây được coi là dấu mốc đầu tiên trong cuộc trường chinh chống phương Bắc ngót 10 thế kỷ, để “Nghìn năm ta lại là ta” của dân tộc Việt. “Ta lại là ta” không phải là bài xích, mà là mềm dẻo tiếp thu văn hóa bên ngoài nhưng vẫn giữ được cốt cách truyền thống Đông Sơn, để rồi sau đêm trường nghìn năm ấy, người Việt đã làm nên một kỳ tích: Phục hưng văn hóa thời Lý – Trần trong buổi đầu độc lập – tự chủ.

Nền văn hóa phục hưng Lý – Trần, tỉnh Thanh – Xứ Thanh có những di tích và di vật khai quật được ở chùa Hương Nghiêm, chùa Linh Xứng và Sùng Nghiêm Diên Thánh, Ly Cung và cùng nhiều sưu tập gốm sứ hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh, phản ánh sự tinh mĩ, nét phóng khoáng trong nghệ thuật tạo hình của hai triều đại này. Điểm sáng của Thanh Hóa trong giai đoạn này là Thành Nhà Hồ – Di sản văn hóa thế giới với nhiều đợt điều tra và khai quật, thu về Bảo tàng nhiều sưu tập hiện vật có giá trị về kiến trúc, phản ánh những vật liệu hoàng cung mà một phần trong số đó được Hồ Quý Ly đem từ cố đô Thăng Long về đây tái dựng.

Lam Kinh -  Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt -  nơi phát tích vương triều Lê – một vương triều phong kiến dài lâu nhất trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam, có nhiều công lao đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Những sưu tập hiện vật khai quật được ở đây và phụ cận, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa mang đậm những ý nghĩa nêu trên, phản ánh vai trò to lớn của Lam Kinh trong công cuộc củng cố vương triều, dựng xây đất nước.

Sau Lam Kinh là kinh đô Vạn Lại – Yên Trường triều Lê Trung Hưng, với nhiều di vật của triều đại này, hiện đang lưu giữ và phát huy tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Những sưu tập ấy phản ánh sự tiếp nối của những giá trị truyền thống, nhưng cũng có nhiều nét mang ý nghĩa thời đại mà chiếc vạc đồng Cẩm Thủy- Bảo vật Quốc gia, được xem là một điển hình về quy mô hoành tráng, có giá trị. Vạc đồng do quan Khâm sai huyện Cẩm Thuỷ cho đúc ngày 28 tháng 11 năm 1752, phản ánh mối quan hệ ràng buộc của chính quyền Trung ương tới vùng biên viễn của vương triều này trong lịch sử.

Thời Mạc, thời Quang Trung, Thanh Hóa không có nhiều điểm nhấn, nhưng trong Bảo tàng tỉnh cũng có những sưu tập hiện vật bằng chất liệu vô cơ và hữu cơ, điển hình nhất là chân đèn gốm có minh văn, niên hiệu Diên Thành 1 (1578), đời vua Mạc Mậu Hợp.

Thời Nguyễn, xứ Thanh là quê hương phát tích của vương triều này, với đại diện điển hỉnh là khu lăng miếu Triệu Tường, làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung. Chính vì lẽ đó, hiện vật các thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn cũng là một trong những đối tượng sưu tầm của Bảo tàng Thanh Hóa. Đó là những pho tượng, phù điêu bằng gỗ sơn son thếp vàng, đồ gốm, đồ đồng, giấy… phản ánh muôn mặt của đời sống xã hội, đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân Thanh Hóa trong khoảng thời gian cả thế kỷ 19 đến những thập niên đầu thế kỷ 20.

Đó là nội dung tóm lược của cuốn sách “Văn vật xứ Thanh – Qua hiện vật Bảo tàng Thanh Hóa”. Đây là cuốn sách lịch sử được kể lại bằng ảnh, thông qua những sưu tập hiện vật đang được lưu giữ và phát huy tại Bảo tàng tỉnh. Như thế, nội dung cuốn sách chưa hẳn đã bao quát toàn bộ văn vật tỉnh Thanh. Tuy nhiên, những sưu tập ấy đã phần nào là đại diện cho các thời kỳ lịch sử cổ – trung đại, mà Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa muốn gửi tới độc giả trong và ngoài nước như là một tín hiệu kích thích việc tìm hiểu, khám phá sâu hơn về đất và người Thanh Hóa, hiện vẫn còn đang tiềm ẩn trong các làng quê, trong các di tích, trong các sưu tập tư nhân, trong lòng đất cũng như trong lòng sông, lòng biển xứ này.

Sách do Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa biên soạn, Nxb: Thế giới; Khổ sách: 20,5x30cm; Số lượng: 303 tr.; Năm: 2016.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách với độc giả.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Kỷ yếu “Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa 35 năm thành lập và phát triển (1983 - 2018)”(28/01/2019 8:40 SA)

    Sách "Cổ vật Bảo tàng Thanh Hoá"(28/01/2019 8:37 SA)

    Sách "Văn vật Xứ Thanh"(28/01/2019 8:31 SA)

    Giới thiệu sách "Khát vọng sông Mã"(22/04/2015 5:18 CH)

    Sách "Thông báo khoa học"(28/01/2019 10:17 SA)

    <

    Tin liên quan

    Hiện vật tiêu biểu