`

1259 người đang online

Những đóng góp to lớn của Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Đăng ngày 30 - 04 - 2017

Đại thắng mùa Xuân 1975 là những “mốc son bằng vàng” tạc vào lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. 42 mùa xuân đã đi qua nhưng âm hưởng hào hùng của một thời đánh Mỹ, thắng Mỹ lật nhào chế độ ngụy quyền Sài Gòn để Nam - Bắc trọn niềm vui thống nhất vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Truyền thống đó tiếp tục được khơi dậy trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Thanh Hóa hậu phương lớn của miền Nam ruột thịt

Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Nhưng nhân dân miền Nam vẫn phải sống trong ách thống trị bạo tàn của bè lũ Mỹ ngụy. Thực hiện chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng nhân dân cả nước cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cùng với nhân dân miền Bắc, Thanh Hóa nhanh chóng thực hiện công cuộc hàn gắn hậu quả tàn phá của chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Từ vũng bùn nô lệ cam chịu cảnh đói nghèo, cùng khổ nay được bước lên địa vị làm chủ xã hội đại đa số người dân đều phấn khởi, lạc quan trước thành quả mà cách mạng đem lại. Chính quyền cách mạng đẩy mạnh phong trào diệt giặc đói, giặc dốt ở khắp mọi vùng miền trong tỉnh và được nhân dân tích cực hưởng ứng, tự giác thực hiện. Chủ trương cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã đem lại ruộng đất cho dân cày, tư liệu sản xuất cho thợ thủ công, đem đến diện mạo mới trong đời sống người dân. Điều đó tạo nên khí thế thi đua học tập, lao động sản xuất diễn ra sôi nổi ở khắp mọi lĩnh vực đời sống xã hội từ đồng bằng đến miền núi, từ nông thôn tới đô thị. Trong gần 10 năm cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho CNXH, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn nên KT-XH phát triển, tiềm lực QP-AN của tỉnh được tăng cường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước. Tỉnh đã dồn sức xây dựng nhiều cơ sở công trình thiết yếu phục vụ đời sống, đồng thời chú trọng áp dụng tiến bộ của công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất lao động được nâng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Phong trào thi đua xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến ở tất cả các ngành, các cấp được đẩy mạnh. Các điển hình tiên tiến trong nông nghiệp như Đông Phương Hồng, Yên Trường, trong công nghiệp như cơ khí Thành Công, trong giáo dục như Hải Nhân... được nhân rộng trên toàn miền Bắc. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất Thanh Hóa đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong phát triển KT-XH với nhiều cơ sở vật chất, công trình được đầu tư xây dựng. Khi thất bại trong áp dụng “chiến tranh đặc biệt” và “cục bộ” ở miền Nam, giặc Mỹ đã điên cuồng thực hiện chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Với địa thế là cầu nối giữa Bắc Bộ và Trung Bộ, Thanh Hóa trở thành khu vực “cán xoong”, là huyết mạch giao thông quan trọng của miền Bắc. Sẵn sàng ứng phó với giặc Mỹ, Thanh Hóa đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, hàng chục phong trào thi đua đã được phát động liên tục ở tất cả các cấp, các ngành. Đó là các phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tiếng hát át tiếng bom”... đã lan tỏa khắp các vùng miền tạo nên khí thế hừng hực, hào hùng trong xưởng máy, công trường, đồng ruộng, trường học, trận địa. Mặc cho bom đạn giặc ngày đêm tàn phá, người dân vẫn chắc tay cày, vững tay súng để tạo nên những cánh đồng “5 tấn thắng Mỹ”. Các em thơ vẫn đội mũ rơm đến trường để học tập. Các nhà máy, xí nghiệp vẫn duy trì sản xuất cung cấp những đồ dùng thiết yếu cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, toàn tỉnh đã có hàng ngàn các gia đình cả ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu cùng chung một chiến hào diệt giặc, hàng vạn gia đình có từ 3 đến 5 con cùng tòng quân nhập ngũ. Toàn tỉnh có 250 ngàn thanh niên ưu tú và hàng vạn cán bộ, Đảng viên, nam nữ tham gia bộ đội và thanh niên xung phong. Tỉnh cũng xây dựng và huấn luyện 78 tiểu đoàn bộ đội bổ sung cho các chiến trường. Không chỉ làm tròn nhiệm vụ là hậu phương lớn của miền Nam ruột thịt, Thanh Hóa còn thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Lào và Campuchia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng, góp phần củng cố thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị.

Những thành tích to lớn trong chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ

Khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân thì Thanh Hóa trở thành địa bàn chiến lược trọng yếu, “chiếc giáp sắt” bảo vệ thủ đô Hà Nội, kho dự trữ chiến lược, chiếc cầu nối giữa miền Bắc với miền Nam... Các đầu mối giao thông thủy, bộ, đường sắt như Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép... nếu ách tắc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng sự chi viện cho chiến trường miền Nam và cách mạng Lào. Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại thì giao thông vận tải là mặt trận nóng bỏng và ác liệt nhất. Giặc Mỹ đã chọn hơn 60 mục tiêu đánh phá hòng làm tê liệt hoạt động giao thông của ta. Với quyết tâm cao độ đánh địch mà tiến, mở đường mà đi, địch cứ đánh ta cứ đi, tất cả vì miền Nam ruột thịt chúng ta đã đảm bảo mạch máu giao thông luôn thông suốt trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tỉnh ta đã chủ động sáng tạo lập 4 đường ra, 3 đường vào, mở nhiều điểm vượt sông, nhiều đường tránh rẽ, làm cầu phao luồng, làm cầu phao liên hợp... huy động được sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng để những đoàn xe, đoàn thuyền nan vẫn nối đuôi nhau chở hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến trường.

 nữ dân quân thanh hóa trong kháng chiến chống Mỹ.jpg
Nữ dân quân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ.

Các phong trào thi đua: “Hòn đá chống Mỹ”, “Ba giỏi” được nhân rộng đã huy động sức mạnh của toàn dân phục vụ chiến đấu. Người dân đã không ngần ngại dỡ nhà làm cầu, lấy đá lát đường, cứu chữa phương tiện, hàng hóa bị máy bay địch bắn phá. Công ty vận tải thuyền nan và đoàn vận tải Lam Sơn, Công ty xe đạp thồ và đoàn vận tải Điện Biên và các đoàn vận tải cơ giới trong gần 10 năm chống Mỹ phá hoại đã vận chuyển 15 triệu tấn hàng hóa đáp ứng chi viện cho chiến trường, phục vụ chiến đấu, sản xuất và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép... là những “tọa độ lửa”, nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt của bộ đội pháo binh chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ với lũ “quạ trời” Mỹ tối tân hiện đại với những tên gọi “thần sấm”, “con ma”, “pháo đài bay B52”. Chỉ bằng các loại pháo cao xạ 57, 37, 12,7 ly cùng súng trường, những phương tiện tối tân, hiện đại của kẻ thù đã gục ngã trước tinh thần, ý chí thép của quân, dân ta. Đặc biệt ngay trong những trận đầu diễn ra vào ngày 3 và 4 tháng 4/1965 quân dân Thanh Hóa đã bắn tan xác 47 máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng. Kỳ tích oanh liệt đó đưa Hàm Rồng trở thành bản hùng ca bất tử, là niềm tự hào của quân dân ta và bạn bè yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới. Đó cũng là nỗi khiếp đảm, ám ảnh của lũ giặc trời Mỹ mỗi khi xâm phạm vùng trời, vùng đất này.

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại vào Thanh Hóa mang tính chất hủy diệt của không quân, hải quân Mỹ càng làm nung nấu lòng căm thù cao độ của mọi tầng lớp nhân dân. Người người, nhà nhà, làng xã, huyện và toàn tỉnh đều bước vào cuộc chiến với ý chí ngoan cường, quyết tâm sắt đá. Những thành tích nổi bật của các cụ lão quân Hoằng Trường (Hoằng Hóa), nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc) cùng nhiều lực lượng dân quân, tự vệ ở Hà Trung, Tĩnh Gia... chỉ bằng súng bộ binh nhưng đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, làm nức lòng quân dân cả nước. Trong cuộc đọ sức quyết liệt gần 8 năm quân dân toàn tỉnh đã chiến đấu 10.158 trận lớn nhỏ, bắn rơi 376 máy bay Mỹ trong đó có 3 chiếc B52, bắt sống 36 giặc lái, bắn cháy 56 tàu chiến trong đó có 52 khu trục hạm thuộc hạm đội 7 của Mỹ. Cũng trong những năm tháng ấy bao lớp thanh niên của tỉnh đã xung phong lên đường nhập ngũ, hoặc tham gia thanh niên xung phong với ý chí, quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và hoài bão: “Nhằm thẳng  quân thù mà bắn”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, để cùng quân, dân cả nước đánh Mỹ, thắng Mỹ, lật nhào chế độ ngụy quyền để non sông liền một dải, Nam - Bắc vui sum họp một nhà.

Phát huy truyền thống thắng Mỹ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh

Những đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của, những chiến công oanh liệt, lẫy lừng của quân, dân tỉnh ta cũng như những mất mát, hy sinh trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận. Nhiều cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu, xuất sắc đã được tặng nhiều phần thưởng cao quí. Toàn tỉnh Thanh Hóa có 25 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 16 đơn vị và cá nhân là AHLĐ, 71 cá nhân là Anh hùng LLVTND, 1.125 bà mẹ là mẹ Việt Nam anh hùng, 32.146 người là thương binh và 56.559 là liệt sĩ.

Khi đất nước hòa bình thống nhất cùng với cả nước Thanh Hóa lại xung trận từ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu chuyển sang lao động sản xuất, cải tạo, dựng xây đất nước. Khắc phục những hậu quả tàn phá nặng nề của chiến tranh, sự bao vây, cấm vận của kẻ thù, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân khắc phục mọi khó khăn, tích cực thi đua lao động sản xuất để phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ vững chắc vùng biển, biên cương, vùng trời Tổ quốc. Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện sâu sắc của Đảng từ Đại hội VI (1986), tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Chính phủ, tỉnh ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Tập trung xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng lực của mọi tầng lớp xã hội, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Tỉnh đã quan tâm xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền.

Những năm qua tỉnh ta dồn sức cho các vùng kinh tế động lực như Nghi Sơn - Tĩnh Gia, Sầm Sơn - TP Thanh Hóa, Lam Sơn - Sao Vàng, Bỉm Sơn - Thạch Thành làm đầu tàu thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý công tác cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Nhờ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nên tỉnh ta huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Huy động vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện đứng thứ 6 cả nước. Nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhiều công trình dự án trọng điểm được khởi công xây dựng. Nhờ những nỗ lực phấn đấu không ngừng nên tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây liên tục phát triển. Thời kỳ 1996-2000 đạt 7,3%/năm, thời kỳ 2001 - 2005 đạt 9,1%/năm, thời kỳ 2006 - 2010 đạt 11,3%/năm, thời kỳ 2011 - 2015 đạt 11,4%/năm. Năm 2016 vượt qua những khó khăn, thách thức tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 9,05% vượt kế hoạch đề ra (KH là 9%).

Với sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, chúng ta tin tưởng Thanh Hóa sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước và đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nguồn tin: Theo Phạm Minh Trị, http://vanhoadoisong.vn/

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Đa dạng hoạt động phát huy giá trị Di sản văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Thanh Hóa(14/08/2024 7:56 SA)

    Chiến thắng Lạch Trường góp phần đánh bại cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của không quân Hoa Kỳ(02/08/2024 8:34 SA)

    Bảo tàng Thanh Hóa hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”(16/05/2024 3:27 CH)

    Phát huy giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ qua tài liệu, hiện vật bảo...(22/04/2024 7:43 SA)

    Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa và câu chuyên gợi nhớ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh(04/03/2024 2:40 CH)

    <

    Tin liên quan

    Đa dạng hoạt động phát huy giá trị Di sản văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Thanh Hóa(14/08/2024 7:56 SA)

    Chiến thắng Lạch Trường góp phần đánh bại cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của không quân Hoa Kỳ(02/08/2024 8:34 SA)

    Phát huy giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ qua tài liệu, hiện vật bảo...(22/04/2024 7:43 SA)

    Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa và câu chuyên gợi nhớ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh(04/03/2024 2:40 CH)

    Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá, góp phần phát...(27/12/2023 3:27 CH)

    Hiện vật tiêu biểu