`

1150 người đang online

Nơi in tiền đầu tiên của chính phủ Việt Nam

Đăng ngày 19 - 04 - 2017

Đó là một nhà máy tương đối lớn đặt tại đồn điền Chi Nê thuộc xã Cổ Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2007.

Khi giành được chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ ta phải sử dụng tạm thời đồng bạc Đông Dương, một đồng tiền đang bị lạm phát trầm trọng, để lưu thông. Toàn bộ ngân quỹ Nhà nước lúc đó chỉ còn 1.250.000 đồng bạc Đông Dương, trong đó có 580.000 đồng bị rách. Nếu kể cả các quỹ địa phương cũng chỉ có gần 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, sau khi vào miền Bắc nước ta, quân Tưởng đã tung tiền “quan kim” và tiền “quốc tệ”, một đồng tiền mất giá của Tưởng ra chi tiêu ở Việt Nam. Do đó, mọi việc chi tiêu của Chính phủ lúc đó đều dựa vào sự ủng hộ của nhân dân đóng góp cho “quỹ Độc lập” và “Tuần lễ vàng”. Được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ vàng” đã đem lại kết quả to lớn, góp phần giải quyết một phần khó khăn về tài chính của Nhà nước ta lúc bấy giờ.

Tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã chính thức giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo, điều hành việc chuẩn bị in và phát hành đồng tiền mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Để thực hiện chủ trương đó, ngày 15-11-1945, cơ quan Ấn loát, trực thuộc Bộ Tài chính được thành lập với nhiệm vụ là sản xuất (in) đồng tiền Việt Nam mới, phục vụ nhu cầu đời sống sản xuất và chiến đấu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân ta.

Lúc đó, ở Hà Nội, Pháp có Nhà máy in Tôpanh (Taupin) nhưng không bán cho Chính phủ ta. Do đó, để có máy in, Chính phủ đã đề nghị nhà tư sản lớn Đỗ Đình Thiện mua lại nhà máy in của Pháp và tặng lại cho Chính phủ. Quan hệ giữa Pháp và Việt Nam ngày càng căng thẳng vì thực dân Pháp lại một lần nữa quyết tâm quay trở lại xâm lược Việt Nam. Chính phủ quyết định chuyển nhà máy in ra khỏi Hà Nội.

Tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định chọn đồn điền Chi Nê của ông Đỗ Đình Thiện làm cơ sở để đặt máy in. Ở đó ông Thiện đã cho mượn nhà xưởng, nhà máy điện, nước và phương tiện để đặt nhà máy in. Để giữ bí mật, công nhân nhà máy in tiền phải làm việc từ 16 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Vì máy thô sơ nên phải in qua nhiều công đoạn (in màu, số sêri) rồi mới cắt. Mệnh giá lớn thì in ốp sét, mệnh giá nhỏ thì in bằng máy xốp, in ti pô. Tiền in xong thì chở bằng xe bò, xe ngựa đến một nhà của một gia đình ở xóm Đồng Thung, xã Cổ Nghĩa, từ đó cấp phát đi các nơi theo lệnh của Bộ Tài chính.

Di tích Nhà máy in tiền Chi Nê tại Cố Nghĩa, Lạc Thủy, Hòa Bình.

Ngay từ những ngày đầu hoạt động, nhà máy đã được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Chính phủ. Ngày 19-12-1946, đồng chí Lê Văn Hiến sau này là Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tới thăm; Sau đó ngày 24-12-1946 Trưởng Ban Tài chính của Đảng Nguyễn Lương Bằng về thăm. Đặc biệt, Bác Hồ trong thời gian đi kinh lý tỉnh Thanh Hóa, qua Hòa Bình cũng về thăm nhà máy vào ngày 21-2-1947. Bác dặn dò cán bộ, công nhân viên nhà máy về sự cần thiết phải sản xuất thật nhiều tiền phục vụ kháng chiến. Bác nói, những khó khăn lớn, những thử thách mà anh chị em cán bộ, công nhân viên của nhà máy in tiền phải vượt qua và phải chiến thắng. Người nói: Đây là nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và cho công cuộc kháng chiến. Tình cảm của Bác đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, trở thành niềm tin và nỗ lực hành động của cán bộ, công nhân viên góp phần vào kháng chiến. Sau này Bộ trưởng Lê Văn Hiến nhớ lại: Chỉ trong một tháng chuẩn bị và lắp đặt máy móc, nhà máy đã in được một số tiền dự trữ cho Bộ Quốc phòng.

Như vậy, từ cuối năm 1946 chúng ta có một nhà máy in tiền sản xuất ra những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Lần đầu tiên trong lịch sử, đồng tiền của nước Việt Nam mới ra đời và được lưu hành trên toàn quốc. Với sự đóng góp của anh chị em cán bộ, công nhân thuộc nhà máy in tiền ở đồn điền Chi Nê đã đánh dấu mốc son của nền Tài chính Việt Nam. Tờ bạc tài chính Cụ Hồ ra đời có sứ mệnh lịch sử góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế- tài chính- tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp, góp phần quyết định vào cung cấp nhu cầu cung cấp vật chất, lưu thông hàng hóa trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

Bên trong nhà máy in tiền Chi Nê. Ảnh tư liệu.

Ngày 30 tháng 11 năm 1946 Kỳ họp thứ hai Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã quyết định phát hành đồng tiền Việt Nam và tổ chức thu đổi tiền Đông Dương trên toàn quốc. Tuy nhiên, lúc đầu phạm vi phát hành còn hẹp. Đến sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ thì việc phát hành tiền Việt Nam và thu đổi tiền Đông Dương mới được tiến hành rộng rãi. Nhân dân ta rất phấn khởi khi Chính phủ cho đổi tiền Đông Dương lấy tiền Việt Nam. Chính phủ cho phép đổi một đồng Đông Dương lấy một đồng Việt Nam nhưng có nơi nhân dân tự nguyện đổi 1,20 đồng tiền Đông Dương lấy một đồng Việt Nam. Việc làm đó thể sự tín nhiệm của nhân dân đối với đồng tiền độc lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Tuy nhiên, một biến cố đã xảy ra đối với nhà máy, thực dân Pháp đã phát hiện ra đồn điền Chi Nê và nơi in tiền. Ngày 21-2-1947 chúng cho máy bay trinh sát và ngay ngày hôm sau, 22-2-1947 chúng cho máy bay ném bom đồn điền, nhà máy in tiền bị trúng hai quả bom. Nhà xưởng, máy móc bị hư hại, nhà cửa của cán bộ công nhân viên cũng bị tàn phá. Sau trận bom đó, Bộ Tài chính quyết định để nguyên tình trạng tàn phá, riêng máy móc in tiền thì phải sửa chữa, để tiếp tục làm việc ngay. Mệnh lệnh đó đã được cán bộ công nhân viên quán triệt và hăng hái thực hiện.

Ngày 3-3-1947 thực dân Pháp lại tiếp tục cho 40 xe tăng và xe thiết giáp bất ngờ tấn công vào Mai Lĩnh và các vùng không xa nhà máy. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính ra lệnh chuẩn bị chuyển địa điểm nhà máy in tiền. Từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3-1947, công nhân tiến hành tháo dỡ máy móc, đóng gói tiền, nguyên vật liệu và đóng bè, chở máy móc, vật liệu theo đường sông lên Tràng Đà, tỉnh Tuyên Quang.

Di tích nhà máy in tiền đầu tiên ở Việt Nam qua hình họa 3D.

Thời gian nhà máy in tiền ở Chi Nê không dài, nhưng đó là thuở ban đầu của nền tài chính cách mạng, thời kỳ làm việc vượt qua mọi thử thách và làm việc không biết mệt mỏi của cán bộ công nhân viên thế hệ đầu tiên của nên tài chính nước nhà. Trên thực tế, họ đã sản xuất ra một khối lượng tiền lớn, đủ đáp ứng nhu cầu phát hành, lưu thông tiền tệ trên toàn quốc của Chính phủ ta. Đồng thời phục vụ công tác đấu tranh tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương ra khỏi nước ta.

Nằm trong không gian của đồn điền Chi Nê, nhà máy in tiền đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia (Quyết định số 01/2007/QĐ, ngày 27-8-2007). Tháng 5-2010, theo Quyết định số 785/QĐ-UBND ngày 24-3-2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử địa điểm nhà máy in tiền đầu tiên ở đồn điền Chi Nê cũng được thành lập. Cũng trong năm 2010 đó, Kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Tài chính Việt Nam, khu di tích đồn điền Chi Nê được khởi công khôi phục lại. Trên diện tích 15,5 héc ta, các điểm di tích được khôi phục và tôn tạo: gồm ngôi nhà trung tâm đồn điền Chi Nê, nơi có không gian tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu xưởng bạc; kho tiền; phòng trưng bày di tích để trưng bày các hiện vật, hình ảnh, các loại mệnh giá tiền ngày xưa. Việc phục lại bằng hình tượng các công nhân xưởng in đang làm việc chắc chắn sẽ giúp chúng ta hình dung lại không chỉ nơi in tiền mà cả không khí chiến đấu của những người công nhân trong thời kỳ đầu kháng chiến.

70 năm đã trôi qua, đồng tiền Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Chúng ta không thể quên tháng 11 năm 1946 ấy tại nhà máy in tiền đầu tiên, tờ bạc của Chính phủ Cụ Hồ đã ra đời.

TS Nguyễn Thị Tình
Nguồn tin:thegioidisan.vn

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Đa dạng hoạt động phát huy giá trị Di sản văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Thanh Hóa(14/08/2024 7:56 SA)

    Chiến thắng Lạch Trường góp phần đánh bại cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của không quân Hoa Kỳ(02/08/2024 8:34 SA)

    Bảo tàng Thanh Hóa hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”(16/05/2024 3:27 CH)

    Phát huy giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ qua tài liệu, hiện vật bảo...(22/04/2024 7:43 SA)

    Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa và câu chuyên gợi nhớ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh(04/03/2024 2:40 CH)

    <

    Tin liên quan

    Bảo vật quốc gia Kiếm ngắn Núi Nưa và câu chuyên gợi nhớ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh(04/03/2024 2:40 CH)

    Lam Sơn – Lòng dân – Anh hùng – Vận nước(18/09/2018 1:52 CH)

    Chia sẻ những câu chuyện chưa kể của các cựu chiến binh Hàm Rồng tại Bảo tàng tỉnh(16/05/2017 9:32 SA)

    Những đóng góp to lớn của Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước(30/04/2017 4:21 CH)

    Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975: chủ trương, kế hoạch chiến lược và thời cơ(30/04/2017 4:17 CH)

    Hiện vật tiêu biểu