Sau khi mọi nỗ lực thiện chí của Chính phủ ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm gìn giữ hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh với quân đội Pháp bất thành, đêm 19/12/1946, quân và dân cả nước ta đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc non trẻ theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Thủ đô Hà Nội, cuộc chiến đấu của quân dân ta trong hai tháng (từ 19/12/1946 tới 17/2/1947) đã gây nhiều tổn thất đáng kể cho đối phương, kìm chân quân Pháp để các cơ quan của Chính phủ và nhân dân ta có thêm thời gian rút lên chiến khu tiếp tục kháng chiến lâu dài.
Các Lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa dân quốc (cầm cờ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám (thứ tư từ trái sang phải), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam (thứ tám từ trái sang phải) và Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân
(thứ chín từ trái sang phải).
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, tại Ô Chợ Dừa, Hà Nội, đầu tháng 1/1947 đã diễn ra cuộc gặp quan trọng giữa đại diện Chính phủ ta với đại diện Bộ Chỉ huy quân đội Pháp có sự chứng kiến của Lãnh sự một số nước ngoài ở Việt Nam. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám dẫn đầu gồm các ông Nguyễn Văn Trân, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hà Nội và ông Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Đại diện phía các nước có Lãnh sự Anh quốc (Tresor Wilson), Mỹ (O’Sullivan) và Trung Hoa Dân quốc (Viên Tử Kiện). Về công khai mục đích cuộc gặp này là để thương lượng về việc sơ tán thường dân Việt Nam và kiều dân các nước ngoài ra khỏi vùng chiến sự ở Hà Nội. Mặt khác, Chính phủ ta cũng muốn nhân dịp này phối hợp và hỗ trợ với cuộc chiến đấu của quân dân ta ở Hà Nội: rút bớt một bộ phận bộ đội, thương bệnh binh của ta ra khỏi vùng chiến sự Liên khu I, Hà Nội, tránh những tổn thất về người, giảm bớt áp lực về tiếp tế hậu cần cho các lực lượng đang chiến đấu chống quân Pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc rút lui chiến lược sau này ra khỏi Hà Nội của toàn bộ lực lượng của Trung đoàn Thủ đô.
Người ngồi từ trái sang phải: Lãnh sự Trung Hoa dân quốc Viên Tử Kiện, Lãnh sự Anh Tresor Wilson, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân.
Cuộc gặp đã diễn ra ngay trên đường phố, các lực lượng công an Hà Nội đã góp phần bảo vệ an toàn cho cuộc tiếp xúc ngoại giao quan trọng này. Hai bên đã đạt được thỏa thuận là: yêu cầu hai bên Việt Nam và Pháp tạm ngừng bắn trong ngày 15/01/1946 để thường dân Việt Nam và ngoại kiều tản cư an toàn ra khỏi Hà Nội. Ngày 15/1/1947 (tức ngày 24 tháng 12 năm Bính Tuất), gần 10.000 thường dân Việt Nam và ngoại kiều, trong đó có trên 3.800 cán bộ, chiến sĩ Liên khu I cải trang đi lẫn vào đã công khai an toàn rút ra vùng tự do theo đường Hàng Đậu lên Hàng Than qua cửa ô Yên Phụ. Sau ngày 15/1/1947, lực lượng của Trung đoàn Thủ đô ở lại chiến đấu bảo vệ Liên khu I chỉ còn trên dưới 1.200 người cho tới đêm 17/2/1947 khi bộ đội ta rút quân ra khỏi Hà Nội qua gầm cầu Long Biên. Hoạt động ngoại giao quan trọng này đã được ông Nguyễn Bá Khoản, nhà chép sử bằng hình ảnh của Việt Nam lưu lại. Tác giả xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Nguồn: Theo Hoàng Vĩnh Thành, Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Nguồn tham khảo:
- “Hoàng Minh Giám, con người và lịch sử”, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội 1995, trang 63 và 285.
- “Công an Thủ đô - Những chặng đường lịch sử”, Báo An Ninh Thủ Đô, ngày 30/6/2005.