Cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Chủ là một tấm gương sáng về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, với đất nước. Do công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nên ngoài những Huân chương cao quý, đồng chí được tặng thưởng lúc sinh thời, năm 1998, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng đồng chí Huân chương Hồ Chí Minh.
Đồng chí Lê Chủ (1901 -1980)
Lê Chủ sinh ra trong một gia đình phú nông ở thôn Yên Lộ, tổng Phù Chẩn (nay là xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ông sống trong một gia đình tương đối khá giả, có điều kiện được ăn học nên ông chăm chỉ học tập mong có chút bằng cấp để kiếm việc làm. Nhưng mong ước đó không thành, khi ông học hết lớp 3 (lớp sơ đẳng) thì cha mất, ông không tiếp tục học nữa mà quyết định về nhà làm ruộng và thay cha quản lý gia đình.
Năm 1925, phong trào yêu nước của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Thanh Hóa nói riêng đã có bước khởi sắc, tiêu biểu là các cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh, đòi dùng tiếng Việt trong nhà trường…Một số thanh niên Thanh Hóa được Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên giới thiệu sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện tham gia các tổ chức cách mạng, sau đó trở về Thanh Hóa tuyên truyền, thành lập các tổ chức cách mạng.
Phong trào cách mạng Thanh Hóa đã ảnh hưởng tích cực đến phủ Thiệu Hóa, đến tổng Phù Chẩn nói riêng. Tháng 5 năm 1926, Hội đọc sách báo cách mạng được đồng chí Lê Hữu Lập - một hội viên Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tổ chức tại Thị xã Thanh Hóa, đã nhanh chóng nhân ra nhiều cơ sở khác trong tỉnh, trong đó có Thiệu Hóa. Đầu năm 1928, đồng chí Vương Mậu Kiểm đã giới thiệu và kết nạp Lê Chủ vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tại tiểu tổ phủ Thiệu Hóa...
Tháng 7 năm 1930, Lê Chủ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng do đồng chí Ngô Ngọc Toản giới thiệu, sinh hoạt ở một chi bộ ghép của huyện. Chỉ trong hai ngày, ông tuyên truyền tổ chức được 15 người trong làng vào nông hội đỏ; Ngoài ra ông còn liên lạc với đồng chí Trịnh Khắc Sản thôn Long Linh Ngoại và ông Nguyễn Văn Tuân (cậu ruột) ở thôn Căng Hạ, tổ chức nông hội ở hai thôn ấy. Tháng 12 năm 1930, các cơ sở cách mạng trong tỉnh bị khủng bố, mất liên lạc với Đảng nhưng ông vẫn tiếp tục duy trì các tổ chức quần chúng, lãnh đạo đấu tranh chống cường hào tham nhũng, bỏ hủ tục trong làng và liên lạc với các đồng chí còn lại.
Tháng 3/1932, Lê Chủ cùng một số đồng chí: Sản, Thường, Mạc, Mẫn, Ngạc, Mạch tổ chức hội nghị quyết định củng cố và phát triển phong trào, vạch kế hoạch hoạt động cách mạng. Tháng 8 năm 1932, Ban liên lạc triệu tập đại biểu các cơ sở cách mạng trong tỉnh về làng Ngọc Vực (huyện Yên Định) để hội nghị rút kinh nghiệm và bàn định chủ trương công tác mới.
Sau hội nghị, cơ sở phong trào cách mạng của quần chúng được mở rộng ở một số địa phương thuộc các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc….Tháng 10 năm 1933, sau khi thoát ra khỏi nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), đồng chí Nguyễn Tạo một chiến sĩ cộng sản đã về hoạt động ở Thanh Hóa. Các đồng chí Lê Chủ, Bùi Đạt đã nối liên lạc với đồng chí Nguyễn Tạo. Tại nhà đồng chí Lê Chủ, đồng chí Nguyễn Tạo đã biên soạn và cho in nhiều tài liệu quan trọng, giúp cho những người cộng sản ở Thanh Hóa lúc bấy giờ sáng tỏ thêm nội dung, phương pháp hoạt động cách mạng.
Ngày 17/3/1934, Hội nghị đại biểu các cơ sở cách mạng trong tỉnh được triệu tập tại làng Thuần Hậu (Thọ Xuân), dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Chủ, Nguyễn Tạo, hội nghị đã cử ra Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ lâm thời gồm 7 ủy viên, đồng chí Lê Chủ được cử làm Bí thư lâm thời Tỉnh ủy. Trong lúc Đảng bộ vừa được củng cố, mọi hoạt động đang tiến triển thì bọn mật thám Bắc Kỳ cùng với mật thám Trung Kỳ phối hợp truy bắt đồng chí Nguyễn Tạo và các chiến sĩ cách mạng Thanh Hóa. Sau khi đồng chí Nguyễn Tạo bị địch bắt, các đồng chí Lê Chủ, Bùi Đạt vẫn tiếp tục in và truyền đi được khá nhiều tài liệu như: “Bài ca về nông dân”, “Câu chuyện dân nghèo”…mà đồng chí Tạo đã soạn. Các cơ sở cách mạng ở Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Yên Định…vẫn được duy trì và củng cố. Lúc này, đồng chí Lê Chủ đã cho dời cơ sở ấn loát đi nơi khác, đồng thời hướng dẫn phương hướng chống khủng bố và phương pháp hoạt động cho các cơ sở. Một tháng sau ngày đồng chí Tạo bị bắt, ngày 18/5/1934 bọn địch ập đến nhà bắt đồng chí Lê Chủ.
Đồng chí Lê Chủ xác định vào tù là bước vào một cuộc đấu tranh mới: Đấu tranh trong nhà tù. Với sự quyết tâm và lòng trung thành với Đảng, mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, Lê Chủ vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, không khai báo, không đầu hàng kẻ địch.
Cuối tháng 5 năm 1935, đồng chí Lê Chủ rời khỏi nhà lao Đế quốc. Tháng 11 năm 1935, các đồng chí Trịnh Huy Quang, Bùi Đạt và một số chiến sĩ cộng sản ra khỏi lao tù đế quốc. Lúc này tình hình khách quan có những chuyển biến tích cực, phong trào Mặt trận bình dân Pháp lên nắm chính quyền. Tình hình trên tạo điều kiện thuận lợi cho phép các đồng chí Lê Chủ, Trịnh Huy Quang, Bùi Đạt… tập hợp lực lượng và chấn chỉnh tổ chức.
Để thống nhất sự lãnh đạo, ngày 15 tháng 3 năm 1936 Tỉnh ủy Lâm thời tổ chức Hội nghị cán bộ tại nghè Yên Lộ (Thiệu Hóa). Hội nghị kiểm điểm tình hình, bàn chủ trương tiếp tục đưa phong trào tiến lên và kiện toàn Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ. Hội nghị bầu 5 đồng chí vào Tỉnh ủy, đồng chí Lê Chủ được cử làm Bí thư.
Tháng 12 năm 1936, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại làng Yên Lộ. Hội nghị bàn về việc tìm liên lạc với Đảng, phát triển cơ sở quần chúng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp lên một bước mới trên địa bàn toàn tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú…. Hội nghị cử 5 đồng chí vào Tỉnh ủy và đồng chí Trịnh Huy Quang làm Bí thư, đồng chí Lê Chủ làm Phó Bí thư, mỗi đồng chí được phân công những nhiệm vụ cụ thể. Đồng chí Lê Chủ phụ trách tổ chức các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Đông Sơn, đồng thời có trách nhiệm chính trong việc tìm liên lạc với Trung ương Đảng. Tháng 4 năm 1939, Liên Tỉnh ủy điều động đồng chí Bí thư vào Nghệ An công tác, đồng chí Lê Chủ được cử làm Bí thư Tỉnh ủy.
Cuối năm 1939, chính quyền thực dân phong kiến tiến hành tập trung lực lượng đàn áp khủng bố quyết liệt phong trào cách mạng trong tỉnh. Hầu hết các đồng chí trong Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt ở các huyện bị bắt. Toàn tỉnh có hơn 100 cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng rơi vào tay quân thù, trong số đó có đồng chí Lê Chủ. Những cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng chưa bị bắt tổ chức đấu tranh chống khủng bố, chuyển phong trào cách mạng Thanh Hóa sang thời kỳ mới.
Lần này, đồng chí Lê Chủ bị địch kết án 5 năm tù giam và chuyển từ nhà lao Thanh Hóa đi nhà giam Lao Bảo (tháng 1/1940), đến tháng 12/1941 lại bị chúng đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột. Chế độ nhà lao của bọn thực dân vô cùng hà khắc và tàn bạo. Chúng dùng mọi thủ đoạn để hành hạ và ngược đãi tù cộng sản. Ở các nhà tù, đồng chí Lê Chủ là một trong những hạt nhân chủ chốt, tổ chức anh em học tập và đoàn kết đấu tranh chống lại kẻ thù.
Tháng 4 năm 1944, Lê Chủ thoát khỏi nhà tù Đế quốc. Về gia đình được ít hôm, ông tìm cách bắt liên lạc ngay với tổ chức và quyết định thoát ly gia đình để tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 11 năm 1944, đồng chí Lê Chủ được bầu vào Tỉnh ủy; Tháng 5/1945, ông đi học lớp quân sự ở chiến khu Ninh Bình, tháng 6 trúng Ủy viên Ban chấp hành chiến khu IV + Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Ngày 15/8/1945 đồng chí được chỉ định là Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa và Ủy viên Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Thanh Hóa.
Đồng chí Lê Chủ được phân công phụ trách lãnh đạo khởi nghĩa ở huyện Yên Định. Tại Yên Định, đồng chí Lê Chủ thay mặt Tỉnh ủy khẩn trương triệu tập Hội nghị toàn thể đảng viên và cán bộ Việt Minh trong các tổng tại Phù Hưng để phổ biến Lệnh khởi nghĩa và bàn kế hoạch giành chính quyền trong toàn huyện. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa huyện Yên Định được thành lập. Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Yên Định thắng lợi.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, đồng chí Lê Chủ đảm đương nhiều chức vụ và công tác khác nhau: Chủ tịch UBHC tỉnh Thanh Hóa (6/1946 - 12/1946), Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa và Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An (1947 - 1949), Cán bộ Nông viện Trung ương (1950), Ủy viên Ủy ban kiểm tra Liên khu ủy Liên khu IV (1951), Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Ủy viên kiểm tra Liên khu ủy khu IV (1952 - 1954), Chủ nhiệm Chi sở Muối Hà Tĩnh - Quảng Bình (1955), Cán bộ Bộ Tài Chính (1956), Trưởng ban Thanh tra Bộ Nông lâm (1957 - 1958), Vụ trưởng Vụ chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp (1959 - 1960), Vụ tổ chức Bộ Nông nghiệp (1961 - 1964). Đồng chí Lê Chủ được nghỉ hưu tháng 10/1964. Về hưu đồng chí được mời tham gia giúp việc cho Ủy ban Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Dù ở cương vị nào, thời điểm nào, đồng chí Lê Chủ cũng luôn luôn giữ vững kỷ luật của Đảng, nêu cao tinh thần cách mạng, hăng hái hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức giao cho. Những năm tháng hoạt động cách mạng gian khó, lại bị địch bắt tù đày tra khảo khiến sức lực đồng chí dần suy kiệt và phải thường xuyên đi điều trị bệnh. Đồng chí Lê Chủ mất ngày 05/3/1980 và an táng tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội)./.
Nguyễn Thị Yến (Tổng hợp)
Nguồn: - Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa (Tập 1, NXB Thanh Hóa - 2010)
- Hồi ký: “Đời hoạt động của tôi” (Lê Chủ)