Trong suốt cuộc đời hoạt động, ông đã tham gia cống hiến trên 40 năm cho cách mạng, hai lần bị thực dân Pháp bắt tù đày nhưng ông vẫn một lòng sắt son với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, không sợ hy sinh gian khổ. Những năm còn lại, mặc dù tham gia cống hiến ở nhiều cương vị khác nhau nhưng ông luôn là người nghiêm túc, gương mẫu, trong sạch. Ông là một tấm gương sáng ngời để cho các thế hệ con cháu học tập, noi theo.
Bùi Đạt sinh ngày 15 tháng 10 năm 1904, tại xã Thịnh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cụ thân sinh ra ông là một nhà nho dạy học ở Hà Nội nên ông thường xuyên được kèm cặp dạy học từ khi còn rất nhỏ. Là người có chữ nghĩa và sớm giác ngộ cách mạng, năm 1933, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản.
Tháng 6 năm 1934, Bùi Đạt bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thanh Hóa. Tháng 12 năm 1935, ông ra tù và tìm cách liên lạc với Đảng, tiếp tục hoạt động theo sự phân công của tổ chức. Tháng 2 năm 1936, ông được bầu vào Tỉnh ủy lâm thời của Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa, lãnh đạo công khai và bán công khai ở khu vực thị xã và ven thị xã Thanh Hóa. Những hoạt động công khai của Đảng do ông phụ trách đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào các tổ chức như: Đoàn thanh niên dân chủ, Hội phụ nữ dân chủ, Hội học sinh…
Tháng 5 năm 1938, tỉnh ủy có chủ trương thành lập “Thanh Hoa thư quán” đại lý phát hành sách, báo công khai của Đảng, ông được giao nhiệm vụ làm chủ hiệu và Trịnh Hữu Thường là người trực tiếp bán và giao dịch sách báo cách mạng. “Thanh Hoa thư quán” dần dần đã trở thành trung tâm tuyên truyền, cung cấp sách, báo cho các cơ sở cách mạng trong tỉnh. Các tờ báo Tiến lên và cuốn “Vấn đề dân cày” của Qua Ninh, Vân Đình (tức Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp) đã trở thành vũ khí tuyên truyền sắc bén, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các cuộc đấu tranh. Đến cuối năm 1938, nhiều hội đọc sách báo ở các huyện được thành lập như: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, Thiệu Hóa… đã thu hút được đông đảo các tầng lớp quần chúng, nhất là tầng lớp thanh niên vào trận tuyến đấu tranh.
Ngày 20 tháng 6 năm 1939, tại làng Yên Lộ (xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Yên), Hội nghị đại biểu Tỉnh Đảng bộ được tổ chức. Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành mới gồm 5 đồng chí: Lê Chủ, Nguyễn Đức Dương, Hoàng Văn Mạch, Hoàng văn Cài, Bùi Đạt. Đồng chí Lê Chủ được cử làm Bí thư.
Chùa Hội Quản, thị xã Thanh Hóa - nơi đồng chí Bùi Đạt tổ chức mít tinh ủng hộ Trung Hoa kháng Nhật ngày 7/7/1939.
Ngày 7 tháng 7 năm 1939, tại thị xã Thanh Hóa, đồng chí Bùi Đạt đã đứng ra tổ chức cuộc mít tinh lớn ở Hội Quán Hoa Kiều (chùa Hội Quản – nay là Nhà xuất bản Thanh Hóa), thu hút gần 600 người ở thị xã và các huyện lân cận tham dự. Trong cuộc mít tinh, Ông đã thay mặt cho nhân dân Thanh Hóa đọc diễn văn ca ngợi tinh thần kháng chiến anh dũng của nhân dân Trung Quốc và bày tỏ tình đoàn kết, chiến đấu của nhân dân Thanh Hóa với nhân dân Trung Quốc. Ông trao cho đại diện Hoa kiều 108 đồng Đông Dương, hàng trăm lá thư với hàng ngàn chữ ký nhờ gửi sang Trung Quốc, biểu lộ tinh thần ủng hộ của nhân dân ta với nhân dân Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật.
Sau khi kết thúc cuộc mít tinh, ông đã bị mật thám bắt. Cũng ngay lúc đó, một cao trào đấu tranh chống khủng bố của quần chúng nhân dân đòi trả tự do cho đồng chí Bùi Đạt được diễn ra ở hầu hết các huyện thị.
Ra khỏi nhà tù thực dân lần thứ hai, cuối năm 1944 ông về huyện nhà, hoạt động trực tiếp cùng với Đinh Chương Lân, tổ chức giành chính quyền ở Hậu Lộc.
Tháng 11 năm 1945, ông được Đảng phân công làm Chủ tịch Việt Minh tỉnh, từ tháng 3 năm 1948 đến tháng 3 năm 1949, ông được cử làm quyền Bí thư tỉnh ủy. Đây là thời kỳ hết sức khó khăn, chính quyền nhân dân còn non trẻ, trong khi đó nạn đói chưa qua, thù trong giặc ngoài đe dọa, âm mưu bóp chết chính quyền cách mạng. Ông đã cùng tập thể Tỉnh ủy và chính quyền, thực hiện chủ trương của Trung ương, kiên quyết trừng trị bọn tai sai phản động, trong đó quốc dân Đảng là đối tượng trực tiếp phá hoại mạnh nhất.
Tháng 9 năm 1949, ông được bầu vào Ban chấp hành Liên khu ủy khu IV. Năm 1951, ông được bầu vào Thường vụ Khu ủy và chuyển công tác vào Quân khu IV. Tháng 7 năm 1955, ông công tác tại Bộ Nội thương, tham gia Đảng đoàn của Bộ, nhận chức Trưởng ban cải tạo Công thương nghiệp. Sau đó, ông lần lượt làm Tổng Giám đốc Công ty Bông vải sợi; Cục trưởng Cục Công nghệ của Bộ; Hiệu trưởng Trường Thương nghiệp Trung ương. Cuối năm 1964, ông nghỉ hưu tại quê hương Thanh Hóa.
Trong suốt cuộc đời hoạt động, ông đã tham gia cống hiến trên 40 năm cho cách mạng, hai lần bị thực dân Pháp bắt tù đày nhưng ông vẫn một lòng sắt son với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, không sợ hy sinh gian khổ. Những năm còn lại, mặc dù tham gia cống hiến ở nhiều cương vị khác nhau nhưng ông luôn là người nghiêm túc, gương mẫu, trong sạch. Ông là một tấm gương sáng ngời để cho các thế hệ con cháu học tập, noi theo. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa mãi mãi ghi nhớ ông - người cộng sản kiên trung.
Nghiêm Thị Hằng (Tổng hợp)
TLTK: - Lịch sử Thanh Hóa, tập V (1930 -1945) - NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1996
- Những chiến sỹ Cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa T1-NXB Thanh Hóa 2010