Ngày 29/7/1930, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được tổ chức tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Đại hội đã bầu ra ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 đồng chí, đồng chí Lê Thế Long được cử làm Bí thư. Hội nghị cũng thảo luận và quyết định một số nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là bước ngoặt trọng đại, từ đây phong trào cách mạng tỉnh nhà có Đảng lãnh đạo trực tiếp sẽ vững bước vượt qua những thử thách hiểm nghèo, cùng nhân dân cả nước tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Từ 1975 – 1995
8. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ VIII (từ ngày 19 – 28/5/1975)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ VIII diễn ra từ ngày 19 đến ngày 28 tháng 5 năm 1975, tại thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa). Tham dự Đại hội có 399 đại biểu chính thức và 18 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho gần 9 vạn đảng viên trong toàn tỉnh.
Đánh giá tình hình hoạt động trong nhiệm kỳ từ năm 1969 đến 1975 Đại hội nêu rõ: Trong những năm qua, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, gian khổ hy sinh, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - văn hóa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường; Đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của giặc Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Đại hội chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ, phấn đấu trong những năm 1975 - 1977 là: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 22, 23 và Chỉ thị 208 của Trung ương Đảng, phát huy khí thế cách mạng toàn dân, sử dụng hợp lý tài nguyên, đất đai, lao động và cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng, giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, tiến hành công nghiệp hóa, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...
Để mở đầu và làm đà cho việc hoàn thành toàn diện và xuất sắc những nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, Đại hội đã quyết định mở đợt hành động 55 ngày từ 5/6 – 30/7/1975 lấy tên là “ Tiến vào thời kỳ mới”.
Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 33 đồng chí Ủy viên chính thức và 8 Ủy viên dự khuyết. Bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí, do đồng chí Lê Thế Sơn làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Len làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Hoàng Văn Hiều là Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách công tác chính quyền.
9. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ IX (vòng I, từ ngày 11 đến ngày 19/11/1976, vòng II, từ ngày 5 đến ngày 11/5/1977)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ IX được tiến hành 2 vòng tại Hội trường 25B của tỉnh. Vòng I, từ ngày 11 đến ngày 19/11/1976, có nhiệm vụ thảo luận Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội IV của Đảng. Vòng II, từ ngày 5 đến ngày 11/5/1977, đánh giá tình hình hoạt động trong nhiệm kỳ VIII, xác định phương hướng, nhiệm vụ và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới.
Đại hội đánh giá: Trong 2 năm 1975-1976, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã đạt được những thành tích tiến bộ. Nền kinh tế được tổ chức lại một bước theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, đang tạo ra những biến đổi mới trong cơ cấu kinh tế, mở rộng và đẩy mạnh sản xuất, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật. Sự nghiệp giáo dục, văn hoá, thông tin, báo chí, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển, chất lượng tiến bộ. Cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch đạt kết quả bước đầu.
Công tác quân sự địa phương đã hoàn thành tốt các đợt huy động nghĩa vụ quân sự. Chăm lo củng cố lực lượng vũ trang, giải quyết những vấn đề sau chiến tranh, chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ. Các đoàn thể quần chúng có tiến bộ trong giáo dục tư tưởng, chính trị và phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào sản xuất, xây dựng con người mới, nếp sống mới. Bộ máy chính quyền bước đầu phát huy hiệu lực tổ chức quản lý kinh tế, xã hội. Công tác xây dựng đảng đã quan tâm về chất lượng giáo dục lý luận và sinh hoạt chính trị, củng cố tổ chức cơ sở đảng nên đã tạo ra được sự quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Đại hội xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ các năm 1977 - 1978 như sau: Phấn đấu đạt 75 vạn tấn lương thực, 65 vạn con lợn, 2 vạn tấn cá biển, xuất khẩu 50 triệu đồng/năm. Đưa 3 vạn lao động lên miền núi phát triển kinh tế mới, phấn đấu 70% số xã phổ cập cấp I...
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 39 đồng chí, bầu 11 đồng chí vào Ban thường vụ Tỉnh ủy, do đồng chí Hoàng Văn Hiều làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Thế Sơn - phó Bí thư trực Đảng, đồng chí Trịnh Ngọc Bích - phó Bí thư phụ trách công tác chính quyền.
10. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ X (từ ngày 5 – 12/10/1979)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ X diễn ra từ ngày 5-12/10/1979 có 498 đại biểu, đại diện cho hơn 96.000 đảng viên tham dự Đại hội trong toàn tỉnh tại Hội trường 25B của tỉnh.
Đại hội đánh giá: Trong 2 năm (1977-1978) thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Đảng, Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, tỉnh ta đã giành được thành tích to lớn.
Việc tổ chức lại sản xuất được tiếp tục đẩy mạnh, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được củng cố và tăng cường với nhiều nhân tố mới tích cực, cơ sở vật chất, kỹ thuật của các ngành kinh tế, nhất là nông nghiệp được tăng thêm, việc tổ chức đời sống nhân dân được chú trọng toàn diện hơn. Phong trào cách mạng quần chúng trong sản xuất, xây dựng, sẵn sàng chiến đấu, tổ chức đời sống, phát triển tương đối liên tục, rộng khắp mà nổi lên là phong trào Định Công hoá trong nông nghiệp.
Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường trước tình hình mới. Tinh thần sẵn sàng chiến đấu được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững, lực lượng vũ trang phát triển cả số lượng và chất lượng, hoàn thành xuất sắc công tác tuyển quân.
Đảng bộ được củng cố về tư tưởng và tổ chức, gắn với nhiệm vụ chính trị và phong trào quần chúng. Các tổ chức đảng trong tỉnh đã coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng đảng viên, củng cố tổ chức cơ sở Đảng. Chi bộ Đảng cấp huyện từng bước được xây dựng, chủ động trong chỉ đạo một số mặt công tác, quản lý kinh tế, xây dựng tổ chức đời sống có nhiều tiến bộ.
Đại hội đánh giá tình hình hoạt động trong nhiệm kỳ IX như sau: Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật tăng thêm, đời sống nhân dân được quan tâm. Phong trào thi đua lao động sản xuất, chi viện cho các chiến trường biên giới Tây Nam và phía Bắc sôi động. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn với phát triển phong trào thi đua, các cấp ủy Đảng từng bước nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội...
Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ như sau: Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống đoàn kết và ý chí tự lực, tự cường, tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý, kết hợp kinh tế với quốc phòng, hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976 - 1980), bảo đảm yêu cầu chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, làm tốt nghĩa vụ quốc tế với tỉnh Hủa Phăn (Lào)...
Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 45 đồng chí, bầu 13 đồng chí vào Ban thường vụ Tỉnh ủy, do đồng chí Hoàng Văn Hiều làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Thế Sơn làm phó Bí thư trực Đảng; đồng chí Trịnh Ngọc Bích làm phó Bí thư phụ trách công tác chính quyền.
11. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh TH lần thứ XI (vòng I - cuối 1982 và vòng II - được tiến hành từ ngày 28/3 đến 1/4/1983)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh TH lần thứ XI vòng I - cuối 1982 và vòng II - được tiến hành từ ngày 28/3 đến 1/4/1983 tại Hội trường 25B của tỉnh, gồm 300 đại biểu, thay mặt cho gần 108.000 Đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Đại hội đã nhất trí đánh giá: Trong nhiệm kỳ X, tỉnh ta đã đạt thắng lợi toàn diện trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đạt 72 vạn tấn năm 1982; cơ sở vất chất được tăng cường, trong 4 năm 1979-1982, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh là 635 triệu đồng. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản lượng tăng 7,8%, hàng hóa vận chuyển liên tỉnh tăng 41%, số dư tiết kiệm tăng 60%... Hoạt động khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội phát triển một bước so với năm 1979.
Sự nghiệp giáo dục phổ thông có mặt phát triển, các huyện miền xuôi đã hoàn thành phổ cập cấp I và 29% phổ cập cấp II, công tác phòng chống dịch bệnh xã hội kết quả khá; thể dục- thể thao từng bước phát triển (có 420 đơn vị cơ sở đạt tiên tiến). Công tác văn hoá, thông tin, báo chí có nhiều đóng góp thiết thực, phục vụ nhiệm vụ chính trị và các công tác lớn trong tỉnh.
Công tác quốc phòng - an ninh, trong những năm qua được tăng cường, làm tốt nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến, làm tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng dự bị động viên và xây dựng các tuyến phòng thủ, phòng chống gián điệp, phản động, chống vượt biên, vượt biển, bảo vệ các trọng điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng.
Đoàn thể quần chúng đã phối hợp với chính quyền và các cơ quan chuyên môn, động viên quần chúng tham gia các phong trào sản xuất, tổ chức đời sống.
Công tác xây dựng Đảng được gắn với nhiệm vụ trước mắt, tăng cường lãnh đạo, tổ chức, quản lý kinh tế.
Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ từ 1983 - 1985 là: đổi mới cung cách làm ăn, phát huy tiềm năng thế mạnh, sản xuất nhiều hàng hóa, nhất là lương thực, đến năm 1985 phấn đấu đạt 85 vạn tấn lương thực, giá trị công nghiệp đạt 300 triệu đồng..., xây dựng phát triển văn hóa, ổn định và từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hoàn thành nghĩa vụ Nhà nước. Tăng cường quốc phòng - an ninh, đập tan chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, tổ chức lãnh đạo thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 49 đồng chí, trong đó có 4 đồng chí dự khuyết; bầu 13 đồng chí vào Ban thường vụ Tỉnh ủy, bầu đồng chí Hà Trọng Hòa làm Bí thư; đồng chí Trịnh Ngọc Chữ làm phó Bí thư trực Đảng; đồng chí Hà Văn Ban làm phó Bí thư phụ trách công tác chính quyền.
12. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XII (từ ngày 23- 29/10/1986)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XII diễn ra từ ngày 23- 29/10/1986 tại Hội trường 25B của tỉnh. Đại hội đã đóng góp ý kiến cho Dự thảo Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đánh giá tình hình hoạt động trong nhiệm kỳ XI, xác định phương hướng, nhiệm vụ, triển khai sự nghiệp đổi mới và bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới.
Đại hội nhất trí đánh giá, trong 3 năm (1983-1985) ta có những chuyển biến tiến bộ trên nhiều mặt sản xuất, đời sống, văn hoá, xã hội. Nổi bật là sản xuất nông nghiệp có bước phát triển tương đối toàn diện với tốc độ khá, đặc biệt giành thắng lợi lớn về sản xuất lương thực và nắm lương thực (đạt 80 vạn tấn năm 1985). Cơ sở vật chất kỹ thuật nhiều ngành kinh tế, văn hoá được tăng cường; tổng sản phẩm xã hội tăng bình quân 7%/năm (so với thời kỳ 1976- 1980 tăng 1%).
Cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã nâng cao tinh thần cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn phá hoại nhiều mặt của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng chiến đấu ở các tuyến biên giới, bờ biển; phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ vượt biển trốn ra nước ngoài, âm mưu nhen nhóm tổ chức phản động, chống chiến tranh tâm lý của địch, chi viện tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Công tác xây dựng Đảng đã bám sát nhiệm vụ chính trị và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, đấu tranh chống tiêu cực, đoàn kết nội bộ, tăng cường đội ngũ cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở.
Đại hội xác định phương hướng nhiệm vụ là: Từ lương thực, xuất khẩu, sản xuất hàng hóa phong phú, đa dạng mà đi lên. Xây dựng cơ cấu kinh tế sát hợp. Gắn phát triển kinh tế với xã hội, coi trọng chiến lược xây dựng con người, lấy giáo dục phổ thông và bảo vệ sức khỏe làm cơ bản. Thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, lấy dân làm gốc, lấy cơ sở làm nền tảng, lấy sức mạnh tại chỗ là chính. Tập trung sức mạnh tổng hợp, khai thác tiềm năng sức mạnh của 4 vùng kinh tế. Trọng điểm là khai thác thế mạnh trung du - miền núi, tăng cường đầu tư khai thác kinh tế biển, tạo thế đi lên vững chắc của đồng bằng...
Khẩu hiệu hành động là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và ý chí cách mạng tiến công, đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức và cán bộ, tiếp cận tiến bộ khoa học hiện đại, thực hiện cơ chế quản ly mới, sáng tạo cách làm, đi lên với tốc độ nhanh, năng suất, chất lượng và hiệu quả.”
Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII gồm 54 đồng chí chính thức và 18 đồng chí dự khuyết. Ban chấp hành Đảng bộ đã bầu 15 đồng chí vào Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bầu đồng chí Hà Trọng Hòa làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Quách Lê Thanh làm phó Bí thư trực Đảng; đồng chí Hà Văn Ban làm phó Bí thư phụ trách chính quyền; đồng chí Vũ Thế Giao làm phó Bí thư, trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy.
13. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh TH lần thứ XIII (vòng I từ 25-27/4/1991, vòng II từ 24-27/9/1991)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh TH lần thứ XIII vòng I từ 25-27/4/1991, vòng II từ 24-27/9/1991, có nhiệm vụ thảo luận bổ sung ý kiến cho Văn kiện Dự thảo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII; vòng II từ ngày 24 đến ngày 27/9/1991 gồm 495 đại biểu đại diện cho các cơ sở Đảng trong tỉnh.
Đại hội đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá: Gần 5 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, tỉnh ta đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện. Nhiều lĩnh vực kinh tế có bước phát triển về thực chất, đời sống nhân dân đỡ khó khăn, có một bộ phận được cải thiện. Bộ mặt xã hội có những thay đổi tiến bộ. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân mang màu sắc phong kiến, tiểu tư sản trong đảng bộ đã được tiến hành mạnh mẽ và đem lại kết quả tốt. Tư tưởng và tổ chức trong đảng bộ chuyển biến tốt, đoàn kết nội bộ được tăng cường, tạo đà tiếp tục tiến hành đổi mới sâu sắc và toàn diện hơn.
Đại hội đề ra một số mục tiêu cụ thể như sau: Đẩy nhanh tốc độ phát triển nông nghiệp và hàng tiêu dùng, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo tích luỹ từ nền kinh tế địa phương. Phấn đấu tăng lương thực hàng năm 3% để đến năm 1995 có sản lượng lương thực 95 vạn tấn. Tăng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm từ 7 – 8%, kim ngạch xuất khẩu đạt 35 triệu USD vào năm 1995. Tỷ lệ tăng dân số đến năm 1995 giảm xuống 1,9%, phổ cập tiểu học và xoá mù chữ trong độ tuổi 15-35, xây dựng gia đình văn hoá, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thu hẹp hộ đói nghèo, tăng nhanh tỷ lệ gia đình có đời sống khá. Xây dựng quốc phòng – an ninh vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đại hội xác định cần tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, tiếp tục đổi mới cơ cấu quản lý, thúc đẩy phát triển nhanh nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phấn đấu tăng tổng sản phẩm xã hội bình quân hàng năm 7%.
Đại hội đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong thời kỳ 1991 - 1995 như sau: Phát huy thành quả đạt được, khắc phục hạn chế yếu kém, tổ chức sáng tạo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng; giữ vững thế ổn định chính trị, tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện cơ cấu quản lý, khuyến khích phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, cải thiện đời sống nhân dân, đẩy lùi tiêu cực và bất công, tạo đà tiến lên trong giai đoạn tiếp theo.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 51 đồng chí, 13 đồng chí được bầu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy; đồng chí Lê Văn Tu được bầu làm Bí thư, đồng chí Lê Xuân Sang được bầu làm phó Bí thư trực Đảng, đồng chí Mai Xuân Minh được bầu làm phó Bí thư phụ trách công tác chính quyền.
Ngân Dung
Tài liệu tham khảo:
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1975- 2005, NXB Thanh Hóa, 2009.
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1930- 1954, (tái bản) NXB Thanh Hóa, 2010.
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1954- 1975, (tái bản) NXB Thanh Hóa, 2010.
- baothanhhoa.vn: Các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954); trong chống Mỹ cứu nước (1954 -1975); giai đoạn 1975 – 1995; giai đoạn CNH, HĐH (1996 - 2010).