Ngày 29/7/1930, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được tổ chức tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Đại hội đã bầu ra ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 đồng chí, đồng chí Lê Thế Long được cử làm Bí thư. Hội nghị cũng thảo luận và quyết định một số nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là bước ngoặt trọng đại, từ đây phong trào cách mạng tỉnh nhà có Đảng lãnh đạo trực tiếp sẽ vững bước vượt qua những thử thách hiểm nghèo, cùng nhân dân cả nước tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
85 năm đã qua, 17 kỳ đại hội đã được tiến hành, dưới ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã phát huy truyền thống tốt đẹp, vượt qua bao khó khăn thử thách, giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đạt được những kết quả quan trọng, đáng tự hào. Hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu về các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Từ 1945 -1954
1. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất (tháng 2/1948)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 2 năm 1948, tại làng Thuần Hậu, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, gồm 100 đại biểu, đại diện cho gần 4 ngàn đảng viên của Đảng bộ tỉnh.
Đại hội diễn ra giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta đang giành thắng lợi giòn giã tại Việt Bắc, lực lượng so sánh giữa ta và địch có nhiều chuyển biến, giặc Pháp ngày càng gặp nhiều khó khăn khiến chúng phải từ bỏ chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, chuyển sang chiến lược đánh lâu dài. Trong tỉnh, quân và dân Thanh Hóa liên tiếp giành những thắng lợi, tiêu hao sinh lực địch, đập tan “Hành lang Đông – Tây”, xóa sổ các tổ chức tay sai, phản động của Pháp, đập tan các cuộc càn quét, bạo loạn của địch…
Đại hội đã nghiêm túc kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu”.
Nghị quyết đại hội nêu rõ việc lãnh đạo toàn dân tập trung mọi nỗ lực để “Xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, thành hậu phương vững mạnh của cuộc kháng chiến, cung cấp sức người, sức của cho chiến trường; tổ chức chiến đấu tại chỗ thắng lợi, bảo vệ vững chắc hậu phương trong mọi tình huống”.
Đại hội đề ra khẩu hiệu “Thượng du thắng là Thanh Hóa thắng” nhằm bảo vệ và xây dựng miền Tây Thanh Hóa - địa bàn chiến lược của tỉnh và cách mạng Lào vững chắc.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 17 đồng chí, đồng chí Hồ Viết Thắng (cán bộ Khu ủy khu IV tăng cường) – được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Đặng Thai Mai làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính. Đồng chí Bùi Đạt làm Phó Bí thư Tỉnh ủy (Sau đó lên Bí thư thay đồng chí Hồ Viết Thắng). Đồng chí Lê Chủ làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
2. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ II (tháng 4/1949)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ II được tổ chức vào tháng 4 năm 1949, tại làng Tạo Vực, xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc. Đại hội đã tiến hành thảo luận Nghị quyết Trung ương 6; Kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất; Xác định phương hướng, nhiệm vụ cách mạng trong công cuộc Xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ, hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến toàn quốc; Bầu Ban chấp hành Tỉnh đảng bộ nhiệm kỳ mới.
Nghị quyết Đại hội tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: Thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành mặt trận dân tộc vững mạnh, lấy tên chung là Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam tỉnh Thanh Hóa; Tăng cường đoàn kết toàn dân, củng cố chính quyền cách mạng, nâng cao uy tín của HĐND các cấp; Phát triển đảng viên, xây dựng cơ sở Đảng.
Nghị quyết Đại hội cũng nêu rõ: Về kinh tế: Xây dựng tổ đổi công HTX bậc thấp, thực hiện giảm tô 25%, phát triển thủ công nghiệp, tích cực tiếp tế cho vùng thượng du, bao vây kinh tế địch; Về văn hóa: Tiếp tục thanh toán nạn mù chữ, phát triển giáo dục phổ thông, xây dựng nếp sống mới vui tươi lành mạnh; Về quân sự: Tích cực xây dựng củng cố lực lượng vũ trang địa phương, kết hợp tiến công quân sự kết hợp với công tác binh vận tiêu diệt sinh lực địch. Về xây dựng Đảng: Phát triển đảng viên, tăng cường công tác giáo dục, xây dựng nhiều chi bộ “Tự động”.
Đại hội bầu BCH Đảng bộ tỉnh, gồm 17 đồng chí, bầu đồng chí Nguyễn Văn Thân (cán bộ Khu ủy IV tăng cường) làm Bí thư Tỉnh ủy. Cuối năm 1949, Đồng chí Thân được điều động công tác khác, đồng chí Đặng Thí được Liên khu ủy IV điều về làm Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Ngô Đức làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đồng chí Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính.
3. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ III (từ ngày 20/6 đến ngày 5/7/1950)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ III được tổ chức từ ngày 20/6 đến ngày 5/7/1950, tại làng Sơn Trung, xã Hợp Thành, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn).
Đại hội đã đánh giá các mặt đạt được từ sau Đại hội lần thứ II và nhấn mạnh: Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tích cực thi đua lập được nhiều thành tích to lớn trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Riêng về kinh tế, văn hóa có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng lớn của kháng chiến.
Đại hội đã khẳng định sự trưởng thành về nhiều mặt trong quá trình lãnh đạo nhân dân kháng chiến và xây dựng hậu phương. Đại hội cũng nhấn mạnh: Thời gian tới Đảng bộ phải nâng cao tính giai cấp, nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu kháng chiến kiến quốc. “Thanh Hóa không thể không xây dựng thành căn cứ địa, thành hậu phương vững chắc của các chiến trường chính, của Liên khu 4”, phải phát triển về mọi mặt, xây dựng vững chắc, phục vụ lâu dài.
Với quyết tâm xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ địa, hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ: phải tăng cường sức mạnh của chế độ dân chủ nhân dân, khuyến khích mọi lực lượng nhân dân tham gia xây dựng hậu phương ngày càng vững mạnh, củng cố chính quyền, mặt trận; Đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, thực hiện chính sách ruộng đất…; Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, xây dựng Đảng theo nguyên tắc Mác – Lênin, kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh công tác tư tưởng, nâng cao ý thức giai cấp. Đại hội phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”.
Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 19 đồng chí, đồng chí Trần Hữu Duyệt (cán bộ Khu ủy IV tăng cường) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính. Đồng chí Ngô Đức làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
4. Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV (từ ngày 1 đến 5/5/1952)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 5 năm 1952.
Đại hội tiến hành kiểm điểm tình hình hoạt động trong nhiệm kỳ III; Xác định phương hướng, nhiệm vụ và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới.
Đại hội chỉ rõ: Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra. Về phục vụ tiền tuyến đã huy động 40 vạn dân công dài hạn phục vụ 3 chiến dịch, vận chuyển 6.000 tấn gạo. Việc thực hiện chính sách thuế nông nghiệp có nhiều tiến bộ, Đảng bộ tỉnh đã phát triển lên 37 ngàn đảng viên, hệ thống tổ chức chặt chẽ.
Đại hội xác định nhiệm vụ trong thời gian tới là: Phát triển sản xuất, cải thiện dân sinh, thực hiện dân chủ, tích cực phục vụ tiền tuyến, bảo vệ hậu phương vững chắc trong mọi tình huống; Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đập tan âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”; Xây dựng căn cứ địa ở khu vực miền núi vững chắc với tinh thần “Thượng du xây dựng vững chắc là Thanh Hóa xây dựng vững chắc”.
Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 21 đồng chí, đồng chí Trần Hữu Duyệt tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đến giữa năm 1952, đồng chí Duyệt được điều đi nhận công tác khác, đồng chí Võ Nguyên Lượng làm Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Ngô Thuyền làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, qua 4 kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh đã xác định phương hướng, chủ trương, giải pháp đúng đắn, tổ chức lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh xây dựng chế độ dân chủ nhân dân phát triển toàn diện (chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự) tạo ra tiềm lực to lớn đáp ứng yêu cầu chiến đấu bảo vệ hậu phương, chi viện cao nhất sức người, sức của cho kháng chiến thắng lợi, góp phần cùng dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mở ra giai đoạn lịch sử mới trên quê hương, đất nước.
Ngân Dung
Tài liệu tham khảo:
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1975- 2005, NXB Thanh Hóa, 2009.
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1930- 1954, (tái bản) NXB Thanh Hóa, 2010.
- Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá 1954- 1975, (tái bản) NXB Thanh Hóa, 2010.
- baothanhhoa.vn: Các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954); trong chống Mỹ cứu nước (1954 -1975); giai đoạn 1975 – 1995; giai đoạn CNH, HĐH (1996 - 2010).