Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đầy thử thách và gian nan, có biết bao sự kiện và chặng mốc quan trọng đi vào ký ức của mỗi người dân Việt Nam được nhân loại tôn vinh và ca ngợi, thì giai đoạn có ý nghĩa nhất, đó là giai đoạn dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn thể nhân dân chiến thắng kẻ thù xâm lược mạnh nhất thời hiện đại, đó là thực dân Pháp, tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan xiềng xích nô lệ của Pháp trong gần một thế kỷ tại Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa Xã hội.
Đây là giai đoạn ngắn ngủi so với lịch sử dân tộc, nhưng đầy đau thương và uất hận, thăng trầm và biến cố, vẻ vang và anh hùng. Tất cả đều được ghi dấu bằng những kỷ vật và di vật mà hơn nửa thế kỷ qua, bằng sự cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ Bảo tàng Thanh Hóa đã đi sưu tầm từ mọi miền đất nước có liên quan tới giai đoạn lịch sử này để giới thiệu với nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc và trọn vẹn từng sự kiện, từng chặng mốc về lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Thanh Hóa nói riêng. Trong đó, vai trò lãnh đạo cũng như đóng góp của Đảng cộng sản Việt Nam nói chung, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nói riêng vào tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc là vô cùng lớn lao và mang tính quyết định.
Trong hàng ngàn những hiện vật của thời cách mạng hào hùng, Bảo tàng Thanh Hóa lựa chọn những hiện vật đặc sắc nhất, tiêu biểu nhất có liên quan tới các nhân vật, sự kiện nằm trong quá trình vận động thành lập Đảng Bộ tỉnh và thực hiện thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tháng Tám năm 1945 giới thiệu tại phòng trưng bày "Truyền thồng yêu nước và cách mạng Thanh Hóa"(giai đoạn 1858 - 1945). Đó là vật chứng của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước đem trí tuệ, sức lực, xương máu góp phần cùng toàn thể tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại. Đó là bộ phận văn hóa vật thể quí giá trong tài sản văn hóa độc đáo của dân tộc mà ở đó chứa đựng hằng hà những câu chuyện xúc động, đầy tính nhân văn và cách mạng. Là cơ sở vật chất, điều kiện cho các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp cận, phát huy giá trị văn hóa để góp phần tăng thêm nhiệt huyết, niềm tự hào, vững tin vào tương lai của dân tộc.
Năm 1885, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng ở Việt Nam. Thực dân Pháp hoàn tất công cuộc xâm lược Việt Nam và phong trào chống Pháp sôi nổi rộng khắp trong cả nước bùng nổ. Để duy trì ách thống trị ở Việt Nam, thực dân Pháp áp dụng chính sách chia để trị, thủ đoạn cai trị bằng vũ lực, đàn áp kết hợp với dụ dỗ, mua chuộc thủ tiêu sức đấu tranh của nhân dân, hết sức khai thác và bóc lột thuộc địa. Để phản ánh những sự kiện lịch sử trên, Bảo tàng đã nghiên cứu, sưu tầm nhiều tư liệu hiện vật có giá trị để trưng bày.
Đấu và sưu tập thẻ cho vay nặng lãi của địa chủ phong kiến
Các sỹ phu tham gia phong trào kháng thuế ở Thanh Hoá năm 1908 bị địch bắt đầy đi Côn Đảo
Không chịu khuất phục trước kẻ thù, nhân dân ta cương quyết đứng lên chống lại bọn cướp nước và bè lũ bán nước. Dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước, nhân dân Thanh Hóa từ miền xuôi đến miền ngược đã hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Hùng Lĩnh. Các cuộc khởi nghĩa ấy mặc dù đã bị kẻ thù dìm trong biển máu, song tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của nhân dân ta mà tiêu biểu là các sĩ phu yêu nước: Tống Duy Tân, Hoàng Bật Đạt, Trần Xuân Soạn, Cầm Bá Thước…là những tấm gương ngời sáng về tinh thần yêu nước vào cuối thế kỷ 19. Song các cuộc khởi nghĩa, các phong yêu nước chống Pháp đều không thành công vì tính tự phát khi chưa có một Đảng Cộng sản chỉ lối, soi đường.
Đầu thế kỷ 20, những người con yêu nước của Thanh Hóa tiêu biểu như: Đinh Chương Dương, Lê Mạnh Trinh, Lê Hữu Lập được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo, tiếp thu Chủ Nghĩa Mác - Lênin đã trở thành những hạt nhân cho phong trào cách mạng của nhân dân trong tỉnh. Hai tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản là Tân Việt cách mạng Đảng và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Thanh Hóa sớm thành lập và hoạt động đã tạo tiền đề cho Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thanh Hóa ra đời.
Sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1930 như một tất yếu của quá trình vận động truyền bá những tư tưởng của chủ nghĩa Mác -Lênin vào Việt Nam kết hợp với chủ nghĩa yêu nước mà những cuộc khởi nghĩa, những tác phẩm như Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc là những minh chứng cụ thể thể hiện tất yếu lịch sử ấy.
Tại Thanh Hóa, tháng 6 năm 1930, Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Thanh Hóa ra đời tại làng Hàm Hạ (Đông Sơn). Tháng 7/1930 hai chi bộ Phúc Lộc (Thiệu Hóa) và Yên Trường (Thọ Xuân) được thành lập. Ngày 29/7/1930 Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa được thành lập tại làng Yên Trường (Thọ Xuân). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Thanh Hóa giai đoạn 1930 - 1931 rồi 1936 - 1939 đến 1940 - 1945 vượt qua nhiều chông gai thử thách, chính là những bước tập dượt vô cùng quan trọng tạo điều kiện, tiền đề để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh tháng Tám năm 1945.

Để phản ánh những sự kiện lịch sử trên, Bảo tàng đã trưng bày giới thiệu những kỷ vật của các vị tiền bối của Đảng như Nguyễn Doãn Chấp, Lê Thế Long, Ngô Đức Mậu, Lê Chủ ...liên quan tới hoạt động vận động cho sự ra đời của Đảng và lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng. Chiếc Mâm xà dùng làm bàn in báo "Tiến lên" năm 1930; sưu tập Hồ sơ án các đồng chí Nguyễn Kim Thanh, Mai Thị Hằng, Nguyễn Xuân Thúy, Lê Tất Đắc, Đặng Văn Hỷ...bị bắt thời kỳ 1930 - 1945 lưu tại Sở mật thám Pháp cùng những sưu tập sách, tài liệu tuyên truyền Cách mạng thời kỳ 1930 - 1945.
Kỷ vật của cách mạng tháng Tám năm 1945 là những hiện vật gắn liền với quá trình hoạt động của đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh - Nguyên Tổng Bí thư ĐCSVN), đồng chí Tố Hữu đã về Thanh Hóa chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh cùng với những ấn phẩm: Những điều cần biết của người cộng sản, Các điều lệ tổ chức quần chúng: thanh niên, phụ nữ...Con dao găm, kiếm dùng để bảo vệ đồng chí Nguyễn văn Linh, Đặng Châu Tuệ - Hình ảnh ngôi nhà mẹ Tơm (Hậu Lộc) cơ sở hoạt động bí mật của Đảng đồng thời là cơ sở in báo "đuổi giặc nước"- tráp cắt tóc của con trai mẹ Tơm dùng để cất dấu tài liệu và cắt tóc lấy tiền nuôi đồng chí Tố Hữu và các chiến sỹ cách mạng.
Ngày 19 tháng 9 năm 1941, tại chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành), đội du kích Ngọc Trạo - lực lượng vũ trang đầu tiên của nhân dân Thanh Hóa ra đời, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang trên phạm vi toàn tỉnh mà kỷ vật là những vũ khí thô sơ, là mõ, tù và, súng tự tạo...của các anh hùng liệt sỹ du kích ngày ấy nhưng cũng cho người xem có một cảm nhận sự vang vọng của trống, tù và...tại chiến khu năm xưa.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lại là một tất yếu khác của quá trình chuẩn bị và tập dượt thông qua nhiều phong trào, nhiều mặt trận dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sưu tập báo chí cách mạng như: Tiến lên, Hồn lao động, Tia sáng, Tự do, Đuổi giặc nước, Gái ra trận, Khởi nghĩa, Cứu quốc, Cờ giải phóng....Sưu tập truyền đơn cách mạng: Truyền đơn kỷ niệm ngày1/5, Kỷ niệm Ba Lê Công xã, Khẩu hiệu của thợ thuyền, của học sinh, của phụ nữ, của lính, của các nhà trí thức Việt Nam.. cùng các ấn phẩm: Vấn đề dân cày, Điều lệ nông hội làng, Con đường sống, Nguyệt san Hồn lao động... là chứng cứ của quá trình tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tập hợp quần chúng thành khối sức mạnh theo Đảng làm nên thắng lợi cách mạng tháng Tám lịch sử.
Kỷ vật của cách mạng tháng Tám năm 1945 được lựa chọn trưng bày không nhiều, nhưng tất cả đều phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng để dân tộc tận dụng thời cơ đánh Pháp đuổi Nhật. Minh chứng cho những giá trị đó là chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, là Nghị quyết Quốc dân Đại hội Tân Trào quyết định tổng khởi nghĩa với việc thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tháng 8 năm 1945, là Hiệu triệu của Việt Minh, là lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch v.v…là việc tổ chức quần chúng và đưa quần chúng ra đấu tranh trực diện với quân thù từ hình thức thấp đến hình thức cao v.v…
Ngày 24 tháng 7 năm 1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân diễn ra ở Hoằng Hóa đã thắng lợi trọn vẹn, thúc đẩy các địa phương trong tỉnh đồng loạt đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần vào thành công của Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước..mà hiện vật là chiếc trống dùng làm hiệu lệnh trong khởi nghĩa ở Hoằng Hóa, sưu tập vũ khí tự tạo của nhân dân ta đã dùng trong khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng 8/1945. Thể hiện ý trí quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược giành độc lập cho dân tộc, góp phần xứng đáng cùng nhân dân cả nước vào thắng lợi huy hoàng trong cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trống lệnh dùng trong khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hóa, ngày 24/7/1945
Tsd: UBNDCMLT do đ/c Lê Tất Đắc làm chủ tịch ra mắt đồng bào trong tỉnh ngày 23/8/1945 tại thị xã Thanh Hóa
Và đặc biệt hơn thế nữa kỷ vật của cách mạng tháng Tám năm 1945 là phát huy những giá trị chính trị - tư tưởng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị và lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng này. Bởi lẽ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kiên quyết và kịp thời chính là nhân tố quyết định cho sự thắng lợi trọn vẹn của Cách mạng tháng Tám.năm 1945.
Thông qua trưng bày và phát huy giá trị di sản cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Bảo tàng tỉnh không chỉ góp phần soi sáng lịch sử, mà quan trọng hơn còn là sự tri ân của Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đối với các thế hệ cha, anh đi trước và nâng cao nhận thức cho mỗi người dân tham gia tích cực vào việc bảo vệ, gìn giữ các di dản văn hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay.
Lê Thị Hồng Sử