Bảo tàng Thanh Hóa là Bảo tàng tổng hợp khảo cứu địa phương, hiện đang lưu giữ và trưng bày trên 30.000 đơn vị hiện vật, rất phong phú về loại hình và đa dạng về chất liệu, có niên đại từ thời tiền - sơ sử cho đến cận - hiện đại.
Công tác bảo quản hiện vật ở Bảo tàng là một trong sáu khâu hoạt động của Bảo tàng và cũng được đánh giá là một khâu công tác quan trọng trong sáu khâu hoạt động của bảo tàng. Bởi lẽ, hiện vật muốn được tồn tại lâu dài thì phải được thực hiện bảo quản trị liệu và bảo quản phòng ngừa. Nhưng, với nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm rất hạn chế ở các Bảo tàng Việt Nam nói chung và Bảo tàng Thanh Hóa nói riêng, thì việc thực hiện công tác bảo quản hiện vật là rất khó khăn. Ở Bảo tàng Thanh Hóa, việc bảo quản hiện vật mới chỉ là tạm thời, mang tính chất thủ công, nhỏ lẻ cho một số hiện vật nguy cấp và thật sự cần thiết cho công tác trưng bày, phục vụ khách tham quan . Cách bảo quản này chỉ là chữa cháy, chưa theo đúng quy trình bảo quản của hiện vật bảo tàng, chưa phải là bảo quản trị liệu và bảo quản phòng ngừa hiện vật.
Nhận thấy những khó khăn và hạn chế trong công tác hoạt động chuyên môn, năm 2009 Bảo tàng Thanh Hóa đã xây dựng đề án “Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày Bảo tàng Thanh Hóa giai đoạn 2010 – 2020”.
Nhờ sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng như Sở Văn hóa Thể Thao & Du Lịch, ngày 20/9/2010 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định số 3322/QĐ-UBND, phê duyệt đề án “Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày Bảo tàng Thanh Hóa giai đoạn 2010 – 2020”. Để triển khai đề án, năm 2011 - 2012 Bảo tàng đã chia thành các dự án nhỏ để thực hiện như: dự án “Cải tạo, sửa chữa nâng cấp công trình Bảo tàng”, dự án “Bảo quản, tu sửa hiện vật bảo tàng” và “Sửa chữa, cải tạo, đóng mới tủ, bục hiện vật”. Vì vậy, cơ sở vật chất của Bảo tàng đã được cải tạo và tu sửa, nâng cấp. Các mặt hoạt động của Bảo tàng đã được chú trọng, công tác bảo quản hiện vật lần đầu tiên được thực hiện theo đúng quy trình bảo quản của hiện vật Bảo tàng.
Trước khi thực hiện dự án “Bảo quản, tu sửa hiện vật Bảo tàng”, Bảo tàng đã tham khảo một số Bảo tàng lớn ở Trung ương để tranh thủ ý kiến và ký kết với công ty TNHH Công nghệ Bảo quản - Bảo tồn di sản (có trụ sở đóng tại Hà Nội), thực hiện công tác bảo quản hiện vật và chuyển giao công nghệ bảo quản cho cán bộ Bảo tàng. Đây là công ty đã liên tục thực hiện nhiều dự án bảo quản hiện vật ở một số Bảo tàng Trung ương cũng như địa phương trong nước, nên công ty đã có một số kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực bảo quản hiện vật bảo tàng.
Về chất liệu hiện vật, có thể chia thành 4 nhóm chính: Hiện vật chất liệu đá; Hiện vật chất liệu kim loại; Hiện vật chất liệu hữu cơ và Hiện vật chất liệu gốm, sành sứ và đất nung.
Trong mỗi nhóm hiện vật này, lại bao gồm rất nhiều loại hình khác nhau, phải phân loại khoa học mới có thể làm công tác bảo quản được, ví dụ: Hiện vật chất liệu kim loại có đồng, sắt, nhôm hoặc hợp kim. Ngay trong từng chất liệu cụ thể, lại phải phân ra chủng loại hiện vật. Chỉ riêng đồ đồng có thể phân ra thành rất nhiều nhóm khác nhau như: Trống, thạp, thố, rìu, giáo, lao, vòng trang sức,bình, nồi, chậu…đó là chưa kể những đồ đồng thời cận - hiện đại và những kỷ vật thời kỳ kháng chiến.
Để định ra được quy trình bảo quản hiện vật tối ưu nhất, công việc đầu tiên của cán bộ phòng Kiểm kê - Bảo quản là phải thực hiện thống kê, phân loại, chụp ảnh và đánh giá chính xác tình trạng của từng loại hình và hiện vật. Đây là phần công việc mà cán bộ Bảo tàng phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện, sau đó mới bàn giao hiện vật cho Công ty tiến hành bảo quản. Hiện vật sau khi bảo quản xong lại được chụp ảnh đưa vào hồ sơ để theo dõi tình trạng hiện vật trước và sau khi bảo quản.

Nhưng, nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, sát sao của Ban lãnh đạo Bảo tàng cùng với sự nỗ lực, cố gắng, phối kết hợp nhịp nhàng giữa cán bộ Bảo tàng và Công ty nên kết thúc 2 năm thực hiện dự án “Bảo quản tu sửa hiện vật Bảo tàng” (2011 – 2012), Bảo tàng đã bảo quản được 20.647đơn vị hiện vật. Trong đó:
- Hiện vật chất liệu kim loại có 6.448 đơn vị hv
- Hiện vật chất liệu đá có 5.385 đơn vị hv
- Hiện vật chất liệu hữu cơ có 2.511đơn vị hv
- Hiện vật chất liệu gốm, sành, sứ, đất nung có 6.235 đơn vị hv.
Có thể thấy, tất cả hiện vật sau khi được bảo quản đều được làm sạch hết các lớp bụi bẩn cũng như các vết han rỉ và khoáng hóa bám bên ngoài, lớp pa tin gốc được bảo vệ. Nhóm hiện vật kim loại: cốt hiện vật do đã được ức chế và biến tính nên đã đanh chắc lại, không còn tình trạng mủn nát, dễ vỡ. Những hiện vật thời cận - hiện đại, hiện vật cách mạng, hiện vật kháng chiến, hiện vật dân tộc học mới sưu tầm về không còn hiện tượng han rỉ, giữ được đúng màu hiện vật gốc. Những hiện vật có hoa văn, đặc biệt như nhóm trống, thố, thạp, rìu…, những hiện vật có ký tự như các loại tiền đồng, tiền kim loại khác thì đã có thể nhìn được rõ ràng.

Những hiện vật hữu cơ: do được áp dụng phương pháp bảo quản thích hợp đối với từng loại hiện vật, nên nhìn chung những hiện vật này không còn bụi bẩn, nấm mốc và cả vi khuẩn gây hại.
Những hiện vật chất liệu đá sau khi làm vệ sinh hết rêu và bụi đất bám, một số hiện vật được phủ một lớp hóa chất, tạo màng bên ngoài để bảo vệ lâu dài. Do đó tình trạng hiện vật đã dược cải thiện đáng kể.
Những hiện vật chất liệu gốm: đều được làm vệ sinh sạch sẽ, hoa văn trên hiện vật (nếu có) được lộ rõ. Những hiện vật có xương xốp, phần men có biểu hiện bong tróc cũng được bảo quản làm đanh cứng lại, không còn hiện tượng bong tróc nữa.
Hiện vật sau khi được bảo quản sẽ được lưu giữ nguyên trạng trong một thời gian dài, tránh được tác động ngoại lai, có thể tránh được những tác nhân gây hại của mội trường, hiện vật sẽ được kéo dài tuổi thọ.
Sau khi dự án “Bảo quản, tu sửa hiện vật bảo tàng” kết thúc, Bảo tàng đã triển khai tiếp dự án sửa chữa, cải taọ, đóng mới tủ, bục, mua trang thiết bị bảo quản hiện vật. Đến nay hệ thống tủ, bục hiện vật được cải tạo và bổ sung mới, đã phần nào đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của kho hiện vật bảo tàng. Đồng thời Bảo tàng đã mua được một số trang thiết bị bảo quản hiện vật như: tủ lạnh âm sâu, tủ chống ẩm, máy hút ẩm, máy điều hòa nhiệt độ, máy hút bụi, máy đo nhiệt độ, độ ẩm… để phục vụ công tác bảo quản hiện vật.
Bởi vì, hiện vật muốn giữ được tuổi thọ lâu dài thì sau khi được bảo quản, hiện vật cần được lưu giữ trong hệ thống kho đủ tiêu chuẩn về độ ẩm, (độ ẩm trong kho cần được khống chế trung bình ở mức 60%) , kho có độ thông thóang, không có bụi, có giá, kệ phù hợp với từng loại hình hiện vật, tránh xê dịch, va chạm mạnh. Hiện vật không để chồng lên nhau, không để sát cạnh nhau. Ngoài ra hiện vật không để ánh nắng trực tiếp chiếu vào, vì như vậy sẽ làm giảm tuổi thọ của lớp màng bảo vệ hiện vật.
Hiện nay, hiện vật ở Bảo tàng Thanh Hóa đã được bảo quản trị liệu, đang từng bước bảo quản phòng ngừa, môi trường và hệ thống tủ bục, trang thiết bị kho đã đáp ứng được yêu cầu đề án đề ra. Nhưng, để hiện vật có tuôi thọ lâu dài thì tốt nhất ba năm một lần, hiện vật phải được thực hiện bảo quản định kỳ. Để thực hiện được những yêu cầu trên, cần có sự quan tâm đồng bộ của lãnh đạo tỉnh và Sở VHTT&DL để Bảo tàng có được một địa điểm mới, có không gian rộng rãi, có hệ thống trang thiết bị, giá kệ, tủ bục, phù hợp và tương xứng với loại hình hiện vật. Có như vậy, hiện vật bảo tàng mới lưu giữ được lâu dài, đáp ứng được yêu cầu trưng bày, phát huy giá trị lịch sử để Bảo tàng trở thành địa chỉ đỏ cho du khách mỗi khi có nhu cầu tham quan, học tập và nghiên cứu về lịch sử - văn hóa của xứ Thanh.
Minh Luận