Khu di tích lịch sử Lam Kinh ngày nay được quy hoạch với tổng diện tích 200ha, thuộc địa bàn hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc. Đây là nơi yên nghỉ ngàn thu của người anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vị Hoàng đế, Hoàng Thái hậu vương triều Lê Sơ, là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt.
Lam Sơn – Lam Kinh là vùng đất thiêng “địa linh nhân kiệt”, quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh trong 10 năm đầy gian khổ (1418 – 1427), cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các Vua và Hoàng hậu thời Lê Sơ.
Cuộc khởi nghĩa do người anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo nổ ra vào mùa xuân năm 1418, tại núi rừng Lam Sơn. Trải qua nhiều gian nan thử thách, nhưng với sự đồng lòng trên dưới và tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, đất nước sạch bóng quân thù. Ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế ở Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội), lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một vương triều thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam – vương triều Hậu Lê kéo dài 360 năm.
Năm 1430, Lê Lợi cho đổi Lam Sơn thành Tây Kinh (hay còn gọi là Lam Kinh). Năm 1433, Lê Thái Tổ băng hà và đưa về quê hương Lam Sơn an táng tại Vĩnh Lăng. Từ đây, Lam Kinh trở thành khu sơn lăng.
Kế nghiệp vua Lê Thái Tổ, vua Lê Thái Tông sau khi lên ngôi đã tiếp tục cho xây dựng điện Lam Kinh. Ban đầu điện Lam Kinh được xây dựng với quy mô nhỏ, tính chất chủ yếu là khu “Sơn lăng” (nơi an táng, thờ cúng tổ tiên và các Vua, Hoàng hậu thời Lê Sơ). Sau này để phục vụ cho vua và Hoàng tộc mỗi khi về thăm quê hương, bái yết sơn lăng, qua thời gian điện Lam Kinh dần dần được mở rộng với quy mô to lớn và bề thế hơn.
Với tính chất linh thiêng và tôn nghiêm, vương triều Hậu Lê luôn cắt cử chức quan cùng với một đội quân thường trực ở điện Lam Kinh để trông coi, bảo vệ kinh thành, khu Điện miếu và lăng mộ.
Trong nhiều thế kỷ, khu điện miếu Lam Kinh luôn được tu sửa, làm lại nhiều lần. Gần sáu thế kỷ đã trôi qua, với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự vô thức của con người, Lam Kinh đã bị xuống cấp nghiêm trọng và trở thành phế tích.
Tuy các công trình đền đài điện miếu không còn như xưa, nhưng với không gian cảnh quan, nền móng các công trình kiến trúc lăng mộ, và nhiều di tích, di vật thời Hậu Lê còn lại, Lam Kinh vẫn là địa chỉ đỏ của nhân dân Thanh Hóa nói riêng, của cả nước nói chung, cần được bảo tồn, phát huy giá trị giáo dục truyền thống. Chính vì vậy, năm 1962 di tích Lam Kinh được xếp hạng di tích quốc gia. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 609/TTg phê duyệt Dự án tổng thể tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử Lam Kinh. Năm 2013, Lam Kinh được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận xếp hạng Lam Kinh là Di tích quốc gia đặc biệt.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành về vương triều Hậu Lê, các Hoàng đế, Hoàng hậu, về di tích lịch sử Lam Kinh, nhiều cuộc nghiên cứu khảo cổ học khu trung tâm Lam Kinh đã được triển khai thực hiện, nhằm mục đích xác định quy mô kiến trúc các công trình xưa, vật liệu xây dựng, trang trí mỹ thuật phục vụ cho công tác thiết kế thi công, bảo tồn, phục hồi, tôn tạo. Từ đó đến nay, nhiều hạng mục di tích đã được nghiên cứu bảo tồn nguyên trạng, chống xuống cấp, nhiều hạng mục di tích đã được phục dựng, phục hồi, tu bổ, dần dần tái hiện phần nào diện mạo trước đây của Lam Kinh.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh ngày nay được quy hoạch với tổng diện tích 200ha, thuộc địa bàn hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, nằm cách thành phố Thanh Hóa hơn 50km về phía Tây Bắc. Đây là nơi yên nghỉ ngàn thu của người anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vị Hoàng đế, Hoàng Thái hậu vương triều Lê Sơ, là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt.
Về thăm Lam Kinh, chúng ta càng tự hào về truyền thống lịch sử cha ông, về hào khí Lam Sơn và công lao của Hoàng triều Lê tộc.
Hoàng Thị Vân (Tổng hợp)
Tài liệu tham khảo: Ban quản lý di tích Lam Kinh. Di tích lịch sử Lam Kinh. Nxb Văn hóa thông tin. Trang 27-34.