Chia sẻ những câu chuyện chưa kể của các cựu chiến binh Hàm Rồng tại Bảo tàng tỉnh

Hướng tới kỷ niệm ngày Quốc tế bảo tàng 18/5 năm nay với chủ đề “Bảo tàng và Lịch sử: Chia sẻ những câu chuyện chưa kể tại Bảo tàng”. Bảo tàng tỉnh tổ chức gặp gỡ, tọa đàm với các cựu chiến binh Hàm Rồng để nghe chia sẻ những câu chuyện chưa kể thông qua những hình ảnh, hiện vật Bảo tàng.

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao chất lượng hoạt động, hướng tới kỷ niệm ngày Quốc tế bảo tàng 18/5 năm nay, Bảo tàng tổ chức gặp gỡ, tọa đàm với các cựu chiến binh Hàm Rồng.

Các cựu chiến binh Hàm Rồng tọa đàm, nói chuyện với lãnh đạo, cán bộ Bảo tàng Tỉnh.

Đến thăm bảo tàng Tỉnh đã nhiều lần nhưng với các cựu chiến binh Hàm Rồng mỗi lần đến đây, họ như được sống lại những năm tháng hào hùng của một thời hoa lửa, được nhìn thấy những hình ảnh, hiện vật rất đỗi thân quen lưu giữ, trưng bày tại đây.

Các cựu chiến binh Hàm Rồng tham quan phòng trưng bày “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945 - 1975”.

Câu chuyện hơn năm mươi năm về trước của những người lính đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, bảo vệ quê hương Thanh Hóa, chi viện cho các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được các cựu chiến binh Hàm Rồng kể lại, vẹn nguyên như mới ngày hôm qua.

Những chàng trai, cô gái ngày ấy mới bước qua tuổi mười tám đôi mươi, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ họ tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu bảo vệ quê hương. Cho dù khó khăn, gian khổ, dù thiếu thốn, hiểm nguy, những người lính vẫn cùng đồng đội kiên cường bám pháo, bám trận địa, sẵn sàng hy sinh tất cả cho độc lập, tự do.

Trên trận địa nóng bỏng, vào những giây phút cam go nhất, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển đã vác trên vai hai hòm đạn nặng 98kg, gấp đôi trọng lượng cơ thể để tiếp đạn cho bộ đội chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, năm 1965. Năm tháng qua đi, nữ dân quân ngày ấy nay đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy nhưng mỗi khi đến thăm bảo tàng bà vẫn không khỏi bồi hồi xúc động khi nhìn thấy bức ảnh bà đang vác đạn, mái chèo bà dùng chèo thuyền tiếp đạn cho bộ đội hải quân trong trận chiến đấu ngày 3, 4/4/1965…

Ông Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228 không thể nào quên khoảng thời gian tham gia chiến đấu tại trận địa Hàm Rồng. Trên sa bàn Hàm Rồng chiến thắng, ông hào hứng kể lại và chỉ cho chúng tôi vị trí của các trận địa pháo ở đồi C4, đồi Không tên, nhà máy điện Hàm Rồng, của tổ trung liên núi Ngọc gồm 3 đồng chí: Phạm Gia Huấn, Nguyễn Hữu Nghị, Trần Văn Liền …

Ông Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228 xác định vị trí các trận địa pháo xung quanh khu vực Hàm Rồng.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Bút, nguyên chiến sĩ Đại đội 8 xúc động nói: “Tham gia hai chiến dịch lớn: chiến dịch Điện Biên Phủ trên không và chiến dịch giải phóng miền Nam, trong đó có thời gian chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, tôi rất tự hào nhắc nhở con cháu qua thăm bảo tàng để thấy được truyền thống của nhân dân Thanh Hóa và các chiến sĩ tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng…”.

Tham quan phòng trưng bày anh hùng LLVT Ngô Thị Tuyển đã bồi hồi xúc động kể lại những trận đánh ác liệt của đế quốc Mỹ trên trận địa cầu Hàm Rồng và những chiến công anh dũng của quân và dân Hàm Rồng – Nam Ngạn với thế hệ hôm nay. May mắn được gặp và lắng nghe những cựu chiến binh Hàm Rồng kể chuyện, sinh viên Nguyễn Tài Nhân, trường Đại học Văn hóa, Thể Thao & Du lịch chia sẻ: Mục đích của chúng em đến bảo tàng mong muốn được xem và nghe lại truyền thống lịch sử của cha ông. Thông qua những hiện vật trưng bày tại bảo tàng mang lại cho chúng em những bài học bổ ích để được trưởng thành hơn.

Sinh viên trường Đại học Văn hóa, Thể Thao & Du lịch Thanh Hóa say sưa nghe các cựu chiến binh Hàm Rồng kể chuyện.

Trong số hàng ngàn tài liệu, hiện vật hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Tỉnh Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện chưa được kể, bởi trong chính mỗi hiện vật ấy chứa đựng ký ức, gợi nhớ về những thời khắc lịch sử và những câu chuyện của lịch sử. Những câu chuyện ấy sẽ được kể tiếp cho những ai yêu lịch sử, mong muốn tìm về cội nguồn của cha ông.

M.D
(Phòng Trưng bày - Tuyên truyền)