Sức mạnh đại đoàn kết trong trận Hàm Rồng chiến thắng, ngày 3,4/4/1965

Trong hai ngày 3,4/4/1965, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 47 máy bay, đập tan âm mưu đánh sập cầu Hàm Rồng của đế quốc Mỹ. Chiến thắng ấy đã làm nức lòng nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới bởi điều làm nên chiến thắng diệu kỳ đó chính là sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của quân và dân Hàm Rồng, Thanh Hóa.

Trong con mắt của giới quân sự Mỹ, cầu Hàm Rồng có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng, “là đầu mút của khu vực cán xoong”. Chính vì vậy, tháng 4 năm 1965, Hội đồng tham mưu quân sự Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc Việt Nam, thông qua danh sách những mục tiêu đánh phá khi được lệnh tấn công (trong đó có cầu Hàm Rồng). Sau nhiều đợt trinh sát, Nhà trắng và Lầu Năm góc quyết định triển khai kế hoạch đánh phá Hàm Rồng, coi đây là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Phán đoán được âm mưu của địch, từ tháng 2/1965 các tiểu đoàn, trung đoàn pháo cao xạ (của Quân khu 3), lực lượng phòng không, bộ binh, hải quân… được điều động về Hàm Rồng. Cuối tháng 3/1965, Tỉnh đội Thanh Hóa tăng cường thêm một Trung đội pháo 14,5milimet và một tổ trung liên. Các đơn vị dân quân tự vệ khẩn trương ổn định tổ chức, tăng cường luyện tập sẵn sàng chiến đấu.

Bộ đội và nhân dân kéo pháo vào trận địa Hàm Rồng

Bộ chỉ huy Hàm Rồng tổ chức lực lượng thành 5 cụm hỏa lực hỗn hợp, lấy đơn vị Đại đội pháo cao xạ làm nòng cốt, mỗi cụm hỏa lực vừa có khả năng chiến đấu độc lập vừa có thể phối hợp chiến đấu với các đơn vị bạn. Chỉ huy sở của Bộ chỉ huy mặt trận Hàm Rồng đặt tại núi Cuội, hai đài quan sát đặt trên cao điểm 134 và núi Một.

Đúng 13h ngày 3/4/1965, cuộc tấn công của đế quốc Mỹ vào khu vực Hàm Rồng bắt đầu. Từng tốp máy bay phản lực hiện đại các loại: F105, F8, RF101… liên tục tấn công cầu Hàm Rồng từ nhiều hướng. Do biết trước được âm mưu của địch, quân và dân Nam Ngạn - Hàm Rồng đã chủ động sẵn sàng đánh địch, bảo vệ cầu. Từng tốp máy bay Mỹ liên tục vấp phải hỏa lực mạnh từ các trận địa pháo của quân dân Hàm Rồng bủa vây. Sau hai giờ tấn công liên tục, đế quốc Mỹ không thực hiện được ý đồ đen tối của chúng, cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang nối đôi bờ sông Mã. Biết rằng địch chưa từ bỏ âm mưu đánh Hàm Rồng, Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị: “Địch chưa đánh gãy cầu Hàm Rồng, chắc chắn ngày mai (4/4/1965) chúng sẽ đánh tiếp ác liệt hơn”.

10h2’ ngày 4/4/1965 nhiều tốp máy bay địch từ sân bay Cò Rạt (Thái Lan), sân bay Đà Nẵng và các tàu sân bay từ Hạm đội 7 ngoài biển kéo đến, ồ ạt dội bom vào khu vực Hàm Rồng. Từ các trận địa pháo cao xạ, pháo phòng không cùng với súng trung liên, tiểu liên của dân quân tự vệ Hàm Rồng liên tục nhả đạn, nhiều máy bay của Mỹ bị bắn rơi ngay từ loạt đạn đầu. Chưa kịp hoàn hồn, quân địch tiếp tục vấp phải sự giáng trả quyết liệt của không quân nhân dân Việt Nam và bộ đội hải quân. Sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng tham gia chiến đấu tại Hàm Rồng cùng hướng tới một mục tiêu chung - tiêu diệt máy bay Mỹ đã làm nên chiến thắng oanh liệt nức lòng quân dân cả nước và bè bạn trên thế giới. Trong hai ngày 3,4/4/1965, 47 máy bay Mỹ bị bắn rơi, âm mưu đánh sập cầu Hàm Rồng của Mỹ bị thất bại.

Xã luận báo Quân đội nhân dân Việt Nam ra ngày 10/4/1965 có đoạn viết: “Đó là hai ngày chiến thắng giòn dã nhất, lớn nhất kể từ ngày mùng 5/8/1964 đến nay. Là hai ngày chiến thắng liên tục, đánh rất quyết liệt, phối hợp rất chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang, giữa bộ đội với nhân dân địa phương. Chiến công vẻ vang của các đồng chí là biểu hiện rực rỡ của ý chí sắt đá “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” để cứu nước, cứu nhà của quân và dân ta. Đó là đòn trừng phạt nặng nề làm cho kẻ địch hoảng hồn, khiếp sợ”.

Quả đúng như vậy, chiến thắng Hàm Rồng ngày 3,4/4/196 - nơi hội tụ sức mạnh đại đoàn kết được hun đúc từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh ấy được nhân lên tạo thành một thứ vũ khí phi thường đánh thắng kẻ thù ngay từ trận đầu tiên. Cùng với các lực lượng vũ trang bảo vệ Hàm Rồng, nhân dân Thanh Hóa nói chung, nhân dân khu vực Hàm Rồng - Yên Vực - Nam Ngạn nói riêng đã góp một phần đặc biệt quan trọng vào thành tích to lớn ấy. Đó là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa quân đội và nhân dân, của thế trận chiến tranh nhân dân, của tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng vì độc lập, tự do. Mặc cho những làn mưa bom bão đạn của địch liên tục trút xuống, những dân quân làng Yên Vực vẫn chèo thuyền vượt sông Mã ngay dưới chân cầu Hàm Rồng để tiếp đạn cho bộ đội. Nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vượt những chặng đường đầy bom đạn để tiếp tế cho các trận địa. Tổ cứu thương Lò Cao gồm 6 cô gái băng mình qua lửa đạn địch tới các khẩu đội pháo để băng bó vết thương cho thương binh, tiếp đạn, lau đạn… Bất chấp máy bay địch gầm rú, ném bom đánh phá, dân công làng Hạc Oa (Đông Cương) không quản hiểm nguy tiếp đạn, cứu thương cho các trận địa cao xạ đồi 75, C4, Quyết Thắng, Không Tên. Hàng trăm các mẹ, các chị trong làng Đông Sơn, tổ chức nấu cơm đưa ra từng trận địa cho bộ đội.

Các mẹ làng Đông Sơn tiếp tế cho trận địa

Trên khắp các ngả đường Nam Ngạn - Đông Sơn - Yên Vực các nam nữ thanh niên, học sinh không quản hiểm nguy có mặt trên các trận địa tiếp nước, tiếp đạn, cứu chữa thương binh. Nhà sư Đàm Xuân, trụ trì chùa Nam Ngạn cũng giành ngôi chùa linh thiêng làm nơi cứu chữa thương binh. Các ngành Y tế, Giao thông vận tải, Bưu điện, Đồn công an vũ trang Hàm Rồng, lực lượng Phòng cháy chữa cháy, Văn hóa thông tin…luôn bám sát trận địa phục vụ chiến đấu; sửa chữa; đảm bảo thông tin liên lạc; bảo vệ an toàn tài sản nhà nước, nhân dân; kịp thời truyền tin chiến thắng…. Phải nói rằng tất cả những người có mặt ở Hàm Rồng trong thời khắc lịch sử ấy đều ra trận, ai cũng muốn được tham gia bất kể đó là già, trẻ, gái, trai. Người không cầm súng bắn trả máy bay Mỹ thì làm nhiệm vụ tải thương, tiếp đạn, tiếp tế cơm, nước, lấy lá ngụy trang che cho trận địa... Đó là những hình ảnh nổi bật trong bức tranh sinh động toàn dân đánh giặc cứu nước, là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân và dân ta. Điều đó chứng minh cho nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu vì sao trong cuộc chiến không cân sức ấy chiến thắng tuyệt đối lại thuộc về một đất nước nhỏ bé, người dân đánh giặc chỉ bằng những loại vũ khí thông thường.

Hàm Rồng chiến thắng mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một “thiên anh hùng ca chói lọi” của thế kỷ 20. Và “Chiến công oanh liệt của quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực tượng trưng cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Hàm Rồng sẽ há miệng để nuốt hết bất cứ kẻ xâm lược nào định đến để làm đục bầu trời trên sông Mã đang được bảo vệ bằng những chiến sĩ dũng cảm”. Arm-niu-sanobi (đăng trên báo WONTA - Đảng cộng sản Ý).

Minh Dương
(Phòng Trưng bày – Tuyên truyền)