"Thanh Niên" - tờ báo Cách mạng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925

Trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh có biết bao sự kiện quan trọng gắn liền với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến sự ra đời của Báo “Thanh Niên”, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tờ báo xuất hiện trong thời điểm phong trào cách mạng Việt Nam đang nhen nhóm những bước phát triển mới, khi hàng loạt các tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức theo từng nhóm nhỏ với các khuynh hướng chính trị khác nhau, chưa tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh Niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên - khơi nguồn cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX.

Từ khi có báo “Thanh Niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Báo “Thanh Niên” đã mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo đội ngũ những người làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm… 

Nói về sự ra đời của Báo “Thanh Niên”, chúng ta có thể xâu chuỗi từ sự kiện người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế ở Trung kỳ năm 1908. Và nếu theo lôgíc thì sự kiện sau chính là kết quả tất yếu của sự kiện trước. Trong thời gian ở Huế, Nguyễn Tất Thành đã tham gia phong trào biểu tình của nông dân 6 huyện Thừa Thiên Huế đòi giảm sưu, thuế do bị mất mùa liên tiếp trong 3 năm. Đây được coi là một hoạt động yêu nước đầu tiên của Nguyễn Tất Thành khi chứng kiến thực dân Pháp thẳng tay đàn áp hàng vạn nông dân Việt Nam không khí giới tham gia biểu tình yêu cầu giảm thuế. Thực dân Pháp khủng bố, đàn áp vũ trang, hơn một nghìn người biểu tình bị giết, nhà tù chật ních người, hầu hết là trí thức yêu nước, nhiều trí thức nổi tiếng bị bắt, bị chém đầu.

Sau này, Người đã viết lại sự kiện ghi sâu trong tâm trí của Người trong bài báo đầu tiên mang tên“Vấn đề dân bản xứ”đăng trên báo L" Humanité (Báo Nhân Đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp), ngày 2/8/1919 với bút danh Nguyễn Ái Quốc. Khi tố cáo, lên án chính sách cai trị, những thủ đoạn đàn áp, cướp bóc của thực dân Pháp ở Đông Dương và sự phản kháng của nhân dân An Nam, Nguyễn Ái Quốc đã dẫn ra cuộc nổi dậy của nông dân Trung kỳ năm 1908, bài báo có đoạn viết: "Buộc phải bị kiềm chế bởi sức mạnh, nhân dân An Nam, mà lịch sử chân chính đã khởi đầu từ hơn 3000 năm, từng lúc từng lúc như có những đợt cồn cào chống đối, biểu hiện bằng những mưu toan nổi dậy rộng khắp, hoặc bằng hành động của những con người tuyệt vọng, như những cuộc biểu tình ôn hoà năm 1908... Đó là những cuộc phản kháng vô hiệu mà mỗi lần đều đem lại những trận đàn áp đẫm máu".

Sau này, trong nhiều bài viết và báo cáo của mình gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đều dùng những chữ "ôn hòa""thỉnh cầu tối thiểu" để viết về tính chất, mức độ cuộc nổi dậy của nông dân Trung kỳ. Sự kiện tham gia vào phong trào chống thuế ở Trung kỳ đã đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Từ suy nghĩ rằng, hành động của quần chúng nhân dân đã vượt ra khỏi khả năng lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước tiến bộ, Người nhận định: "Quần chúng căn bản là có tinh thần nổi dậy, nhưng còn rất dốt nát. Họ muốn giải phóng, nhưng họ chưa biết cách nào để đạt được mục đích ấy". Làm thế nào để các cuộc khởi nghĩa của đông đảo các tầng lớp nhân dân không bị đàn áp, bị chết chóc, tù đầy. Đó là câu hỏi đã làm cho Nguyễn Ái Quốc trăn trở, suy nghĩ. Đây cũng là sự kiện tác động trực tiếp nhất để Người càng nung nấu quyết tâm đi ra nước ngoài xem người ta làm như thế nào, sau đó trở về giúp đồng bào mình. Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành, với tên mới Văn Ba, xuống làm phụ bếp trên chiếc tàu buôn của Pháp mang tên Đô đốc Latouche Tréville, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm con đường chân lý, đuổi thực dân, giải phóng đồng bào.

Rời Tổ quốc, hành trang theo Người là tấm lòng yêu nước, thương dân, quyết tìm cách cứu dân tộc khỏi bị nô lệ, lầm than. Lênh đênh bốn biển, từ Pháp sang Mỹ, sang Anh rồi lại trở lại Pháp, Người làm đủ mọi nghề để kiếm sống, thâm nhập đời sống của giai cấp công nhân, hòa mình trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở chính quốc. Tại Paris, thủ đô của nước Pháp, trung tâm chính trị, văn hóa của châu Âu, tiếp thu ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp, hoạt động trong Ủy ban vận động ủng hộ Cách mạng tháng Mười của Đảng Xã hội Pháp. Cũng tại Paris, vào một ngày tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã được đọc Luận cương của V.I Lênin về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Luận cương của V.I. Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!".

Đến với Cách mạng tháng Mười Nga, với Luận cương của V.I Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định lựa chọn con đường đi cho “đồng bào mình”, bởi Người nhận thấy trên thế giới sao lại có một dân tộc giống dân tộc mình đến vậy, và ở đất nước họ những người dân lao động đã biết đứng lên giành được chính quyền. Cùng với những người cách mạng chân chính của nước Pháp, Nguyễn Ái quốc đã đã bỏ phiếu tán thành việc Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế thứ ba - Quốc tế Cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Những hoạt động xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc được Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đánh giá cao. Người được cử đến Mátxcơva dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Điều này phù hợp với nguyện vọng cháy bỏng của Người là muốn đến nước Nga, trung tâm của phong trào cách mạng thế giới để học tập kinh nghiệm lý luận và thực tiễn, chuẩn bị cho hành trình trở về tổ quốc. Ngày 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đã rời nước Pháp, đến Mátxcơva. Trên đất nước của Lênin, quê hương của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, Người đã học tập được kinh nghiệm xây dựng Đảng, và từng bước hoàn thiện lộ trình cứu nước.

Từ đây, Nguyễn Ái Quốc trở về Quảng Châu (Trung Quốc), trung tâm của phong trào cách mạng châu Á, từng bước thực hiện tâm nguyện: "trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập". Tại Quảng Châu, Người từng bước chuẩn bị về chính trị, tư tưởng cho sự ra đời một Đảng Mácxít ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo đội ngũ cán bộ, chuẩn bị cho sự ra đời chính Đảng ở trong nước. Đồng thời, Người chủ trương xuất bản báo chí làm phương tiện tuyên truyền. Ngày 21/6/1925, Báo “Thanh Niên”, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo ra số đầu tiên. Báo “Thanh Niên” là tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí vô sản nước ta góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam vào đầu năm 1930.

Báo “Thanh Niên” số ra ngày 3-10-1926.

Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam" (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7-1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận “Hội những người viết báo Việt Nam” là thành viên chính thức của tổ chức.

Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo “Thanh Niên” làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng. Theo đó, ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo “Thanh Niên” xuất bản số đầu tiên.

Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đổi tên gọi ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”.

Có thể nói, kể từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), báo chí Việt Nam đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa phẩm với tư tưởng tiêu cực len lỏi vào Việt Nam. Báo chí cũng đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.

Hoạt động báo chí có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế. Đứng trước những yêu cầu mới, thách thức của cơ chế thị trường với sự bùng nổ thông tin, của công nghệ hiện đại, báo chí cách mạng Việt Nam đã, đang và sẽ mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.       

Nguyễn Hữu (Phòng Truyền thông)

Nguồn tham khảo:

- Đồng chí Hồ Chí Minh ( TS. E. Cô bê lép- Viện Hàn lâm khoa học Nga, Phó chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Việt – Nga), NXB Thanh niên, Hà Nội; NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, năm 1985.

- Tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.Hồ Chí Minh.

Nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử quốc gia