Những chiếc trống đồng ở nước ta lần đầu tiên được sử sách ghi nhận cách đây hơn 2000 năm lịch sử, qua việc ghi chép về “thành tích” của Mã Viện. Sau khi đánh bại cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, tên tướng xâm lược của thời Đông Hán này đã thu gom các trống đồng của người Lạc Việt đất Giao Chỉ, đưa về kinh đô Lạc Dương để phá hủy, lấy nguyên liệu đúc ngựa đồng. Sự việc đầy bi thảm này cho thấy, kẻ xâm lược cố tình phá hoại hết dấu vết của một hiện vật truyền thống của dân tộc.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, những chiếc trống đồng lại được các nhà nghiên cứu châu Âu phân loại, đưa vào phạm trù khoa học. Dĩ nhiên mỗi nhà nghiên cứu có cách tiếp cận khác nhau, cho nên cách phân loại khoa học cũng rất đa dạng. Trong số này, cách phân loại của F. Heger, một học giả người Áo chia trống ra thành bốn loại chính và các loại phụ. Bốn loại trống chính đó được đa số các nhà khoa học chấp nhận và mệnh danh là các loại trống Heger I, Heger II, Heger III và Heger IV, gọi tắt là HI, HII, HIII và HIV.
Năm 1924, với cuộc khai quật khảo cổ học ở di tích Đông Sơn, Thanh Hóa, lần đầu tiên trống HI được biết đến qua một cuộc khai quật với mục đích nghiên cứu khoa học. Cũng từ những cuộc khai quật di tích Đông Sơn, ở những thập niên đầu của thế kỷ XX, nền văn hóa Đông Sơn đã được xác lập. Trải qua gần một thế kỷ nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, trống HI luôn luôn được gắn liền với nền văn hóa này, là một thành tố tiêu biểu, điển hình của nền văn hoá đó, vì vậy trống HI đã được đông đảo các nhà khoa học gọi là trống Đông Sơn.
Với hiểu biết hiện nay, sự phân bố của trống Đông Sơn ngoài sự có mặt ở Việt Nam, còn tìm thấy ở các khu vực khác thuộc Đông Dương, Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, các tỉnh Nam và Tây Nam Trung Quốc. Sự phân bố rộng rãi của trống Đông Sơn đã gây ra cho các nhà nghiên cứu nhiều kiến giải khoa học thú vị, trên cơ sở chấp nhận nguồn gốc của trống Đông Sơn là ở Việt Nam.
Năm 1987 và năm 1990, chúng tôi đã nghiên cứu 115 trống Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam, chia chúng ra thành 5 nhóm với 22 kiểu (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987, Phạm Huy Thông chairman 1990).
Nhóm A, thân trống chia 3 phần, dáng cân đối, hoa văn trang trí phong phú, có các vành chính ở mặt, lưng tả cảnh người, vật, động vật theo lối tả thực. Kiểu A1 là những trống đẹp nhất và sớm nhất.
Nhóm B, thân trống chia 3 phần rõ ràng nhưng không cân đối như nhóm A. Hoa văn trang trí đơn giản, ngoài vòng chim bay ở mặt còn lại đều là hoa văn hình học. Nhóm B hiện nay chiếm số lượng nhiều nhất.
Nhóm C, thân trống vẫn giữ truyền thống chia 3 phần cân đối, kích thước lớn hoặc trung bình. Hoa văn trở lại phong phú nhưng ở mức độ cách điệu hóa theo xu hướng biến hình thể. Nhiều mô típ hoa văn hình học mới xuất hiện. Có hiện tượng trang trí ở chân. Phổ biến có tượng cóc ở trên mặt trống. Từ nhóm trống C bắt đầu có yếu tố chuyển hóa từ trống Đông Sơn sang các trống loại HII, III, IV.
Nhóm trống D, thân trống chia 3 phần nhưng dáng lùn, thô, không cân đối, tang phình rất mạnh, lưng rất choãi, chân ngắn. Hoa văn trang trí đơn giản, không bố trí thành các vành, có trống không trang trí hoa văn.
Nhóm trống Đ, thân trống chia thành 3 phần rõ nét, cân đối đã bị phá vỡ. Ranh giới tang, lưng, chân không rõ ràng. Bố trí hoa văn ở mặt và một số mô típ hoa văn hình học vẫn còn mang truyền thống Đông Sơn. Dáng trống và bố trí hoa văn ở tang, lưng, chân và các mẫu hoa văn đã chuyển sang kiểu trang trí của trống HII, HIV. Đó là những trống trung gian HI-II, HI-IV. Nhóm Đ được gọi là trống Đông Sơn với ý nghĩa là những trống tiếp tục truyền thống Đông Sơn.
Số lượng trống Đông Sơn kể từ sau công bố của cuốn Dong Son drums in Viet Nam đến năm 2005, theo thống kê của tôi dựa trên những công bố chính thức, đã phát hiện thêm được 150 chiếc nữa. Không kể những trống chưa được xác định chính thức, thì số lượng trống Đông Sơn tìm thấy trên đất nước ta đã tới gần 300 chiếc. Ngoài ra, còn rất nhiều trống hiện nay đang được lưu giữ trong các sưu tập tư nhân, trong đó không ít là trống Đông Sơn. Những trống phát hiện sau năm 1990, về cơ bản không có gì mới nằm ngoài hệ thống phân loại của chúng tôi. Có hai điểm mới cơ bản, thứ nhất là cho chúng ta thấy diện phân bố của trống Đông Sơn ở Việt Nam có sự mở rộng, thứ hai là những căn cứ để đoán định niên đại cho các nhóm trống, có những nhận định chắc chắn hơn để điều chỉnh. Nhóm trống A có thêm kiểu A7, được tách từ kiểu A6 sang với các trống Lào Cai I, II, IV và trống Cổ Loa II thuộc kiểu C3. Có thể thấy rằng, kiểu A7 mang nhiều phong cách của nhóm trống Điền. Về vấn đề niên đại, cho tới nay những bằng chứng khảo cổ học cho thấy, các di tích và mộ táng có nhiều đồ đồng Đông Sơn có tuổi ở vào thế kỷ IV, III tr Công Nguyên. Vì vậy, niên đại của các trống nhóm A, nhóm trống Đông Sơn sớm nhất cũng ở vào khoảng thời gian này, thế kỷ IV, III tr CN.
Sự mở rộng địa bàn phân bố của trống Đông Sơn, qua những phát hiện mới cũng là điểm đáng quan tâm. Một số trung tâm Đông Sơn mới được làm rõ. Qua việc tìm thấy nhiều đồ đồng sang trọng của văn hóa Đông Sơn, cùng với văn hóa Hán ở vùng dọc sông Hồng thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, cho chúng ta biết thêm một trung tâm Đông Sơn rất quan trọng, ở đầu nguồn sông Hồng ở đất Việt (Phạm Minh Huyền 1997). Chỉ riêng vùng ven sông Hồng của thành phố Lào Cai, theo thống kê của tôi từ năm 1993 cho đến nay, đã phát hiện được 30 trống trong đó có gần đầy đủ các nhóm trống.
Điểm nổi bật đáng nói nhất, có lẽ là số lượng trống phát hiện ở ngoài khu vực văn hóa Đông Sơn, trong hơn mười năm qua đã tăng vọt. Những phát hiện cho thấy, hầu hết các tỉnh miền Trung đều đã tìm thấy trống Đông Sơn. Đáng chú ý nhất là tỉnh Bình Định, đã phát hiện được 18 trống, tập trung ở huyện Vĩnh Thạnh. Vùng Tây Nguyên có 3 tỉnh phát hiện được trống trong tổng số 5 tỉnh. Vùng Nam Bộ phát hiện được trống ở các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang. Theo thống kê của tôi cho đến năm 2004, số lượng trống Đông Sơn phát hiện được ngoài khu vực văn hóa Đông Sơn là 48 chiếc, trong đó chủ yếu là trống nhóm B và C, tuy nhiên có cả trống nhóm A.
Trở lại tỉnh Thanh Hóa, đây là một trung tâm lớn của nền văn hóa Đông Sơn, số lượng trống Đông Sơn tìm được ở tỉnh này nhiều nhất cả nước, hơn nhiều lần những trung tâm Đông Sơn khác. Diện phân bố của trống Đông Sơn ở đây cũng rất rộng, bao gồm các huyện từ miền núi như Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quan Sơn, Bá Thước, đến các huyện ven biển như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn và tập trung nhất là ở các huyện trung du, đồng bằng như Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, thành phố Thanh Hóa, Bỉm Sơn, trên địa bàn của các huyện này đều phát hiện được trống Đông Sơn.
Năm 1990, công trình Dong Sơn drums in Việt Nam, công bố những thông tin đầy đủ của 115 trống Đông Sơn tìm được ở Việt Nam, trong đó có 31 trống phát hiện ở Thanh Hóa, ngoài ra còn có 3 trống không phân loại được và 7 trống chưa được xác minh. Trong số 31 trống này chỉ có 1 trống thuộc nhóm A, đó là trống Quảng Xương thuộc nhóm A5, là loại trống có niên đại muộn nhất trong nhóm A. Trống nhóm B có 21 chiếc trên tổng số 52 chiếc. Trống nhóm C có 7 chiếc trong tổng số 24 chiếc. Trống nhóm D ở Thanh Hóa trong thời điểm đó chưa phát hiện được chiếc nào. Trống nhóm Đ chỉ có 1 chiếc trong tổng số 13 chiếc.
Kể từ sau công bố này, số lượng trống Đông Sơn tìm được ở Thanh Hóa tăng lên gấp đôi. Căn cứ vào các thông báo và những bài nghiên cứu đăng tải trên các ấn phẩm của Viện Khảo cổ học như Những phát mới về khảo cổ học và tạp chí Khảo cổ học, số lượng trống Đông Sơn phát hiện từ năm 1990 không kể những trống đã được công bố đến năm 2007 là 55 chiếc, theo danh sách của Bảo tàng Tỉnh Thanh Hóa, năm 2011 - 2012 đã thu nhận thêm 3 trống nữa. Những trống này cũng không nằm ngoài hệ thống phân loại của chúng tôi. Trống nhóm A có 4 chiếc, đáng chú ý là trống Làng Cốc phát hiện ở xã Thiết Ống, huyện Bá Thước. Trống thuộc sưu tập tư nhân: Đường kính mặt 76,50cm, cao 61cm, chiếc trống này đẹp không kém gì trống Ngọc Lũ, Cổ Loa, thuộc nhóm A1 (Hoàng Xuân Chinh, Đoàn Anh Tuấn 2004). Chiếc trống thứ hai đáng chú ý trong nhóm trống A, hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Los Angeles (Kiều Quang Chẩn 2000). Qua mô tả có thể thấy rằng chiếc trống này thuộc nhóm A2. Điểm đáng chú ý ở trống này là số hình người vũ trang nhảy múa trên vành chính ở mặt có tới 30 người. Trống Vĩnh Hùng có thể xếp vào nhóm trống A4, điểm khác lạ là lần đầu tiên thấy trang trí hình bò đứng trên thuyền. Trống nhóm B bao giờ cũng có số lượng nhiều nhất, chiếm hơn một nửa số trống. Trống nhóm C có 18 chiếc. Trống nhóm D đã được tìm thấy 1 chiếc, đó là trống Vân Qui hay còn gọi là trống Mả Nguôi, trống này có thể xếp vào kiểu D3. Mối quan hệ với khu vực Vân Nam (Trung Quốc) của cư dân Đông Sơn vùng lưu vực Sông Mã lại thêm một bằng chứng qua loại trống này. Như vậy là, trên quê hương Thanh Hóa đã có đầy đủ các nhóm của loại trống Đông Sơn, từ những nhóm đẹp nhất, được coi là những trống có trang trí đẹp nhất, có tuổi xa xưa nhất đến những trống muộn, chuyển tiếp sang các loại trống sau Đông Sơn.
Số lượng trống Đông Sơn được thông báo như vậy là khá lớn. Hiện tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang bảo quản và trưng bày 43 trống Đông Sơn. Hiếm có Bảo tàng nào có một số lượng trống lớn như vậy, đó là niềm tự hào của Bảo tàng Thanh Hóa. Việc Bảo tàng xuất bản sách giới thiệu những trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa, trong đó có trống Đông Sơn là một việc làm hết sức cần thiết. Trước hết đã giới thiệu cho đông đảo độc giả trong cả nước, có dịp tìm hiểu về một loại di vật quí của quê hương xứ Thanh nói riêng và của cả nước nói chung. Đây cũng là dịp cung cấp những tư liệu về trống đồng, của Thanh Hóa cho các nhà nghiên cứu một cách đầy đủ nhất.
PGS.TS. Phạm Minh Huyền
Tài liệu tham khảo:
Hoàng Xuân Chinh, Lê Anh Tuấn 2004, Lại thêm một trống nhóm Ngọc Lũ – Hoàng Hạ được phát hiện ở Làng Cốc (Thanh Hóa). Khảo cổ học, số 4:85-90.
Kiều Quang Chẩn 2000. Một trống đồng Đông Sơn quan trọng đang được trưng bày tại một bảo tàng Mỹ. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1999:311-312.
Phạm Huy Thông (chairman) 1990. Dong Son drums in Viet Nam. The Viet Nam social science publishing house.
Phạm Minh Huyền 1997. Một trung tâm văn minh cổ đại đầu nguồn sông Hồng ở đất Việt. Khảo cổ học, số 1:38-63.
Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987. Trống Đông Sơn. Nxb KHXH, Hà Nội.
Sách Trống đồng Thanh Hóa, NXB Khoa học xã hội, 2013.